Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương và 116 điều (trong đó, bổ sung thêm 61 điều, sửa đổi 41 điều và lược bỏ 24 điều so với Luật Thanh tra 2010).

Trong đó, kế thừa các quy định hiện hành, dự thảo luật quy định các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: Minh Đạt

Tại tờ trình nêu, khi đề xuất chính sách xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi), cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất không tổ chức Thanh tra huyện. Hoạt động thanh tra trên địa bàn huyện sẽ do Thanh tra tỉnh thực hiện nhằm giảm đầu mối và các chức danh lãnh đạo cơ quan thanh tra.

Quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án luật, nhiều ý kiến cho rằng, huyện là một cấp chính quyền quan trọng, cơ quan thanh tra hiện nay không chỉ thực hiện chức năng thanh tra mà còn có trách nhiệm giúp UBND huyện thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Mặt khác, nếu không tổ chức Thanh tra huyện thì Thanh tra tỉnh cũng phải tăng thêm biên chế và tổ chức thêm các phòng chuyên môn phụ trách thanh tra địa bàn các huyện khi có yêu cầu, nên thực tế việc tinh giản bộ máy cũng không đáng kể.

Vì vậy, tiếp thu các ý kiến, trong dự thảo luật giữ nguyên quy định về Thanh tra huyện. Nhưng để khắc phục những bất cập hiện nay trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện đã được chỉ ra trong báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra thì “cần tăng cường về tổ chức, biên chế cho các cơ quan Thanh tra huyện nhằm đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ được giao”.

Bên cạnh thanh tra theo cấp hành chính, dự thảo luật quy định về thanh tra theo ngành, lĩnh vực gồm: Thanh tra bộ, Thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ và Thanh tra sở.

Luật hiện hành quy định một bộ chỉ có một tổ chức thanh tra. Các tổng cục, cục chỉ được giao chức năng thanh tra chuyên ngành mà không có tổ chức thanh tra độc lập.

Song nhiều bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực có những tổng cục, cục có chức năng quản lý nhà nước, nhu cầu thanh tra lớn nhưng do luật không cho phép thành lập tổ chức thanh tra nên đã tổ chức thành các đơn vị tham mưu về công tác thanh tra. Do không có đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra nên hoạt động gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Vì vậy, dự thảo luật quy định thành lập Thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ.

Tờ trình nêu rõ, việc thành lập các cơ quan thanh tra này bảo đảm nguyên tắc không “dàn đều”, không phải tất cả các tổng cục, cục thuộc bộ đều thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành.

Hai loại ý kiến

Trình bày báo cáo thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, UB Pháp luật cơ bản nhất trí với việc tổ chức các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh; đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về việc thành lập cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Minh Đạt

Về mô hình tổ chức Thanh tra huyện, quá trình thảo luận còn có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành tiếp tục duy trì mô hình tổ chức Thanh tra huyện, vì việc duy trì, củng cố cơ quan thanh tra hành chính ở cấp huyện là cần thiết, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ nguyên lý “ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra”.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần nghiên cứu, có giải pháp đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra, theo đó không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện.

Một số lý do được nêu ra đó là: Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra đã chỉ rõ, ở cấp huyện không có nhiều nhu cầu thanh tra; biên chế rất ít nên không phát huy được hiệu quả; Khắc phục tình trạng “dàn đều” nhưng biên chế quá mỏng của các cơ quan thanh tra huyện, bổ sung nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cho Thanh tra tỉnh; Vẫn bảo đảm nguyên lý “ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra” vì nhiệm vụ của cơ quan Thanh tra huyện sẽ được chuyển cho Thanh tra tỉnh, các cơ quan chuyên môn khác thuộc UBND huyện…

Ông Tùng cho hay, đa số ý kiến trong UB Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất.

Liên quan việc dự thảo quy định ở các bộ, ngoài Thanh tra bộ thì còn có Thanh tra tổng cục, cục thuộc Bộ, UB Pháp luật cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Luật, vì Luật Thanh tra hiện hành đã giao một số tổng cục, cục thuộc Bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu thực tế và theo điều ước quốc tế, một số luật chuyên ngành đã quy định việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại tổng cục, cục thuộc Bộ. Do đó, việc quy định thành lập cơ quan thanh tra tại một số tổng cục, cục thuộc Bộ là phù hợp với thực tiễn, đồng thời tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch cho tổ chức và hoạt động của tổ chức thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này.

Hương Quỳnh