Mọi người nghĩ gì về luận tội?
Ngay từ đầu, Trump đã kịch liệt phủ nhận những hành động được đưa ra cũng như là tính hợp pháp của cuộc điều tra luận tội, cho rằng cuộc điều tra này là một cuộc tấn công vào nền dân chủ Mỹ, đã vi phạm các đặc quyền của Tổng thống và là một hành động khác để cho thấy là Đảng Dân chủ vẫn không có khả năng để phục hồi sau khi đã thất bại trong cuộc tranh cử Tổng thống nắm 2016.
Trong một lá thư đầy chỉ trích gửi tới Pelosi, Trump đã gọi cuộc điều tra luận tội là một cuộc “thập tự chinh” đi ngược lại với Hiến pháp và nói rằng chính phe Dân chủ trong Hạ viện đang lạm dụng quyền lực của họ. Trump cũng đã khẳng định rằng là những gì được đưa ra trong cuộc nói chuyện điện thoại với Zelensky đều là vì lợi ích chung của Hoa Kỳ hơn là của cá nhân ông, và nếu câu chuyện này có thể được khẳng định, các cáo buộc luận tội đối với Trump sẽ không có tác dụng nữa.
Đảng Dân chủ cho rằng hành vi của Trump đối với Ukraine đã khiến cho việc luận tội trở nên cần thiết. Hầu hết thành viên phe Dân Chủ đều đồng ý với cả hai điều khoản luận tội; là Trump đã lạm dụng quyền lực của mình vì lợi ích cá nhân, làm suy yếu an ninh quốc gia qua việc này, và đã cản trở Quốc hội vì không hợp tác với cuộc điều tra luận tội.
Đảng Cộng hòa cho rằng cuộc luận tội này là một nỗ lực phi hiến pháp không chính đáng để chống lại Trump và đảng Cộng hòa, là một cái cớ để có thể luận tội được đưa ra bởi phe Dân Chủ sau khi cuộc điều tra Mueller đã không thể đưa ra được cáo buộc nào chống lại Trump.
Với tình hình hiện tại, gần như có thể nói chắc chắn là không có khả năng Trump sẽ bị phế truất. Ảnh: Politico |
Báo chí đã có các lập luận mà chủ yếu nghiêng hẳn về phía thiên tả đối với cuộc luận tội, ủng hộ việc luận tội và có tin rằng Trump đã lạm dụng quyền lực của mình trong hồ sơ Ukraine.
Đối với công chúng Mỹ, cách đây một vài tháng, nhiều người đã hoài nghi với việc phế truất ông Trump, tuy nhiên, với vụ Ukraine gây nhiều tranh cãi, gần đây thì cách nhìn đã dần chuyển sang 50-50, một nửa ủng hộ và nửa còn lại không ủng hộ. Ngoài ra, hầu hết người Mỹ; bao gồm cả những người ủng hộ đảng Cộng Hòa; đồng ý rằng các trợ lý của Trump đều nên làm chứng trong phiên tòa Thượng viện.
Cuộc luận tội đang ở đâu?
Vào ngày 18 tháng 12, Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát đã bỏ phiếu luận tội Trump sau khi đã có những cuộc tranh cãi có tính đảng phái gay gắt kéo dài tới nửa đêm trong các phiên họp. Hai cuộc bỏ phiếu đã được tiến hành cho mỗi điều khoản luận tội, với sự chia rẽ đảng phải rõ ràng - hầu hết các nghị sĩ đảng Dân chủ đã bỏ phiếu “có” và tất cả các nghị sĩ Cộng hòa đã bỏ phiếu “không.”
Ba ngoại lệ trong các đảng Dân Chủ là Collin Peterson (Minesota) và Jeff van Drew (New Jersey), cả hai đều đang đại diện cho các vùng ủng hộ Trump, và Tulsi Gabbard (Hawai), người cho rằng bản chất đảng phái của cuộc luận tội này sẽ làm tổn hại đến phe Dân chủ.
