- Mối liên quan giữa lịch sử và chính trị là vấn đề lớn. Các cơ quan lãnh đạo luôn nhìn vào lịch sử để nhận ra bài học về xây dựng bảo vệ đất nước, đối ngoại, ứng xử với vấn đề của thế giới.

{keywords}

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: XT.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã khẳng định như vậy tại buổi thông tin khoa học "Một số thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam" tổ chức sáng 22/2.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, những gì các nhà sử học băn khoăn cũng là những vấn đề mà người làm công tác tuyên giáo phải đối mặt, trao đổi để giải quyết, thậm chí cũng tranh luận gay gắt với nhau.

Trưởng ban Tuyên giáo cũng mong muốn, bộ Lịch sử Việt Nam đang được biên soạn sẽ trở thành bộ sử có tính chất thống nhất, chính thống thể hiện sự nhìn nhận khách quan, công tâm, trung thực đối với sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử, diễn tiến của cả quá trình lịch sử của dân tộc.

Việc tranh luận là cần thiết để giải quyết vấn đề và cũng có thể coi đó như một phần không thể thiếu, tiến tới góp phần cho bộ sử hoàn thành, khi ra đời nhận được sự đồng thuận của nhân dân” – Trưởng ban Tuyên giáo khẳng định.

Đã đến lúc làm rõ công tội của nhà Nguyễn

Trong bài trình bày trước đó, GS Phan Huy Lê điểm lại nhiều thành tựu nghiên cứu mới của giới sử học Việt Nam theo suốt chiều dài lịch sử từ thời cổ đại cho tới hiện nay.

Chẳng hạn về thời kỳ cổ đại, chúng ta có các nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh và Óc Eo của các dân tộc thiểu số, hay thời kỳ Bắc thuộc đã có phát hiện mới về cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan…

Nhiều hiện tượng, sự kiện, nhân vật trong lịch sử cũng đã được nhìn nhận lại, như công tội đối với nhà Hồ, nhà Mạc, hay đặc biệt là với nhà Nguyễn và các phong trào đầu thế kỷ 20.

GS Phan Huy Lê dành khá nhiều thời gian để nói về “công - tội” của nhà Nguyễn. Ông cho biết, vừa qua đã có một cuộc hội thảo quy tụ tới 500 nhà khoa học trong cả nước về nhà Nguyễn, tranh luận khá gay gắt.

Theo GS Phan Huy Lê, thời kỳ chúa Nguyễn có nhiều công lao tích cực phải nhìn nhận như việc khai phá phía nam, mở mang bờ cõi. Đến thời nhà Nguyễn đã có công khai phá Đồng bằng Sông Cửu Long.

Nhà Nguyễn cũng là triều đại đã định hình xong lãnh thổ của Việt Nam và cơ bản giống lãnh thổ Việt Nam hiện nay, từ cực Bắc tới Cà Mau, từ Tây Nguyên ra tới biển và quan trọng hơn cả là đã bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa.

Công lao của nhà Nguyễn về phương diện này không ai có thể chối cãi” – GS Lê khẳng định. Ngoài ra, nhà Nguyễn cũng có vai trò trong việc thống nhất đất nước cũng như xây dựng hệ thống hành chính quốc gia chặt chẽ.

Gia Long cũng là ông vua đầu tiên với tư cách là hoàng đế của Việt Nam công bố chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa. Trước đó, chúng ta đã thực thi chủ quyền nhưng chưa công bố” - lời GS Lê.

GS Phan Huy Lê cũng cho biết, việc triều Nguyễn đặt Hoàng Sa, Trường Sa trực tiếp dưới sự quản lý của triều đình trung ương cho thấy vị trí quan trọng của Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời để lại kho tư liệu cục kỳ quý giá phục vụ việc tăng cườngcông bố chủ quyền đối với 2 quần đảo này.

GS cũng cho biết, trước đây, trong những bối cảnh lịch sử nhất định, chúng ta chủ yếu phê phán nhà Nguyễn, do đó, đã đến lúc phải nhìn rõ công tội của nhà Nguyễn.

Nhìn nhận về lịch sử phải hết sức khách quan và chỉ những gì là khách quan của lịch sử mới tồn tại lâu dài được. Còn những điều mà trong một tình thế nào đó ta phải tôn vinh hoặc hạ thấp thì chỉ tồn tại trong điều kiện nhất định nào đó" - GS Phan Huy Lê nói.

"Sứ mạng cao cả nhất của sử học là làm thế nào để tạo nên được những trang sử trung thực, khách quan. Chỉ có sử liệu lịch sử thực sự mới có sức thu hút bạn đọc" - ông nói thêm.

{keywords}
GS Phan Huy Lê phát biểu tại hội nghị. Ảnh: XT.

