- Nhiều ý kiến cho rằng phải tái lập lực lượng cảnh sát săn bắt cướp (SBC) để tội phạm nghe đến cái tên huyền thoại đó mà khiếp sợ. Đề xuất của công an TP.HCM xin tái lập lại lực lượng này đang được Bộ công an xem xét.

Vì sao phải tái lập lực lượng SBC huyền thoại?

Trong đề xuất tái lập của công an TP.HCM, lực lượng SBC mới sẽ có một số chức năng, quyền hạn nhất định khi trấn áp tội phạm. Lực lượng SBC mới chỉ sẽ chú tâm đến một số loại hình tội phạm mang tính chất đặc thù của TP.HCM như: cướp, cướp giật, tội phạm hoạt động theo băng nhóm nguy hiểm…chứ không tấn công đủ loại tội phạm như lực lượng SBC trước đây.

{keywords}

Lực lượng SBC huyền thoại một thời

Đại tá Mai Văn Tấn, nguyên trưởng phòng cảnh sát hình sự, công an TP.HCM, thành viên huyền thoại của SBC bày tỏ quan điểm đồng ý với chủ trương tái lập lại lực lượng mang thương hiệu SBC.

“Cái tên SBC làm cho tội phạm nghe đến phải khiếp sợ, chùn bước, không dám lộng hành..”, ông khẳng định.

Ông Tấn nói, lực lượng SBC phải tinh nhuệ, được trang bị đầy đủ, tập luyện bài bản. Cựu thành viên SBC lẫy lừng một thời này cũng nêu rõ: “tái lập SBC cũng phải trao quyền cho anh em hoạt động, nếu xảy ra chuyện gì liệu có ai đỡ nổi; chúng ta biết là pháp luật không nương tay với ai”.

Trả lời VietNamNet, luật sư Nguyễn Phi Hòa (đoàn luật sư TP.HCM) cũng đồng tình với chủ trương tái lập SBC, vì những thành tích, chiến công mang thương hiệu SBC có tác động nhất định đến tâm lý tội phạm.

Ông Hòa cho rằng, tội phạm ở TP.HCM có những tính chất đặc thù, do đó cũng cần phải có lực lượng đặc thù như SBC để phòng chống, đấu tranh.

Liên quan tới vấn đề pháp lý, luật sư Hòa e ngại sự lạm quyền khi trao cho SBC những “đặc quyền” hơn các lực lượng khác, do đó cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng.

{keywords}

Đại tá Mai Văn Tấn, thành viên của đội SBC huyền thoại, cũng là người chứng kiến sự ra đời của lực lượng hình sự đặc nhiệm ngày nay.

“Những đặc quyền trao cho lực lượng này (nếu có) cũng phải nằm trong khuôn khổ, quy định của pháp luật. Khi tái lập lực lượng SBC, cần hệ thống chính trị, người dân ủng hộ về tinh thần, vật chất, trang thiết bị để lực lượng này hoạt động trấn áp tội phạm có hiệu quả…"

Chống tội phạm bằng các giải pháp căn cơ

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu – Phó trưởng khoa tâm lý trường đại học An ninh Nhân dân, nghiên cứu chuyên sâu về tội phạm cho rằng: thành lập lực lượng chuyên trách chống cướp giật ở TP.HCM là chủ trương đúng đắn, tôi hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, tên lực lượng này là gì không quan trọng, SBC cũng chỉ là cái tên...

“Áo mặc không tạo nên thầy tu”. Cái tên SBC có chăng cũng chỉ đem lại chút ít niềm tin cho người dân và một chút lo lắng cho tội phạm cướp giật, còn việc chống tội phạm hiệu quả như thế nào phụ thuộc vào chất lượng của lực lượng chuyên trách này.

Vì vậy, vấn đề không phải là tên gọi thế nào mà là việc tuyển chọn, bồi dưỡng, huấn luyện, xây dựng cơ chế, chức năng, nhiệm vụ đặc biệt cho lực lượng này để nâng cao hiệu quả chống tội phạm cướp giật mới là vấn đề đáng quan tâm”.

Theo tiến sĩ Báu, muốn chống tội phạm cướp giật hiệu quả cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp căn cơ, không nên phó mặc hoàn toàn trách nhiệm cho lực lượng SBC. Trong đó, cơ bản vẫn là giải pháp như: nâng cao hiệu quản lý hành chính của lực lượng công an; làm trong sạch địa bàn; quản lý chặt chẽ các đối tượng nghiện ma túy, tiền án, tiền sự cướp giật trên địa bàn; giáo dục nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần đấu tranh chống tội phạm cho người dân.

{keywords}
Hình ảnh cướp giật trên phố Sài Gòn vẫn là nỗi ám ảnh của người dân 

Đặc biệt, cần nhân rộng mô hình tổ tự quản chống cướp giật ở những địa bàn trọng điểm, phát huy sức mạnh của nhân dân…

Trong một số cuộc họp gần đây, trung tướng Lê Đông Phong – Giám đốc công an TP.HCM đều nhấn mạnh về các giải pháp căn cơ phòng ngừa tội phạm trên địa bàn.

Theo ông Phong, ngoài việc triển khai nhiều lực lượng cùng tham gia trấn áp tội phạm, cần lưu ý các giải pháp trọng yếu như: nâng cao vai trò của cảnh sát khu vực kịp thời phát hiện, xử lý mầm mống tội phạm; quản lý người nghiện – nguồn cơn phát sinh tội phạm; tăng cường kiểm tra hành chính, quản lý các khách sạn - nơi ẩn náu của tội phạm và các loại hình kinh doanh nhạy cảm như: vũ trường, tiệm cầm đồ…

Hi vọng với việc tái lập lực lượng SBC cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp khác, cuộc chiến chống tội phạm trên địa bàn TP.HCM sẽ có những diện mạo mới, hiệu quả mới.

Đàm Đệ