Luật sư Phan Vũ Tuấn. Ảnh FBNV |
Như ICTnews đã đưa tin, gần đây YouTube đã xóa một loạt các video bài hát đang gây hot trên cộng động mạng“Độ ta không độ nàng”sau khi một công ty tại Việt Nam tuyên bố đã mua bản quyền bài hát này và có toàn quyền đối với ca khúc ở Việt Nam. Sau đó, khi công ty này lên tiếng cảnh báo về bản quyền, rất nhiều video “Độ ta không độ nàng” đã bị xóa khỏi YouTube. Đáng chú ý là các bản cover bài hát nhạc Hoa lời Việt này có nhiều video là do các ca sĩ nổi tiếng đầu tư thể hiện.
Từ đầu tháng 6/2019, ca khúc bắt đầu “làm mưa làm gió” thị trường âm nhạc Việt khi hàng loạt các bản cover không chuyên đua nhau ra đời như Thái Quỳnh, Hương Ly, Thiên An... Theo trào lưu, rất nhiều ca sĩ như Phương Thanh, Khánh Phương, Ưng Hoàng Phúc, Trấn Thành cũng đầu tư cover ca khúc này. Ca sĩ Phương Thanh thay vì sử dụng lời dịch ban đầu của Tuyên Chính đã viết lời nhạc mới, được sư thầy Thích Đồng Hoàng chắp bút với tên mới “Tự thân nàng hãy cứu độ nàng” theo tinh thần Phật pháp.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Dịch vụ Bản quyền Việt Nam, từ tháng 3, công ty đã nhận được sự ủy quyền toàn quyền với ca khúc “Độ ta không độ nàng” ở Việt Nam từ chủ sở hữu ở Trung Quốc. Trong hợp đồng ủy quyền, công ty được toàn quyền quản lý, thu phí sử dụng bản nhạc tại Việt Nam. Ngày 28/6/2019, công ty đã gửi văn bản tới YouTube và các trang chia sẻ nhạc thông báo rõ: Những ai muốn sử dụng, sao chép, phân phối bài hát này phải trả phí tác quyền là 5 triệu đồng cho một lần sao chép bản nhạc, bên cạnh đó khi chia sẻ bản nhạc trên các nền tảng như YouTube phải trả thêm 33% doanh thu thu được từ sản phẩm. Nếu ai không chịu bỏ tiền mua bản quyền, cũng như chia sẻ doanh thu thì phải chấp nhận gỡ bỏ ca khúc khỏi YouTube.
Bài hát "Độ ta không độ nàng" đang gây xôn xao dư luận về vấn đề bản quyền. (Ảnh minh họa: Internet) |
Sau khi có một công ty nhận sở hữu bản quyền bài hát, một số người chấp nhận nộp phí để duy trì video trên YouTube, một số người không đóng phí chấp nhận bị YouTube xóa tác phẩm. Song giới ca sĩ đã có nhiều ý kiến tỏ ra hoang mang về việc Công ty Cổ phần Dịch vụ Bản quyền Việt Nam công bố sở hữu bản quyền ca khúc và tổ chức thu phí bản quyền Việt Nam như nói trên có đúng luật hay không? Để làm rõ về vấn đề này, ICTnews đã phỏng vấn Luật sư Phan Vũ Tuấn, Văn phòng Luật sư Phan Law Việt Nam:
Gần đây, rộ lên phong trào một loạt ca sĩ có tên tuổi viết lời nhạc, ca từ dựa vào nền nhạc, ca từ của bài hát “Độ ta không độ nàng” của tác giả Cô Độc Thi Nhân (Trung Quốc), việc này có được coi là đã vi phạm bản quyền đối với tác phẩm này hay không, thưa ông?
Bài hát “Độ ta không độ nàng” của Trung Quốc được nhạc sĩ Trung Quốc sáng tạo ra tại Trung Quốc, nhưng vì cả Trung Quốc và Việt Nam đều tham gia Công ước Berne nên bài hát này vẫn được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam.
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, đối với các tác phẩm âm nhạc được viết lời nhạc, ca từ dựa trên nền nhạc của một tác phẩm âm nhạc nước ngoài xem là một tác phẩm phái sinh. Do đó, việc các ca sĩ của Việt Nam viết lời nhạc, ca từ dựa vào nền nhạc, ca từ của bài hát "Độ ta không độ nàng" của Trung Quốc là hành vi tạo ra một tác phẩm phái sinh theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ thì quyền làm tác phẩm phái sinh là quyền độc quyền của chủ sở hữu tác phẩm – tức các chủ sở hữu quyền tác giả của bài hát Trung Quốc, nên nếu các ca sĩ Việt Nam tự ý làm tác phẩm phái sinh mà không xin phép chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Khoản 7 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.
Luật sư có thể nói rõ về các quy định cụ thể của pháp luật Việt Nam đang bảo hộ cho các tác phẩm ca nhạc phái sinh, du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam như thế nào?
Theo quy định tại Điều 13, Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật Sở hữu trí tuệ), một tác phẩm nước ngoài muốn được bảo hộ tại Việt Nam, phải thỏa mãn hai điều kiện:
Tổ chức, cá nhân nước ngoài đã công bố tác phẩm tại nước ngoài đồng thời công bố tại Việt Nam trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu ở nước khác;
Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên.
Do đó, một tác phẩm nước ngoài hoàn toàn có khả năng được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam nếu đáp ứng được các điều kiện nói trên.
Cảm ơn Luật sư!