Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là quy định về trần lãi suất cho vay trong Bộ luật Dân sự 2015 sẽ chính thức có hiệu lực. Mức trần lãi suất 20% được đưa ra nhằm hướng tới hạn chế tín dụng đen, cho vay nặng lãi trong dân cư, tuy nhiên, đối tượng chịu sự điều chỉnh của quy định này hiện vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể, khiến thị trường tài chính sẽ bị xáo động.

Thị trường nghe ngóng trong lo lắng

Một số ý kiến cho rằng, mức trần lãi suất cho vay sẽ được áp dụng đối với mọi chủ thể từ ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) vi mô, hợp tác xã… tài chính tiêu dùng cho tới các khoản vay dân sự bên ngoài.

Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên môn, giới chuyên gia lại khẳng định: Quy định nêu trong Bộ luật Dân sự 2015 chủ yếu chỉ quy định cho các khoản vay dân sự bên ngoài hệ thống TCTD.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng cho rằng, nếu trần lãi suất áp dụng chung cho cả đối tượng là các TCTD thì sẽ tác động rất lớn đến thị trường tài chính, nhất là đối với các công ty cho vay tiêu dùng, bởi lãi suất của họ phải ở mức cao hơn hệ thống ngân hàng thương mại, như vậy mới đủ bù đắp rủi ro. Vì vậy, theo ông hiểu, quy định trần lãi suất tại Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015 chỉ áp dụng đối với các khoản vay dân sự bên ngoài hệ thống các TCTD.

{keywords}

Cùng chung quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, Chủ tịch Công ty Luật Basico cũng cho rằng, câu từ trong Bộ luật Dân sự 2015 thoạt nghĩ sẽ khiến nhiều người hiểu là mức trần lãi suất 20% sẽ áp dụng chung cho cả hệ thống TCTD lẫn quan hệ vay mượn trong dân. Tuy nhiên, trên thực tế lại không phải như vậy. Với điều khoản “loại trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”, Bộ luật Dân sự 2015 đã mở “lối đi” riêng và cho phép TCTD được hoạt động theo luật chuyên ngành. Các quy định trong luật đôi khi vẫn có nhiều cách hiểu khác nhau như Bộ luật Dân sự 2015 quy định là áp với cả hệ thống ngân hàng nhưng thực tế lại không áp dụng.

“Nếu chúng ta hiểu máy móc mức trần lãi suất 20% áp dụng luôn cho cả các TCTD, thì sẽ là làm phương hại đến sự phát triển của thị trường tài chính và sẽ làm cho việc phân bổ nguồn lực tài chính trong nền kinh tế bị méo mó”, Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) chia sẻ.

Nguy cơ luật chồng luật

Theo Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm, trừ trường hợp “luật khác có liên quan quy định khác”. Trong khi, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 lại cho TCTD quyền thoả thuận lãi suất nhưng phải “theo quy định của pháp luật”. Chính các cụm từ trên đang khiến thị trường hoang mang, không rõ mình phải thực thi theo luật nào.

Theo bà Vương Thuỷ Tiên, thành viên Hội đồng Thành viên Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam, pháp luật bao hàm nghĩa rất rộng, không chỉ luật mà còn là văn bản dưới luật nữa nên nhiều người chưa thực sự hiểu một cách rõ ràng. Trên thực tế, khi giải quyết tranh chấp, việc áp dụng luật tại một số toà còn chưa đồng nhất và thường chỉ sử dụng Bộ luật Dân sự.

“Việc luật chồng luật có thể dẫn tới nguy cơ là TCTD cho vay, sau nhiều năm, khi khách hàng không trả được nợ, kiện ra tòa với những tranh chấp phát sinh, tòa án có thể không chấp nhận lãi suất đã cho vay từ nhiều năm trước. Không biết điều gì chắc chắn có thế xảy ra cả”, Luật sư Trương Thanh Đức phân tích.

Đồng quan điểm, giới chuyên gia cũng cho rằng, nếu khống chế trần lãi suất thì sẽ không thúc đẩy được hoạt động cho vay tiêu dùng. Bởi đối tượng của vay tiêu dùng chủ yếu là người thu nhập thấp, không có tài sản thế chấp, độ rủi ro cao nên lãi suất cho vay cao, hiện phổ biến từ 20-40%/năm.

“Nếu khống chế trần lãi suất sẽ gây rủi ro, làm méo mó thị trường. Hơn nữa, lại không phù hợp với xu hướng hội nhập mà Việt Nam đang theo đuổi thời gian qua. Trong điều kiện đặc biệt, nhà quản lý có thể sử dụng công cụ hành chính, tuy nhiên, việc sử dụng ngày càng nhiều biện pháp hành chính sẽ càng gây khó cho cả hai, cả bên cho vay lẫn người đi vay”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, chia sẻ.

Vì thế, để tạo cơ sở pháp lý thống nhất trong hoạt động cho vay, tránh tình trạng người dân, tổ chức cho vay mơ hồ, không rõ phải áp dụng luật nào cho đúng, giới luật sư cho rằng các cơ quan chức năng cần đưa ra một cách giải thích duy nhất.

Theo luật sự Trương Thanh Đức, khi vấn đề không rõ ràng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ là người có thẩm quyền chính thức giải thích luật để cho tất cả mọi người hiểu và áp dụng đúng luật, cùng thống nhất. Về lâu dài, cần hướng tới tự do hoá lãi suất.

Trong Dự thảo Thông tư về cho vay tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước cho phép các công ty tài chính thoả thuận lãi suất. Đây là mong đợi của các bên cho vay. Tuy nhiên, Dự thảo này vẫn đang lấy ý kiến và chưa biết khi nào mới được ban hành.

Tú Mai