Quyền con người bị xâm phạm bởi tin giả trên mạng xã hội

Mới đây, phát biểu tại Hội thảo trực tuyến về luật quốc tế trên không gian mạng, bà Elsbeth Akkerman, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam cũng cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, sự kiện nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tăng cường công tác của lực lượng công an phòng, chống các tội phạm mạng, bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng, bảo đảm quyền con người, đặc biệt chú trọng tới nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, thường là các đối tượng hướng tới của các tội phạm mạng…

{keywords}
Ảnh minh họa

Cùng với kinh tế, các vấn đề xã hội, nhất là quyền con người cũng đang đứng trước những thách thức lớn. Trong thời gian qua, khi cả nước, cả thế giới đang cùng chung tay phòng chống dịch bệnh covid 19, đã xuất hiện thông tin không chính xác, bịa đặt đăng tải trên internet, trên mạng xã hội về tình hình dịch bệnh, những thông tin này khiến nhiều người lo lắng hoang mang, ảnh hưởng đến cuộc sống.

Hôm 03/02, trên mạng xã hội lan truyền đoạn ghi âm dài hơn 1 phút nói về tình hình số ca nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy. Đoạn ghi âm có giọng nữ, được cho là gọi điện thoại cho em mình: “Bé ơi, chị có một anh làm trong BV Chợ Rẫy... , ảnh (anh) nói với đám tụi chị là ở Chợ Rẫy có 33 người chết vì bệnh Corona rồi. Thông tin này chính xác 100% vì ổng (ông) làm trong đó ổng biết. Ổng nói với tụi chị là ngày mai ổng xin nghỉ luôn, không dám làm trong đó nữa...”. Đoạn ghi âm này lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội.

Sáng 04/02 cư dân mạng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hoang mang về một hình ảnh phiếu xét nghiệm kết quả dương tính của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đối với 1 trường hợp thiếu niên 14 tuổi nghi nhiễm chủng mới của virus corona. Công an tỉnh Lâm Đồng xác định nguồn tin trên từ facebook của học sinh trường cấp 3, thuộc địa bàn Phường 10, TP Đà Lạt. Tiến hành làm việc, nam sinh này khai nguồn gốc hình ảnh trên được chia sẻ từ một thành viên trong nhóm facebook của lớp.

Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) TP Hải Phòng đã xử phạt 10 triệu đồng đối với Hoàng Anh (SN 1986), hiện trú tại phường Bạch Ðằng Giang (quận Ngô Quyền) về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên trang facebook cá nhân. Nội dung mà Hoàng Anh đăng tải là "… Chuẩn bị cách ly cả Hải Phòng…", gây hoang mang, lo lắng cho rất nhiều người dân; đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố.

{keywords}
Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 31/01, ông L.Q.H và bà N.T.H đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để tung tin có hai trường hợp ở Đắk Nông nhiễm Covid-19, khả năng lây cho nhiều người. Sau khi thông tin này lan truyền, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông khẳng định trên địa bàn hiện chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân nhiễm Covid-19, cũng như chưa có trường hợp nào nghi nhiễm phải cách ly.

Những thông tin trên đã xâm phạm nghiêm trọng tới quyền con người thông qua việc tạo tâm lý hoang mang, khủng hoảng. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, các trường hợp tung tin thất thiệt nói trên đều đã bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Câu chuyện tin giả trong mùa dịch bệnh Covid chỉ là một minh chứng cho thấy mạng xã hội đã bị sử dụng làm ảnh hưởng tới những thành tựu của quyền con người. Bởi vậy, Tướng Lê Tấn Tới cho rằng, không gian mạng không thể là một lĩnh vực không có pháp luật. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, nạn tin giả, thông tin chưa được kiểm chứng, kiểm soát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo đảm quyền con người như quyền riêng tư, quyền bí mật đời tư của cá nhân, doanh nghiệp.

Tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền con người trên không gian mạng

Tại Hội thảo “Luật quốc tế trên không gian mạng” mới đây, PGS, TS Tường Duy Kiên, Viện Quyền con người, Học Viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền con người trên không gian mạng hiện nay.

{keywords}
Ảnh minh họa

Ông lập luận, vai trò và sự phát triển to lớn của mạng xã hội đã mang lại nhiều lợi ích, nhiều thời cơ nhưng đồng thời lại thách thức, xung đột với nhiều vấn đề khác trong xã hội. Việc phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội dẫn đến sự tự do của từng cá nhân tham gia, mỗi cá nhân đều là những “nhà báo” trên không gian mạng.

Do đó, quyền con người trên không gian mạng không phải là quyền tuyệt đối, mà ngược lại cần thiết có sự hạn chế, điều đó đã được thể hiện qua nhiều quy định cụ thể của pháp luật Việt Nam. Công tác quản lý nhà nước cần vạch rõ giới hạn để không xâm phạm tới quyền con người trên không gian mạng nhưng đồng thời, phải xác định được vai trò của mình trong việc bảo đảm quyền con người trên không gian mạng, đặc biệt trong việc bảo vệ các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, trong đó chú trọng tới phụ nữ và trẻ em. Cần sớm nhận diện các hành vi vi phạm quyền con người trên không gian mạng, và hoàn thiện cơ chế xử lý đối với các hành vi đó, từ chế tài xử phạt hành chính cho tới xử lý hình sự.

Theo ghi nhận của báo giới, các học giả tham dự Hội thảo “Luật quốc tế trên không gian mạng” đánh giá, Luật An ninh mạng Việt Nam sau 1 năm có hiệu lực đã góp phần nâng cao hiệu lực công tác bảo vệ lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh, tạo môi trường bình đẳng về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, tạo cơ chế pháp lý giúp đấu tranh với các tội phạm mạng, bảo đảm tốt hơn quyền con người.

Hòa Bình