Quốc hội sáng 15/11 thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng Luật Đấu thầu được Quốc hội khóa XIII ban hành cho tới thời điểm này đã bộc lộ rất nhiều khiếm khuyết trên thực tế nền cần phải sửa đổi.
Bà nêu quan điểm đấu thầu chỉ là phương tiện, không phải là mục đích. Mục đích của đấu thầu là để có những sản phẩm chất lượng và kiểm soát được giá cả. Nhưng thời gian qua xảy ra tiêu cực quá nhiều và hầu như toàn thể dự thảo luật có các quy định nhằm tăng cường những biện pháp làm sao để giám sát, tuy nhiên sẽ làm tăng thời gian, công sức và hiệu quả chống tiêu cực chưa rõ.
Bà cũng chỉ rõ hầu như nhóm sản phẩm dịch vụ sử dụng ngân sách đều phải đấu thầu và chúng ta chấp nhận chậm lại để không tiêu cực. Nhưng có nhóm mặt hàng đặc biệt là y tế nhằm mục đích cứu người chữa bệnh, liên quan tính mạng người dân không chậm lại được.
Về đấu thầu trong y tế, ĐB TP.HCM đề nghị ban soạn thảo quy định một chương riêng về đấu thầu thuốc. Đồng thời đa dạng hóa các phương thức để có được hàng hóa, dịch vụ, có được thuốc cho người bệnh “chứ không chỉ chăm chú vào đấu thầu vừa tốn thời gian, vừa không có thuốc, cũng chưa chắc chống được tiêu cực”.
Phân tích về thuốc là mặt hàng thiết yếu, theo nữ ĐB khi đấu thầu sẽ có tình trạng các đơn vị dự thầu từ chối không tham gia thầu hoặc hủy thầu, trong trường hợp này cần có cách giải quyết đặc biệt để có thuốc phục vụ điều trị cho bệnh nhân.
Vì vậy đến nay vẫn chưa giải quyết được tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế tại các bệnh viện. Trong thời gian đó bệnh nhân vẫn phải chờ đợi.
Về giá đấu thầu, bà Lan nhấn mạnh, không thể căn cứ vào giá trúng thầu năm trước là giá căn cứ năm sau. Đấu thầu bao giờ cũng chọn giá thấp nhất, làm sao đảm bảo giá rẻ nhất nhưng chất lượng đảm bảo, nhất là trong đấu thầu thuốc. Nhưng lại thiếu một tiêu chí rất quan trọng là đánh giá của bác sĩ điều trị về thuốc đó hiệu quả ra sao, phải lượng hoá và công khai bởi hội đồng thuốc và điều trị.
Dù đánh giá này theo bà có thể hơi cảm tính, sau này khi cơ quan kiểm tra vào có thể kết luận sao không chọn thuốc rẻ hơn. Song bản thân bác sĩ với quá trình ăn học, lương tâm nghề nghiệp, lời thề Hippocrates, khi chọn thuốc phải có hiệu quả điều trị cho người bệnh.
Bà Lan trăn trở bày tỏ: “Đồng ý vẫn có tiêu cực, nhưng phải xây dựng làm sao đảm bảo chất lượng thuốc. Nếu không lại phí thời gian làm luật mới mà không hiệu quả. Có quốc gia nào trên thế giới mà đấu thầu khốn khổ như chúng ta hay không?”.
ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình) nhấn mạnh để đảm bảo công tác đấu thầu công khai, minh bạch, đạt hiệu quả, tránh sai sót, vi phạm không đáng có, bà Thu góp ý cần bổ sung vào dự thảo luật quy định riêng về đấu thầu cho ngành y tế như mua sắm thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, hóa chất sinh phẩm và các dịch vụ phi tư vấn khác. Đồng thời cần có quy định chi tiết hình thức chỉ định thầu, xử lý chỉ định thầu rút gọn.
Đồng tình với đề xuất của ĐB Phong Lan, ĐB Khánh Thu, ĐB Nguyễn Tri Thức (TP.HCM) cho rằng trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) chỉ nói về đấu thầu thuốc, điều đó là chưa đủ. ĐB mong muốn Ban soạn thảo bổ sung một chương riêng đối với đấu thầu y tế bởi lĩnh vực đấu thầu y tế có tính chuyên sâu rất cao.
Bên cạnh đó, dự thảo vẫn xem hàng hóa y tế, vật tư y tế như là hàng hóa thông thường, ông Thức giải thích cần phải xem vật tư y tế hàng hóa đặc biệt vì nó liên quan trực tiếp đến tính mạng người bệnh.
ĐB Nguyễn Tri Thức cũng đề nghị nên quy định trường hợp cấp bách trong y tế, vì hiện giờ chỉ có quy định là cấp cứu, còn chưa quy định trường hợp cấp bách bởi khi không có đơn vị nào dự thầu hoặc là không trúng thầu thì không có thuốc hoặc trang thiết bị để điều trị cho người bệnh. Trường hợp cấp bách này thì xử lý như thế nào, tổ chức nào được phép xác định trường hợp cấp bách?
GĐ Bệnh viện Chợ Rẫy đề xuất nên cho phép lãnh đạo bệnh viện hay là Đảng ủy, Hội đồng xác định trường hợp cấp bách, để tránh tiêu cực và kịp thời đáp ứng thuốc cho người bệnh.
Đỗ Khanh, Nguyễn Hồng Hạnh, Hồng Khanh