Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, ngoài ý kiến tán thành tăng số lượng phó chủ tịch HĐND TP, có ý kiến khác cho rằng, quy định về số lượng phó chủ tịch HĐND và cơ cấu của thường trực HĐND, ban của HĐND tại dự thảo luật là chưa bảo đảm đồng bộ với Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tăng số lượng phó chủ tịch HĐND và đổi mới cơ cấu tổ chức của thường trực HĐND, ban của HĐND TP là điều kiện cần cho việc đổi mới phương thức hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi để HĐND TP thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn mới được phân quyền theo dự thảo luật.
Vì vậy, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định thường trực HĐND TP có không quá 11 thành viên (gồm chủ tịch HĐND, không quá 3 phó chủ tịch HĐND, các ủy viên) và đều hoạt động chuyên trách.
Các ban của HĐND TP có số lượng phó trưởng ban bảo đảm bình quân không quá 2 người mỗi ban và có bộ phận chuyên trách để giải quyết các công việc thường xuyên trong thời gian ban không họp.
“Đây cũng là điểm đặc thù của Luật Thủ đô so với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương”, cơ quan Thường trực của Quốc hội nêu.
Về ý kiến đề nghị bổ sung thêm 1 phó chủ tịch UBND TP, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, số lượng cụ thể phó chủ tịch UBND các cấp do Chính phủ quy định.
Hiện tại, theo quy định, UBND TP đang được bố trí 5 phó chủ tịch và thêm 1 phó chủ tịch do thực hiện công tác luân chuyển cán bộ (nhiều hơn 1 người so với quy định chung) nên cơ bản đã đủ khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND.
Do đó, cơ quan Thường trực Quốc hội xin phép Quốc hội không bổ sung nội dung này vào dự thảo luật.