Tuy hoàn cảnh chiến tranh khi ấy không cho phép việc phúc quyết này được thực hiện trên thực tế, nhưng nó thể hiện lòng tin vô hạn của Nhà nước kháng chiến lúc bấy giờ vào người dân. 

Người dân sử dụng quyền lực

Sẽ không quá lời nếu so sánh một cuộc “trưng cầu ý dân” như biểu hiện cao nhất của nền dân chủ hiện đại. Tại đó, người dân được thực hiện quyền làm chủ của mình một cách trực tiếp.  Kết quả của cuộc trưng cầu ý dân được quyết định theo nguyện vọng của đa số người dân, chứ không chỉ giới hạn theo ý chí của nhà cầm quyền.

Lý lẽ của “trưng cầu ý dân” đó chính là việc thừa nhận rằng xã hội luôn tồn tại những vấn đề quá quan trọng đến mức một nhóm người đại diện (tức Nghị viện, Quốc hội, hay đảng cầm quyền) không thể quyết định thay cho toàn thể người dân. Các vấn đề này thường mang tính sống còn, nền tảng như quyết định sửa đổi, thông qua một bản hiến pháp mới, hoặc liên quan đến vấn đề độc lập dân tộc.[1]

Việc Quốc hội Việt Nam đang thảo luận để đưa ra một dự thảo luật trưng cầu ý dân được xem là tín hiệu mừng cho nền dân chủ nước ta. Tuy nhiên, cũng như những vấn đề pháp lý khác, việc hiểu chính xác ý nghĩa của trưng cầu ý dân chính là khởi đầu cần thiết trước tiên.

“Trưng cầu ý dân” suy cho cùng là việc tạo một cơ chế để cho người dân thực thi quyền làm chủ trực tiếp đối với quốc gia. Chính vì thế, việc đưa ra đạo luật về trưng cầu ý dân phải được hiểu là việc Nhà nước trình bày trước nhân dân cách thức để người dân sử dụng quyền lực của mình, chứ không phải là một sự cho phép hay “ban ơn”. 

Cũng như các quyền chính trị khác, quyền “trưng cầu ý dân” là quyền hiến định (Điều 29 Hiến pháp 2013).  Điều này có nghĩa rằng việc luật hóa “trưng cần ý dân” (bên cạnh các quyền hiến định khác) là trách nhiệm của Nhà nước chứ không phải là một lựa chọn chính trị, hay là sự mở rộng dân chủ. Việc Quốc hội phải cho ra đời đạo luật về “trưng cầu ý dân” vì thế sẽ mang tính bắt buộc, và không thể viện đến những lý do thời điểm hay dân trí thấp, dễ bị lợi dụng khá mơ hồ.

{keywords}

Đây chính là lúc để các đại biểu Quốc hội đặt lòng tin vào nhân dân. Trong ảnh: khai mạc Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9. Ảnh: Giang Huy/ VOV.vn

Biểu hiện của sự trưởng thành

Người dân tham gia bỏ phiếu “trưng cầu ý dân” chính là thực hiện quyền làm chủ, tự chịu trách nhiệm một cách trực tiếp đối với lựa chọn của mình.  Điều đó có nghĩa rằng kết quả của “trưng cầu ý dân” có thể không đúng với ý chí của Nhà nước (như trường hợp cử tri Pháp không tán thành việc phê chuẩn Hiến pháp Liên minh Châu Âu do chính Nhà nước Pháp đề xuất), hoặc có thể không mang lại hiệu quả (như trường hợp cử tri bang California nhiều lần không phê chuẩn kế hoạch tài khóa bang, khiến cho bang California trở thành “một bang không thể điều hành được”, như ví von của The Economist). 

Thế nhưng, dù đúng dù sai, dù có hợp với ý chí của Nhà nước hay không, kết quả của cuộc “trưng cầu ý dân” cũng sẽ là minh chứng rõ nét nhất cho một Nhà nước dân chủ, coi người dân là trung tâm. Với một con người, được tự bản thân quyết định điều gì đó mà không phải thông qua đại diện chứng tỏ sự lớn lên của cá nhân ấy.  Đối với một dân tộc, đó là biểu hiện của sự trưởng thành, của dân chủ. 

“Trưng cầu ý dân” không phải là việc để người dân hợp thức hóa một quyết định của Nhà nước, cũng như nó không phải là công cụ để tuyên truyền chính sách, chủ trương. Chính vì thế, ý kiến băn khoăn sợ rằng kết quả “trưng cầu ý dân” sẽ không đúng với chủ trương, chính sách của Nhà nước thể hiện sự hiểu lầm khá cơ bản về ý nghĩa của cơ chế này. “Trưng cầu ý dân” là để dân lựa chọn, chứ không phải là để dân hoan nghênh một việc đã rồi.

Trong lịch sử, đã có lúc người Việt Nam tiến rất gần đến nền dân chủ trực tiếp.  Bản Hiến pháp 1946 mạnh dạn quy định quyền phúc quyết của người dân đối với rất nhiều vấn đề, trong đó có cả chính hiệu lực của bản Hiến pháp đương thời. 

Tuy hoàn cảnh chiến tranh không cho phép việc phúc quyết này được thực hiện trên thực tế, nhưng nó thể hiện lòng tin vô hạn của Nhà nước kháng chiến lúc bấy giờ vào người dân.  Chúng ta cần nhớ rằng, nước Việt Nam năm 1946 đối mặt với nhiều thách thức, phức tạp, và “nhạy cảm”, một chế độ trong bối cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” ấy vẫn tin vào cử tri của mình.

Điều 21 Hiến pháp 1946 quy định: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, theo điều thứ 32 và 70”.

Điều 70, điểm c quy định, dự thảo sửa đổi Hiến pháp sau khi được Nghị viện ưng chuẩn thì phải “đưa ra toàn dân phúc quyết”.

Thiết nghĩ những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội về hệ quả của “trưng cầu ý dân” tuy không phải là không có cơ sở, nhưng cần phải được gác lại để tập trung vào các vấn đề lớn hơn.  Một số vấn đề cần thêm nhiều thời gian thảo luận đó là việc những việc nào bắt buộc phải có “trưng cầu ý dân”, những việc nào Nhà nước có thể lựa chọn đưa ra trưng cầu (dựa trên một nghị quyết của Quốc hội) v.v…    

Những câu hỏi, vấn đề kể trên cần sự cống hiến và trách nhiệm khi quyết định của các đại biểu Quốc hội. Đây chính là lúc để các đại biểu Quốc hội đặt lòng tin vào nhân dân, những người luôn luôn trao trọn niềm tin cho họ.

Lê Nguyễn Duy Hậu 

 
[1] Gần đây, Scotland đã tổ chức trưng cầu ý dân để quyết định xem xứ Scotland có nên tách khỏi Liên Hiệp Anh để thành quốc gia độc lập không. Các quốc gia thuộc khối EU cũng chọn hình thức trưng cầu ý dân để quyết định xem có nên phê chuẩn Hiến pháp của Liên minh Châu Âu hay không.