- Doanh nghiệp nào có tiềm năng mới hỗ trợ, còn ai mới ốm dậy mà cho thuốc bổ thì không ổn. Việc hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể san bằng cho cả 500.000 doanh nghiệp như lo ngại của một số người.
Cục phát triển Doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) vừa trao đổi với báo chí giải đáp những băn khoăn, lo ngại về dự thảo luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV),
Ông Lê Văn Khương Trưởng Phòng Phát triển DNNVV, Cục phát triển DN (Bộ KH&ĐT) cho biết, khi soạn thảo dự luật này, Bộ KH&ĐT đã nghiên cứu kỹ các hiệp định thương mại quốc tế cũng như các cam kết quốc tế WTO, FTA,…
Cục phát triển Doanh nghiệp giải thích về những băn khoăn |
Ông Khương cho biết, DNNVV đã được loại trừ trong cam kết quốc tế nên khi đặt vấn đề hỗ trợ sẽ không vi phạm gì cả. Việc này đã được VCCI và Bộ Tư pháp có văn bản khẳng định. Còn theo nguyên tắc thị trường thì có những hỗ trợ trực tiếp một giai đoạn nào đó, không có chính sách nào để DN cứ nhỏ mãi để được hương lợi.
Về băn khoăn nguồn vốn nào hỗ trợ cho 500.000 DN, ông Khương cho biết việc hỗ trợ sẽ căn cứ vào thực lực của địa phương, không phải hỗ trợ tất cả, tràn lan mà tập trung vào 3 nhóm: DN chuyển từ hộ kinh doanh thành DN, DN start up (khởi nghiệp) và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành.
Liên quan đến ý kiến cho rằng mức hỗ trợ cho 500.000 DN, tính ra mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ khoảng 10 triệu là quá nhỏ, chỉ bằng 2 vé máy bay đi lại giữa Hà Nội và Sài Gòn, ông Khương khẳng định: “Chỉ ai có tiềm năng mới hỗ trợ, còn ai mới ốm dậy mà cho thuốc bổ thì không ổn, không thể hỗ trợ san bằng cho cả 500.000 DN”.
Tham gia xây dựng luật ngay từ giai đoạn đầu, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho hay, hiện Chính phủ có kế hoạch đến 2020 có phát triển thêm 1 triệu DN. Điều này có ý nghĩa rất lớn.
"Báo cáo đánh giá tác động dự luật cho thấy trong điều kiện hiện nay thì sẽ có những kết quả tốt, dự kiến sẽ mang lại 11 tỷ USD thuế, 8,7 triệu lao động được đóng BHXH khi rất nhiều hộ gia đình chuyển lên mô hình DN. Đặt vấn đề này là đúng mức và không quá sức mình”, ông Nam khẳng định.
Tránh việc DN lập 1 bộ phận chuyên tiếp thanh tra
Nói về những lợi ích DNNVV sẽ được thụ hưởng khi ban hành luật này, bà Bùi Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng cục Phát triển DN cho hay, dự luật chia ra 2 nhóm hỗ trợ chính. Về hỗ trợ chung là những quy định liên qua trách nhiệm của nhà nước tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cung cấp thông tin, tăng cường năng lực cạnh tranh…
Ông Khương giải thích thêm, dự thảo lúc đầu có quy định tỷ lệ nhất định là ngân hàng thương mại phải dành tỷ lệ 30% cho các DNNVV vay nhưng bị phản ánh không phù hợp với quy định của thị trường. Nên dự thảo điều chỉnh lại bỏ quy định này, thay vào đó là cấp bù lãi suất cho những nhóm DN trọng tâm.
Giải đáp lo ngại về cán bộ công chức gây phiền hà cho DN trong khi thực thi luật, ông Khương nhìn nhận việc thực thi pháp luật của Việt Nam chưa nghiêm, nhất là cấp địa phương liên qua đến chuyện hành xử của công chức.
Ông Khương kỳ vọng vào Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường kinh doanh, cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, thuế sẽ phần nào giảm phiền hà cho DN. Cùng với đó là quy định chỉ được thanh tra DN 1 lần/năm để tránh tình trạng DN phải thành lập 1 bộ phận chuyên đi tiếp thanh tra, kiểm tra.
Dự thảo luật DNNVV sẽ được Thường vụ QH cho ý kiến vào tuần sau.
Thu Hằng