Những khoảng trống lịch sử nguy hiểm

Theo Chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, hiện nay, nhận thức lịch sử chưa thực sự là toàn bộ và toàn diện.

Khi chúng ta viết lịch sử Việt Nam, vẫn chưa vượt qua được quan điểm truyền thống, nặng về lịch sử người Việt chứ chưa nhắc tới các dân tộc khác dù Việt Nam có tới 54 dân tộc.

Bên cạnh đó, trên cả nước, chỉ có lịch sử miền Bắc được trình bày ngọn nguồn từ thời nguyên thủy còn lịch sử của Nam Bộ thì chỉ mới bắt đầu từ thế kỷ 16. Toàn bộ thời gian trước đó chúng ta bỏ trống.

Điều này đã tạo nên một khoảng trống lịch sử cực kỳ nguy hiểm” – GS Lê cho hay.

Khoảng trống này dẫn đến nhận thức hết sức tuỳ tiện và đặc biệt nguy hiểm. Không ít người tận dụng cơ hội đó để đưa ra những luận điểm bất lợi cho chủ quyền lãnh thổ Việt Nam hiện nay” – GS nhận định.

Chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam kể, sau 1975 ông vào miền Nam thì có trí thức nói với ông rằng, họ băn khoăn vì sống ở miền Nam nhưng khi nhân dân hỏi không biết trả lời thế nào. 

Nếu nói từ thế kỷ 17 người Việt vào khai phá Nam Bộ thì người ta sẽ đặt câu hỏi ngược lại: Vậy lịch sử của Nam Bộ, của Sài Gòn trước đó thế nào? Không lẽ từ trên trời rơi xuống?” – GS Phan Huy Lê nói.

GS cho rằng, nhận thức như vậy là sai ở hai bình diện: Thứ nhất nước ta có 54 dân tộc anh em mà chỉ viết về lịch sử người Việt, gạt bỏ các dân tộc khác, không tôn trọng sự đóng góp của họ. Thứ hai, lịch sử của bất cứ quốc gia dân tộc nào đều phải xuất phát từ lãnh thổ hiện nay để viết sử chứ không thể từ một bộ phận nào hay từ một phía nào.

Điều này chúng tôi phải tự nhân trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng và Nhà nước” – GS Lê bày tỏ.

Từ đó, GS Lê cho rằng, cần phải xác lập một nguyên lý mới trong nhận thức lịch sử: Đó là nhận thức toàn bộ và toàn diện về lịch sử Việt Nam.

Có thể tóm tắt là xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam hiện nay đã được khẳng định và được nhiều tổ chức quốc tế công nhận, tất cả những gì diễn ra trên lãnh thổ này, kể cả đất liền, hải đảo và hải phận đều là một bộ phận của lịch sử và văn hoá Việt Nam.

Vì vậy, lịch sử Việt Nam không chỉ là lịch sử của một bộ phận người Việt mà là lịch sử của tất cả các dân tộc nằm trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, trong đó bao gồm cả các dân tộc trước đây đã từng có nhà nước riêng như người Chăm, người Khmer.

"Tất cả các nền văn hoá đã từng tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam đều là di sản của văn hoá VN, đều là bộ phận tạo thành của văn hoá Việt Nam" - GS Phan Huy Lê nói.

GS cho rằng, nhận thức như vậy sẽ giải quyết được hàng loạt vấn đề từ lịch sử cổ đại cho tới hiện đại của Việt Nam.

Lịch sử hiện đại của chúng ta thiên về lịch sử chống ngoại xâm. Theo GS Lê, việc viết về lịch sử chống ngoại xâm nhiều là đúng vì có tới hơn một nửa thời gian tồn tại của nhà nước Việt Nam là chống ngoại xâm và đô hộ. Tuy nhiên, lịch sử Việt Nam không chỉ có chống ngoại xâm mà phải gồm cả lịch sử xây dựng đất nước.

Bên cạnh đó, việc trình bày lịch sử chống ngoại xâm cũng mới chỉ trình bày một mặt là mặt phía ta, mặt thắng lợi còn phía địch thì chưa được nghiên cứu một cách sâu sắc. Trong khi đó, việc trình bày lịch sử xây dựng đất nước vẫn còn nặng về chính trị.

Theo GS Phan Huy Lê, trong bộ Lịch sử Việt Nam đang được biên soạn, cần phải trình bày về lịch sử Việt Nam theo quan điểm đầy đủ, toàn diện. “Khuynh hướng hiện nay là lịch sử xã hội, đi vào cuộc sống của con người trong cộng đồng xã hội. Chúng ta có tới 54 dân tộc, điều này không dễ nhưng phải cố gắng làm được” – GS Lê nói. “Đó là tính toàn bộ và toàn diện của lịch sử”.

Lê Văn