Đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương (Hà Đông, Hà Nội) bất kể ngày hay đêm cũng luôn bắt gặp không khí căng thẳng, ồn ào. Bởi thế, các cán bộ làm việc ở đây luôn chịu áp lực rất lớn về tinh thần.
Nhưng, vẫn có những người không chỉ “kiên gan” giữ vững vị trí trong nhiều năm, mà còn góp phần đáng kể vào đảm bảo công bằng, ổn định xã hội như Ths. Nguyễn Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư, phụ trách công tác tiếp dân của Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước.
Cũng bởi thế, Ths. Nguyễn Hồng Điệp đã là một trong những gương điển hình tại Đại hội Thi đua Toàn quốc tháng 12 -2015.
Ông Nguyễn Hồng Điệp tiếp công dân cùng Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh. |
Năm 2010, Ths. Nguyễn Hồng Điệp được giao phụ trách công tác tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước. Đây là một công việc phức tạp bởi người dân đã đến đây đều mang theo những nỗi niềm riêng, cả những oan ức trong nhiều năm nay chỉ còn trông mong vào “những Bao Công” ở nơi này.
Mỗi ngày, các cán bộ phải tiếp rất nhiều người với những bộ hồ sơ dày cộp, nên nếu không vững chuyên môn, không thể đọc nhanh để biết được vấn đề người dân khiếu kiện có oan sai hay không và ở mức độ nào, để đưa ra hướng giải quyết đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi người dân.
Với khối lượng công việc hàng ngày luôn bộn về, nếu không có kiến thức pháp luật, bản lĩnh và trên hết là cái tâm với công việc, sẽ khó có thể hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí dễ bị chi phối bởi tiêu cực. Là người phụ trách, ông Nguyễn Hồng Điệp càng phải luôn “căng” mình để làm tốt nhiệm vụ với mục tiêu cao nhất là vì người dân.
Khi xử lý, nhiều khi, Ban Tiếp công dân Trung ương phải trao đổi với địa phương để giải quyết. Nếu người dân vẫn không đồng ý do cách giải quyết ở địa phương không thấu lý đạt tình, Ban Tiếp công dân Trung ương sẽ báo cáo với Tổng Thanh tra Chính phủ cho kiểm tra, hoặc cho lập đoàn thanh tra về địa phương kiểm tra.
Với việc tiếp nhận, phân loại nhanh và chính xác, đề xuất để cấp trên giải quyết, Ban Tiếp công dân Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo trực tiếp về địa phương phối hợp cùng chính quyền cơ sở tổ chức đối thoại với dân. Vì thế, các vụ việc được giải quyết dứt điểm trong thời gian ngắn, nên số đoàn khiếu kiện đông người về Trung ương đã giảm đáng kể.
Khi nhiều đoàn khiếu kiện đông người đến Trụ sở tiếp dân có khi vài tháng, ông Điệp phải trực tiếp liên hệ với địa phương cử cán bộ cùng tiếp, rồi đưa công dân trở về địa phương an toàn. Nhiều vụ việc khiếu kiện đông người tại Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, ông Điệp cũng trực tiếp cùng chính quyền địa phương đối thoại với công dân tại cơ sở và bàn các biện pháp giải quyết khiếu kiện, không để công dân kéo lên Trung ương trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng.
Suốt những năm làm việc ở đây, ông Nguyễn Hồng Điệp luôn động viên cán bộ cấp dưới phải gắng làm sao để phát hiện và chấm dứt những oan sai của người dân. Bởi ông hiểu, nhiều đoàn khiếu kiện đông người kéo lên Hà Nội chính là do quá bức xúc với cách giải quyết của địa phương.
Ông Nguyễn Hồng Điệp chụp ảnh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Đại hội Thi đua yêu nước. |
Ông Nguyễn Hồng Điệp tâm sự: Thế nhưng, nhiều khi cán bộ giải quyết đúng vẫn bị bà con mắng té tát. Chúng tôi phải động viên anh em cảm thông bởi bà con có bị xâm hại quyền lợi mới phải bỏ nhà cửa ruộng vườn, lặn lội đến đây ăn chực nằm chờ khiếu kiện nhiều năm tháng, chứ chẳng ai muốn thế.
Luôn đặt quyền lợi người dân lên trên, các cán bộ ở Ban Tiếp công dân Trung ương đã đề xuất cấp trên giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu kiện kéo dài, mang lại niềm tin cho người dân vào công lý, góp phần ổn định ANTTXH. Đó là trường hợp của bà Thân Thị Giang (63 tuổi, tỉnh Bắc Giang) được xây dựng mới ngôi nhà cấp 4 rộng 60m2 trước Tết Ất Mùi sau hơn 10 năm bị mất nhà và đã được đích thân Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã về Bắc Giang chủ trì cuộc tiếp bà Giang cùng với đại diện Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Giang.
Hay trường hợp của bà Nguyễn Thị Vàng (Ba Vàng, 78 tuổi, ở Kiên Giang) có tới 40 năm theo kiện vì mất đất và đã được giải quyết vào năm 2014, đồng thời, được UBND tỉnh Kiên Giang hỗ trợ thêm 1,8 tỉ đồng.
“Do yêu cầu của công việc phải “sát cánh” cùng người dân trong nhiều năm, nên mỗi khi có vụ việc được giải quyết thỏa đáng, chúng tôi cũng vui lây, như thể họ là người thân của chính mình. Có bà cụ, sau khi được đền bù đất và tiền, đã mang tặng các cán bộ ở Ban Tiếp công dân Trung ương một xô bánh nếp, từ chối cũng không được. Nhận những món quà ý nghĩa như thế, chúng tôi thấy rất ấm lòng, vì cao hơn cả, là người dân đã gửi niềm tin cho chúng tôi.” - Ông Nguyễn Hồng Điệp chia sẻ.
Ông Nguyễn Hồng Điệp (ngồi bên phải Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh) trong buổi tiếp công dân ngày 3-1. |
Bên cạnh việc luôn trực tiếp tiếp và xử lý đối với các đoàn khiếu kiện đông người, các vụ việc phức tạp, ông Điệp còn chủ động phối hợp với Bộ Công an nắm bắt kịp thời và chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát tình hình khiếu kiện ở cơ sở, để chủ động sắp xếp kế hoạch tiếp, hướng dẫn công dân; phối hợp với Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Giao thông Vận tải và Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 có phương án kịp thời xử lý cấp cứu các trường hợp công dân, khiếu nại, tố cáo tại Trụ sở ốm đau, tai nạn đột xuất.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân đang hướng dẫn công dân quy trình gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo. |
Với những cố gắng và nhất là, tấm lòng vì sự công bằng cho nhân dân, gần chục năm qua, ông Nguyễn Hồng Điệp luôn được công nhận Danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp và đã được tặng nhiều Bằng khen của Thủ tướng, của Tổng thanh tra.
(Theo Công an nhân dân)