Sau nhiều tuần trì hoãn, ngày 16/1/2020, bà Pelosi đã bổ nhiệm bảy Hạ nghị sĩ đảng Dân Chủ để làm “impeachment managers” - các công tố viên trong phiên xét xử Trump tại Thượng viện. Trong bảy Hạ nghị sĩ này thì có Chủ tịch uỷ ban tình báo Adam Schiff và Chủ tịch Uỷ ban tư pháp Jerrold Nadler, và vào chiều hôm đó họ đã chuyển giao bản luận tội với 1416 từ sang Thượng viện để phiên toà bắt đầu dưới sự chủ toạ của Chánh án Toà án Tối cao John Roberts.
Phiên xét xử tại Thượng viện
Các quy tắc được Thượng viện phê chuẩn trong những năm 1980 và phiên tòa luận tội của Tổng thống Clinton sẽ là tiền lệ cho phiên tòa sắp tới của Trump, tuy nhiên, các luật lệ sẽ có thể được các thượng nghị sĩ bổ sung và quyết định.
Ví dụ, trong phiên tòa của Clinton thì đã không cho phép đưa thêm các bằng chứng và lời khai mới, điều này cũng có nghĩa là các quy tắc gọi nhân chứng và thừa nhận bằng chứng vẫn sẽ được quyết định bởi các thượng nghị sĩ.
Điều này đòi hỏi các thượng nghị sĩ tranh luận và đồng ý về các quy tắc cụ thể của phiên tòa, và các thượng nghị sĩ đã bắt đầu ngay sau khi các điều khoản luận tội được chính thức chuyển đến Thượng viện theo một nghi thức truyền thống. Từ đây, phiên toà đã bắt đầu vào hôm 16 tháng 1, các thượng nghị sĩ đã phải tuyên thệ, cũng như đồng ý làm việc trong sáu ngày mỗi tuần cho đến khi cả hai điều khoản luận tội có thể được bỏ phiếu.
Việc các nhân chứng có được phép có mặt trong phiên tòa hay không sẽ tùy thuộc vào cuộc thảo luận và quyết định của các thượng nghị sĩ bằng cách bỏ phiếu. Nếu thêm nhân chứng được phép có mặt thì các thượng nghị sĩ sẽ được phép đặt câu hỏi dưới sự chủ toạ của Chánh án John Roberts, người cũng sẽ có quyền lực để nói không với bất kì gì mình tin là sẽ không tuân thủ các quy tắc của phiên tòa. Tổng thống sẽ được phép có luật sư riêng của mình tại các phiên xử và có quyền đặt câu hỏi với các nhân chứng.
Nếu Thượng viện đồng ý kết án Trump chỉ một tội danh thôi hoặc cả hai thì ông sẽ bị phế truất. Một cuộc bỏ phiếu khác có thể được tiến hành sau đó để quyết định liệu ông Trump có được phép tranh cử nữa không.
Để phế truất Tổng thống, cần có sự đồng ý của hai phần ba Thượng viện hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát. |
Tại sao Chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi trì hoãn việc chuyển giao bản luận tội?
Sau khi đã trì hoãn lại trong hơn ba tuần, bà Pelosi đã bổ nhiệm các Hạ nghị sĩ làm “managers” và gửi các điều khoản luận tội sang Thượng viện. Sự chậm trễ này cũng đã gây ra nhiều câu hỏi khác nhau, và là thời gian được đánh dấu bằng những lời kêu gọi và các phản ứng dữ dội từ Đảng Cộng hòa và cả từ các thượng nghị sĩ Dân chủ để hoàn thành quá trình luận tội.
