Luật Thuế TNCN ra đời vào 21/11/2007 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2009. Mặc dù đã qua hai lần sửa đổi (Luật số 26/2012/QH13 và Luật số 71/2014/QH13), nhưng do sự phát triển nhanh của nền kinh tế và sự điều chỉnh không kịp thời nên Luật này bộc lộ nhiều điểm hạn chế, không phù hợp với thực tiễn.

Dưới đây là một số hạn chế chính của hệ thống thuế TNCN ở Việt Nam hiện nay:  

Thứ nhất, biểu thuế thu nhập cá nhân với mức độ lũy tiến cao được áp dụng ở một nước có mức thu nhập trung bình thấp như Việt Nam là không hợp lý. Tính lũy tiến cao của biểu thuế hiện tại thể hiện ở số bậc thuế nhiều và khoảng cách giữa các bậc thuế quá dày (chỉ 5%) và đều nhau.

Việc đánh thuế đối với nhóm thu nhập thấp (với mức thu nhập tính thuế dưới 5 triệu đồng như hiện nay) sẽ tạo gánh nặng thuế khóa cho họ trong khi làm làm tăng nguồn thu ngân sách không đáng kể. Tính lũy tiến còn thể hiện ở chỗ khoang thu nhập tính thuế của nhóm thu nhập thấp và trung bình hiện nay quá hẹp. Hệ quả là, việc chuyển bậc thuế của các nhóm thu nhập thấp và trung bình nhanh hơn những nhóm thu nhâp khá và cao, tạo áp lực thuế khóa cho những nhóm thu nhập thấp và trung bình.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Đồng thời, đánh thuế quá cao lên nhóm thu nhập khá và cao (ở mức thuế suất 30% và 35% như hiện nay) sẽ làm giảm hiệu quả kinh tế của những nhóm này và có thể gây ra hiệu ứng “lấn át” đối với ngân sách nhà nước. Hơn nữa, mức thuế suất áp trên các loại thu nhập tính thuế khác nhau hiện còn rất bất hợp lý. Trong khi thuế đánh vào lao động thì nặng và triệt để, thuế đánh vào các khoản thu nhập khác, đặc biệt là các khoản thu “trời ban” như thu từ trúng thưởng, thì lại quá thấp (hiện chỉ ở mức 10%). Cần lưu ý rằng, thuế đánh vào lương là loại thuế bóp méo, còn thuế đánh vào thu nhập từ trúng thưởng là loại thuế không bóp méo. Theo lý thuyết thuế tối ưu, cần áp mức thuế suất thấp đối với các loại thuế gây bóp méo và áp mức thuế suất cao đối với các loại thuế ít gây bóp méo. Như vậy, cách thiết kế biểu thuế TNCN như hiện nay vi phạm cả tiêu chí hiệu quả và công bằng nên cần được xem xét lại. 

Thứ hai, mức giảm trừ gia cảnh thấp và rất chậm điều chỉnh tạo ra gánh nặng thuế khóa và ảnh hưởng lớn tới mức sống của nhóm đóng thuế ở bậc thấp và trung bình. Đặc biệt, mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là 40% như hiện nay là quá thấp và xa rời với thực tế. Đồng thời, cơ sở để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh chỉ là chỉ số hóa theo lạm phát là không đủ. Trong thập kỷ qua, kể cả thời điểm xảy ra dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn ở mức khá cao và vẫn tiếp tục tăng. Trong khi đó, ở giai đoạn này, Việt Nam kiểm soát dân số khá tốt với tốc độ tăng trưởng dân số trung bình chỉ ở mức dưới 1%/năm. Vì thế, mức sống của người dân cũng tăng lên đáng kể. Việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo Luật Thuế TNCN hiện nay chưa phản ánh được thực tế này. Hơn nữa, nếu chỉ tính đến yếu tố lạm phát thì việc điều chỉnh không thường xuyên theo diễn biến của lạm phát đã khiến sức mua của thu nhập của người nộp thuế liên tục giảm và mức sống giảm trong thời gian dài. 

Thứ ba, việc quản lý thuế TNCN còn chưa hiệu quả dẫn tới thất thu ngân sách nhà nước. Hiện nay, cơ quan thuế chỉ nắm được thu nhập của người làm công ăn lương vì thu nhập của nhóm này được báo cáo đầy đủ và khấu trừ tại nguồn, và còn “khó nắm” được thu nhập của các nhóm đối tượng khác như cá nhân tự doanh, kinh doanh nhỏ lẻ, kinh doanh online, chuyển nhượng tài sản, v.v. Hiện tượng trốn thuế là khá phổ biến. Hệ thống thuế chưa theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế số và các hình thức kiếm tiền mới nên còn thu sót hoặc bỏ qua nhiều cơ hội thu thuế, gây thất thu đáng kể cho ngân sách. 

Rõ ràng là, với những bất cập được trình bày ở trên, việc sửa Luật Thuế TNCN là vấn đề hết sức cấp bách nhằm ổn định nguồn thu ngân sách và đảm bảo công bằng giữa các đối tượng nộp thuế. Đầu năm 2023, Bộ Tư pháp công bố kết quả rà soát của các bộ, ngành về Luật Thuế TNCN. Kết quả cho thấy, Luật này có 22 điều cần phải sửa đổi, bố sung cũng liên quan tới tất cả các yếu tố chính của hệ thống thuế TNCN như cơ sở tính thuế, thuế suất và mức giảm trừ gia cảnh. 

Nhằm đưa ra những đề xuất cải cách hệ thống thuế TNCN theo hướng công bằng và hiệu quả hơn cũng như dựa vào kết quả phân tích thực trạng về thuế TNCN ở Việt Nam, tham khảo kinh nghiệm thiết kế và thực hành thuế TNCN ở một số nước, nhóm nghiên cứu đưa ra một số ý kiến cụ thể đóng góp cho việc sửa đổi Luật Thuế TNCN dự kiến sẽ được thực hiện vào năm 2025. 

TS. Nguyễn Hoàng Oanh và nhóm nghiên cứu