- Luật Phòng chống tham nhũng mới đã bổ sung quy định về kiểm soát xung đột lợi ích. Người quản lý người có chức vụ, quyền hạn khi phát hiện có xung đột lợi ích, tức là tình huống mà lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn sẽ tác động không đúng đắn đến thực hiện công vụ thì phải đình chỉ thực hiện công vụ, tạm thời chuyển người đó sang vị trí công tác khác ...

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ với Góc nhìn thẳng.

Mời quý vị xem video cuộc trao đổi:

Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua trong bối cảnh công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đang được đẩy mạnh. Điều mà người dân quan tâm là sau khi có luật mới, việc đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ có những thuận lợi cơ bản nào?

Chương trình Góc nhìn thẳng Báo VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, cơ quan thẩm định Luật phòng chống tham nhũng để tìm câu trả lời cho vấn đề trên

Xin cảm ơn ông Nguyễn Mạnh Cường đã nhận lời tham gia chương trình với chúng tôi.

MC Mỹ Hạnh: Thưa ông, nói một cách vắn tắt, Luật Phòng chống tham nhũng vừa được Quốc hội thông qua có những điểm mới cơ bản nào so với luật trước đây?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Luật phòng chống tham nhũng được trình Quốc hội lần này là Luật phòng chống tham nhũng được sửa đổi cơ bản và được Quốc hội biểu quyết với tỷ lệ phiếu cao. Trong luật có nhiều điểm mới rất quan trọng.

Thứ nhất, luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật sang khu vực tư. Trong đó, quy định rõ hành vi nào là hành vi tham nhũng trong khu vực tư. Những người có chức vụ, quyền hạn nào trong khu vực tư là đối tượng của hành vi tham nhũng trong khu vực tư. Quy định việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa sang khu vực tư, quy định liên quan đến đạo đức kinh doanh trong khu vực tư.

Bên cạnh đó, Luật Phòng chống tham nhũng lần này có những sửa đổi, bổ sung rất quan trọng để khắc phục những hạn chế, bất cập mà qua tổng kết 10 năm thi hành luật cũ đã chỉ ra.

Đó là những hạn chế bất cập về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, kể từ các biện pháp công khai minh bạch, quy định về kiểm soát, xung đột lợi ích, quy định về quy tắc ứng xử, quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ … lần này đều được sửa đổi, bổ sung, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Đồng thời, trong dự án luật lần này, có một nội dung rất quan trọng, đó là đã sửa đổi, bổ sung chế định về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Nếu như trước đây, luật hiện hành chúng ta quy định đó là chế định minh bạch tài sản thu nhập thì lần này luật quy định chế định kiểm soát tài sản thu nhập. Trong đó, có những nội dung rất quan trọng như là chúng ta sửa đổi về hệ thống cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập cá nhân.

Quy định cụ thể hơn về hình thức, đối tượng trong việc kê khai tài sản thu nhập. Quy định  về căn cứ xác minh tài sản thu nhập, trình tự thủ tục xác minh tài sản thu nhập và quy định cơ sở dữ liệu về quản lý tài sản thu nhập.

Cùng với quy định về kiểm soát tài sản thu nhập, thì dự án luật cũng bổ sung quy định liên quan tới kiểm soát xung đột lợi ích. Đó là một trong những  nội dung quan trọng trong công tác phòng ngừa.

Còn đối với công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, luật mới có những sửa đổi bổ sung, làm sao tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan có trách nhiệm phát hiện tham nhũng như là cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán. Quy định trách nhiệm những cơ quan này trong trường hợp thanh tra, kiểm toán họ không phát hiện ra vi phạm nhưng sau đó các cơ quan có thẩm quyền lại phát hiện ra vi phạm thì họ phải chịu trách nhiệm trong việc đã thanh tra kiểm toán nhưng không phát hiện ra vi phạm.

Hoặc chúng ta quy định nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu trong việc để xảy ra tham nhũng ở trong cơ quan đơn vị do mình quản lý. 

