Vậy, lực lượng này nắm vai trò gì trong vấn đề tác chiến đô thị?
Trinh sát chiến dịch, chiến lược
Trước mỗi trận đánh, các nhóm LLĐN luồn sâu vào hậu phương đối phương, tiến hành trinh sát bằng mắt thường, vô tuyến điện, chụp ảnh, hoá trang để điều tra tình hình đối phương và cung cấp tin tình báo tin cậy cho chỉ huy. Trước các cuộc không kích, LLĐN sẽ tiếp cận mục tiêu, sử dụng thiết bị dẫn đường laser giúp cho không quân ném bom chính xác, sau đó đánh giá mức độ hiệu quả.
Khi xảy ra tình trạng hỗn loạn cộng với cấu trúc địa hình phức tạp bên trong đô thị, không quân chiến thuật rất khó phát hiện được mục tiêu, việc chiếu tia laser từ xa cũng rất khó khăn. Trong trường hợp này, LLĐN tiến hành trinh sát là nhằm bổ sung cho thủ đoạn trinh sát kỹ thuật, nắm chính xác các mục tiêu như sở chỉ huy, đầu mối thông tin, các trạm radar, sân bay chiến thuật... của đối phương.
Trong cuộc chiến ở Chechnya trước đây, khi mà các máy bay trinh sát và vệ tinh trinh sát không nắm rõ được tin tức tình báo, LLĐN Nga đã bí mật thâm nhập vào bên trong thành phố Grozny. Họ vẽ sơ đồ, ghi chép tỉ mỉ từng ngõ phố, các công trình quan trọng và những nơi nghi đối phương cất giấu vũ khí, thu thập một lượng lớn thông tin tình báo phục vụ cho triển khai hành động tiến công sau đó.
Trực tiếp chiến đấu
Ngày nay, ngoài các nhiệm vụ trinh sát, độc lập thực hiện các cuộc đột kích bất ngờ và các chiến dịch ứng cứu với quy mô lực lượng rất hạn chế, LLĐN trực tiếp tham gia chiến đấu ngày càng nhiều.
Tác chiến đặc nhiệm đã từng bước phát triển thành một kiểu tác chiến quan trọng của cuộc chiến tranh cục bộ kỹ thuật cao. Thủ đoạn tác chiến chủ yếu là: tiến công trực tiếp, đột kích bất ngờ hoặc phục kích; cài mìn hoặc đặt vật phá nổ khác; phát hiện và định vị mục tiêu cho vũ khí dẫn đường chính xác thực hiện đánh đòn chính xác tầm xa từ trên không, trên mặt đất và từ trên biển; thực hiện nghi binh tác chiến chiến dịch.
Trong cuộc chiến Chechnya, LLĐN Nga tham gia chiến đấu trực tiếp, đã đánh chiếm nhiều cứ điểm của đối phương. Các nhóm LLĐN cũng tiến công đánh chiếm các căn cứ, đánh phá cầu đường, cắt đứt đường chi viện hậu cần và đường rút lui của đối phương.
Tìm kiếm, cứu nạn, chiến tranh tâm lý
Khi thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, LLĐN thường sử dụng các loại máy bay trực thăng chuyên dụng có khả năng đánh lừa radar, chế áp thông tin và hoả lực của đối phương, có khả năng sống còn cao để bí mật luồn sâu vào hậu phương đối phương.
Tiến hành chiến tranh tâm lý, LLĐN thường sử dụng sách báo, truyền đơn, điện đài và các phương tiện tuyên truyền hiện đại khác làm dao động quyết tâm của giới chỉ huy đối phương, làm tan rã ý chí chiến đấu, chia rẽ trận tuyến, làm suy yếu sức chiến đấu của đối phương. Đây là cách thức giành thắng lợi lớn nhất nhưng phải trả giá nhỏ nhất, không đánh mà thắng.
Trong cuộc chiến Chechnya, LLĐN Nga còn sử dụng hình ảnh âm thanh mạnh tạo ra bầu không khí hoảng loạn, làm cho tinh thần của đối phương bị dao động.
Tập kích phá hoại hậu phương
Các phân đội nhỏ LLĐN luồn sâu vào hậu phương, tiến công bí mật bất ngờ, phá hoại, tập kích làm tê liệt các bộ phận quan trọng và các mục tiêu chủ yếu của đối phương. Đây có thể nói là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, xuyên suốt trong tác chiến đô thị của LLĐN hiện nay. Sau khi luồn sâu vào tung thâm, các phân đội đặc nhiệm khéo léo vận dụng ưu thế ít người để nguỵ trang và thực hiện các hành động phá hoại, hiệu quả tác chiến có thể tương đương với cả một lữ đoàn, sư đoàn.
Trong cuộc chiến Chechnya, LLĐN Nga trên cơ sở nắm chắc quy luật hoạt động và kế hoạch hành động của đối phương, lợi dụng đêm tối và sương mù dày đặc, tập kích bất ngờ các mục tiêu trọng yếu như căn cứ quân sự, kho vũ khí, kho xăng dầu, trạm thông tin và đầu mối giao thông, phá huỷ tiềm lực chiến tranh, làm dao động quyết tâm và lòng tin chiến đấu của đối phương.
Ám sát, bắt cóc
Ám sát bắt cóc là một trong những thủ đoạn thường dùng trong tác chiến của bộ đội đặc nhiệm. Thông qua bắt cóc, ám sát các quan chức chính phủ và chỉ huy cấp cao làm cho đối phương rối loạn. Trong tác chiến đô thị hiện đại, do nơi làm việc của các quan chức chính phủ và chỉ huy cấp cao quân đội tương đối cố định, nên việc sử dụng LLĐN để ám sát, bắt cóc có xu hướng ngày một gia tăng.
Trong cuộc chiến Chechnya, LLĐN Nga đã bí mật gài người vào hàng ngũ đối phương, theo dõi hoạt động của một viên chỉ huy rồi điều nhóm hành động đặc biệt đến bắt cóc viên chỉ huy này, kết quả là làm tan rã toàn bộ cánh quân của y.
Nguyên Phong