- "Các địa phương phải chú trọng chăm lo đội ngũ nhân viên công tác tại các trại cai nghiện. Lương họ chỉ khoảng 2 triệu/tháng trong khi nguy cơ lúc nào cũng rình rập.." - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi sáng nay.
Trao đổi bên hành lang QH sáng nay, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, ông vừa vào Đồng Nai thực tế sau vụ hàng trăm học viên cai nghiện trốn trại.
Theo ông Dung, hiện 132 cơ sở cai nghiện trên cả nước đều đang quá tải nghiêm trọng ở mức 30-40%, cá biệt có nơi lên tới 300%.
Ngoại trừ Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng có các trung tâm cai nghiện có chỗ cai nghiện riêng, vừa có nơi vui chơi, giải trí và có môi trường làm việc, còn lại các trung tâm khác đều chưa đáp ứng yêu cầu.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: Phạm Hải |
Ngoài ra, ông Dung cho biết nhiều người cũng đang nghi ngại vì sao trong các cơ sở cai nghiện có tình trạng người nghiện chạy trên mái nhà 4-5 tiếng, leo cột điện 5-6 tiếng không ngã.
“Người thường có thể làm được không. Chắc là khó nên có nhiều ý kiến băn khoăn hay chăng trong cơ sở cai nghiện còn tình trạng thẩm lậu ma tuý?" - Bộ trưởng đặt vấn đề cần giải quyết đến nơi đến chốn.
Giải pháp trước mắt được Bộ trưởng nhấn mạnh, sẽ chú trọng ngăn chặn nguồn thuốc, chặn nguồn thẩm lậu, đẩy mạnh phối hợp giữa Sở LĐ-TB&XH các tỉnh với ngành công an.
Chú trọng chăm lo đội ngũ nhân viên
Bộ trưởng khái quát, mô hình trại cai nghiện tập trung hiện nay chưa hợp lý. Giờ phải phân loại đối tượng cai nghiện bắt buộc và tự nguyện, trong đó xu hướng là giảm tối đa cai nghiện bắt buộc. Những trường hợp nhẹ phải khẩn trương đưa về gia đình.
Đối tượng bắt buộc là những trường hợp đã qua cai nghiện tại gia đình, cộng đồng nhiều lần nhưng chưa dứt hoặc những người nghiện không có nơi cư trú ổn định, những người có tiền án, tiền sự (hiện chiếm 30-40%).
“Từ thực tiễn, tất cả những vụ phá cơ sở, trốn trại đều là những người có tiền án, tiền sự, từng dùng ma tuý đá, loạn thần, hướng thần. Những người này luôn muốn thoát ra và muốn làm sao có ma tuý để sử dụng. Những đối tượng này phải có một khu cai riêng”, ông Dung nêu và kiến nghị phải xử lý nghiêm những đối tượng cầm đầu.
Để giải quyết triệt để tình trạng trốn trại, ông Dung cho biết thời gian tới cần cho các địa phương cơ chế đặc thù, coi xây dựng trại cai nghiện như là công trình cấp bách, phải được chỉ định thầu để khẩn trương xây dựng. Trong đó phải có đủ khu cai, khu giải trí và khu làm việc.
Ông cũng yêu cầu các địa phương phải chú trọng chăm lo đội ngũ nhân viên có chuyên môn về y tế, kiến thức tâm lý, trị liệu và những người công tác tại các trại cai nghiện.
“Những người ở đó rất khó khăn, gian khổ. Mức lương chỉ có khoảng 2 triệu đồng/tháng trong khi nguy cơ lúc nào cũng rình rập”, ông Dung băn khoăn.
T.Hạnh – H.Nhì