{keywords}
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội

MC Mỹ Hạnh: Luật Phòng chống tham nhũng được Quốc hội thông qua trong bối cảnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước ta đẩy mạnh hơn bao giờ hết, theo ông, Luật mới có giúp cho công cuộc phòng chống tham nhũng thuận lợi hơn so với luật cũ và cụ thể nhất là ở những khía cạnh nào?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Luật phòng chống tham nhũng như tôi đã nói có rất nhiều điểm đổi mới rất quan trọng. Tất cả điểm đổi mới đó đều phục vụ cho việc chống tham nhũng, phòng ngừa tham nhũng hiệu quả hơn.

Hiện nay, có thực trạng, hàng năm chúng ta có hàng triệu bản kê khai nhưng mỗi một năm, chúng ta chỉ xác minh hơn 100 bản. Trong 100 bản đó, cũng chỉ xác minh vài trường hợp vi phạm. Trên thực tế dư luận cho rằng không phải như thế. Ý kiến cử tri cho rằng rất nhiều trường hợp kê khai tài sản không minh bạch, không trung thực và cũng rất ít trường hợp bị xử lý. Đó là những hạn chế, bất cập của Luật phòng chống tham nhũng hiện hành.

Cho nên, luật mới lần này chúng ta tập trung vào sửa đổi chế định về kiểm soát tài sản thu nhập. Trong đó chúng ta hoàn thiện hơn cơ quan về kiểm soát tài sản thu nhập theo hướng xây dựng cơ quan này tập trung hơn một bước, thẩm quyền cơ quan này độc lập hơn so với các cơ quan khác và cơ quan này có tính chuyên môn hơn. Cho nên sẽ kiểm soát tài sản thu nhập hiệu quả hơn.

Đồng thời, quy định về thẩm quyền của cơ quan này trong kiểm soát tài sản thu nhập, quy định các căn cứ xác minh tài sản thu nhập, các trình tự thủ tục để xác minh tài sản thu nhập.

Với những quy định như thế, chúng tôi nghĩ rằng việc kiểm soát tài sản thu nhập, đặc biệt việc kiểm soát kê khai tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức sẽ hiệu quả hơn, thiết thực hơn. Nhiều các quy định khác đều bảo đảm phục vụ cho việc chúng ta thực hiện Luật phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn.

MC Mỹ Hạnh: Thực tế trong việc đấu tranh, xử lý  tham nhũng thời gian qua và nhiều ý kiến cho thấy việc này cực kỳ khó khăn là bởi phải đương đầu với những người có chức có quyền, thậm chí ở cả các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, luật mới có những quy định nào để giảm thiểu những khó khăn này thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Tôi hoàn toàn chia sẻ ý kiến trên.

Đúng! Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ quyền hạn, lợi dụng chức vụ quyền hạn để vụ lợi. Đó là khái niệm được quy định rất rõ trong Luật phòng chống tham nhũng.

Người tham nhũng ở đây là người rất đặc biệt. Đó là người có chức vụ, quyền hạn, người ta có mối quan hệ, có tiền, có địa vị, có tri thức... Cho nên phòng chống loại tội phạm này nó rất khó khăn. Vì vậy, tiếp tục kế thừa những quy định của luật hiện hành, lần này, luật mới quy định chặt chẽ hơn các biện pháp từ phòng ngừa cho đến phát hiện, xử lý tham nhũng.

Bên cạnh đó, luật cũng tập trung vào một số quy định tiếp tục kế thừa những quy định của luật hiện hành và tập trung sửa đổi một số quy định để có thể khắc phục, hạn chế, bất cập, khó khăn.

Luật quy định, trong trường hợp các cơ quan có thẩm quyền phát hiện có hành vi tham nhũng thì có quyền yêu cầu người đúng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị đó yêu cầu người nghi ngờ có hành vi tham nhũng đó phải tạm đình chỉ công tác, chuyển sang việc khác để phục vụ việc điều tra, xác minh.

Với những quy định như vậy, người bị tình nghi có hành vi tham nhũng sẽ không sử dụng được quyền lực,  địa vị của mình để can thiệp vào việc điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan có thẩm quyền. Hoặc liên quan tới kiểm soát xung đột lợi ích, nếu phát hiện có nguy cơ xung đột lợi ích, nghĩa là việc thực hiện một nhiệm vụ, công vụ nào đó liên quan đến người thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó thì người có thẩm quyền cũng phải tạm dừng nhiệm vụ đang thực hiện đó để bảo đảm không xảy ra xung đột lợi ích.

Bên cạnh đó, luật cũng quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Nếu người nào để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình mà không áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa tham nhũng, cũng như để phát hiện, xử lý tham nhũng thì phải chịu trách nhiệm, mặc dù anh không gây ra hành vi tham nhũng đó. Đó là chúng ta tăng cường trách nhiệm người đứng đầu.

Đặc biệt, do việc chúng ta điều tra, truy tố, xét xử những người có chức vụ quyền hạn là những người có vị trí rất đặc biệt, cho nên Bộ Luật tố tụng hình sự cũng phải có quy định những biện pháp điều tra, tố tụng đặc biệt. Ví dụ: ghi âm, ghi hình, thu thập dữ liệu điện tử bí mật...

MC Mỹ Hạnh: Thưa ông, Luật Phòng chống tham nhũng mới có sự liên kết thế nào trong việc xử lý tham nhũng với các luật và quy định khác như Luật hình sự, quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về nêu gương...?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Để phòng chống tham nhũng, chúng ta cần một hệ thống pháp luật đồng bộ. Một mình Luật phòng chống tham nhũng không thì chúng ta không thể chống được tham nhũng thành công. 

Luật phòng chống tham nhũng chỉ quy định những nguyên tắc và những biện pháp chung nhất để phòng chống tham nhũng. Còn các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong từng lĩnh vực cụ thể thì nằm trong các luật cụ thể. Vì vậy, luật này có mối quan hệ rất chặt chẽ với các đạo luật chuyên ngành khác cũng như mối liên hệ Bộ Luật hình sự.

Pháp luật phải thể chế hóa đường lối của Đảng và Luật phòng chống tham nhũng cũng phải thể chế hóa các đường lối của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng. Tất cả đường lối, chủ trương của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng trong lần này đã được sửa đổi, bổ sung, cập nhật vào trong Luật phòng chống tham nhũng này.

Tất cả chủ trương, đường lối liên quan đến việc phải kê khai tài sản cán bộ, công chức, liên quan việc mở rộng phòng chống tham nhũng sang khu vực tư. Việc xử lý tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ hay những yêu cầu khác được đặt ra trong các nghị quyết của Đảng thì luật lần này được thể chế hóa cụ thể trong các biện pháp phòng ngừa cũng như trong các biện pháp về phát hiện xử lý, kể cả trong quy định về xử lý tham nhũng.

Xử lý tham nhũng thì cũng quy định rõ, kể cả những người đã về hưu thì vẫn phải chiụ trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Liên quan tới quy định của Bộ Luật hình sự thì Luật phòng chống tham nhũng không quy định cụ thể các biện pháp xử lý về hình sự. Vì tội phạm và hình phạt thì pháp luật quy định, tội phạm và hình phạt chỉ được quy định trong Bộ Luật hình sự. Cho nên, quy định về xử lý  nằm ở Bộ luật hình sự, Luật phòng chống tham nhũng về xử lý về tội phạm tham nhũng thì dẫn chiếu sang quy định của Bộ Luật hình sự. Tuy nhiên, trong  luật phòng chống tham nhũng cũng quy định  rõ người nào có hành vi tham nhũng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị xử lý, kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật, mà pháp luật ở đây là Bộ Luật hình sự.

Đồng thời, với tài sản tham nhũng thì Luật Phòng chống tham nhũng quy định rất rõ tài sản tham nhũng phải bị tịch thu, thu hồi, tịch thu cho Nhà nước hoặc trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp.

{keywords}
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội và MC Mỹ Hạnh.

MC Mỹ Hạnh: Trong quá trình thực thi luật cũ cũng như trong khi thảo luận, góp ý luật mới, nhiều ý kiến nói rằng việc bảo vệ những người tố giác, đấu tranh chống tham nhũng cần phải được hết sức đề cao, ở Luật mới việc này có thêm những quy định nào mới, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Việc bảo vệ người dân, khuyến khích người dân, người ta phản ánh, tố cáo, tố giác đối với hành vi tham nhũng là rất quan trọng. Vì vậy pháp luật phải có quy định rất là rõ ràng về vấn đề này.

Một mặt, tạo điều kiện cho người dân phản ánh tố cáo, tố giác, báo cáo đối với cơ quan có thẩm quyền về hành vi tham nhũng. Mặt khác, cũng phải bảo vệ được người phản ánh, tố cáo, tố giác và phải có sự khen thưởng kịp thời đối với những người có công. Tất cả những vấn đề này, nội dung này, đã được thể hiện ở trong luật.

Ví dụ, liên quan tới việc tố cáo, tố giác đối với hành vi tham nhũng, liên quan đến những người tố cáo thì được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.

Thứ hai là tố giác, tin báo tội phạm được thực hiện theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự về giải quyết tin báo tố giác tội phạm.

Loại thứ ba là phản ánh, kiến nghị thì được thực hiện theo quy định của Luật tiếp công dân. Công dân có quyền phản ánh kiến nghị.

Cuối cùng, đối với cán bộ công chức, viên chức, thì thực hiện theo cơ chế là trách nhiệm báo cáo của cán bộ công chức, viên chức đối với hành vi tham nhũng.

Riêng đối với tin báo tố giác thì đã được Bộ luật tố tụng hình sự quy định nên luật này dẫn chiếu sang Bộ luật tố tụng hình sự.

Quy định về tố cáo thì được dẫn chiếu sang quy định pháp luật về tố cáo. Quy định về liên quan đến những người phản ánh, thì được dẫn chiếu sang luật tiếp cận thông tin.

Theo đó, cán bộ công chức, viên chức có trách nhiệm báo cáo hành vi tham nhũng đối với người có thẩm quyền. Do chưa có luật nào quy định nên vấn đề này được quy định trong Luật phòng chống tham nhũng. Còn việc bảo vệ thì hiện nay chúng ta mới đặt ra việc bảo vệ người tố cáo nói chung.

Riêng trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng này, do tính chất của chống tham nhũng rất quan trọng, do công tác chống tham nhũng là công tác được Đảng và Nhà Nước ta rất quan tâm nên Luật phòng chống tham nhũng có quy định rộng hơn. Không chỉ bảo vệ người tố cáo tham nhũng, mà bảo vệ cả người phản ánh, cả người báo cáo, cả người cung cấp thông tin, liên quan đến hành vi tham nhũng đều được bảo vệ.

Còn Luật tố cáo chỉ bảo vệ người tố cáo. Nghĩa là, tố cáo phải theo trình tự, thủ tục Luật tố cáo. Còn nếu không thực hiện trình tự, thủ tục Luật tố cáo mà chỉ phản ánh 1 thông tin, hoặc chỉ cung cấp 1 thông tin cho cơ quan có thẩm quyền thì hiện nay pháp luật chưa có quy định bảo vệ những người này.

Lần này, Luật phòng chống tham nhũng quy định những người này sẽ được bảo vệ. Đồng thời, pháp luật quy định việc những người có công trong việc phát hiện, tố giác tố cáo đối với hành vi tham nhũng thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Xin cảm ơn ông Nguyễn Mạnh Cường về cuộc trao đổi thẳng thắn.

Xin kính chào quý vị và hẹn gặp lại ở Góc nhìn thẳng số tiếp theo.

VietNamNet

Thực hiện: Hữu Khôi - Hạnh Thúy

Video: Xuân Quý - Bạt Tuấn - Huy Phúc

Email: [email protected]