Trước khi thông báo sẽ chuyển bản luận tội đến Thượng viện, bà Pelosi đã tuyên bố vẫn cần thêm thông tin từ Thượng viện để đàm bảo một phiên tòa công bằng trước khi bà có thể bổ nhiệm các “managers” luận tội để chuyển bản luận tội đến Thượng viện. Điều này có thể là hợp lý khi một số nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng đã e ngại của về việc lãnh đạo thượng viện McConnell đã cùng với Nhà Trắng đưa ra các quy tắc của phiên xử.
Quan trọng hơn, Pelosi cũng đã dùng sự trì hoãn này để áp lực đòi các trợ lý hàng đầu của Trump vào làm chứng cho phiên xử; bao gồm John Bolton và Mick Mulvaney; do tin rằng những nhân chứng này có thể cung cấp thêm thông tin quan trọng về vụ việc Ukraine.
Với việc đảng Cộng hoà kiểm soát Thượng viện, lãnh đạo Thượng viện Mitch McConnell đã tuyên bố rằng ông đã có đủ hỗ trợ để bắt đầu phiên tòa và không đáp ứng với những gì Pelosi đòi hỏi. McConnell cũng đã gọi hành vi Pelosi trì hoãn việc luận tội là “vô cùng liều lĩnh” và đã khiến các thượng nghị sĩ của cả hai đảng phái phối hợp cùng nhau và muốn đẩy nhanh để phiên xử kết thúc sớm. McConnell đã từ chối yêu cầu của phái Dân chủ để có các nhân chứng mới trong phiên xử, nói rằng Thượng viện sẽ không “làm bài tập về nhà” cho họ, hoặc đi “câu cá tìm thêm bằng chứng” sau luận tội dưới Hạ viện.
Liệu Trump sẽ bị phế truất hay không?
Với tình hình hiện tại, gần như có thể nói chắc chắn là không có khả năng Trump sẽ bị phế truất. Như đã nói, để phế truất Tổng thống, cần có sự đồng ý của hai phần ba Thượng viện hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Và với một sự đoàn kết mạnh mẽ được thể hiện bởi những Hạ nghị sĩ Cộng Hoà qua kết quả cuộc bỏ phiếu phản đối luận tội tại Hạ Viện, chúng ta có thể dự đoán trước là các Thượng nghị sĩ Cộng hoà sẽ đi theo con đường tương tự.
Để phế truất Tổng thống, cần có ít nhất 20 trong số 53 Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa sẽ cần bỏ phiếu cùng với toàn bộ phe Dân chủ để có thể kết tội Tổng thống, trong khi đã có 38 thượng nghị sĩ Cộng hoà đã công khai cho rằng không có ý định để góp phần loại bỏ Trump thì điều này rất khó xảy ra.
Việc đưa John Bolton ra điều trần có thể đang là cơ hội tốt nhất của đảng Dân chủ để lật ngược tình thế hiện tại, do sự can dự và hiểu biết trực tiếp của ông về quan hệ giữa Trump với Ukraine, cũng như các thông tin khác liên quan đến cuộc điều tra với tư cách là cựu Cố vấn An ninh Quốc gia. Tuy nhiên, cho dù nếu Bolton được phép làm chứng tại phiên xử của Thượng viện thì vẫn không ai biết rõ Bolton sẽ nói những gì, vì vậy, chúng ta chỉ có thể mong chờ mà thôi.
Ai được gì từ luận tội
Trước cuộc bỏ phiếu luận tội vào tháng 12, các Hạ nghị sĩ phải Cộng hoà đã cảnh báo Đảng Dân chủ là những nỗ lực của họ để cách chức Trump là một sai lầm chính trị lớn mà có thể khiến họ phải trả giá bằng kết quả cuộc bầu cử năm 2020. Liệu điều này có hợp lý không?
Đảng Cộng hòa hiện đang ngày càng gắn kết khi toàn bộ Đảng đã trở nên đoàn kết quanh việc chống lại luận tội Trump, một thứ mà ta có thể thấy rõ ràng trong cuộc bỏ phiếu luận tội của Hạ viện. Theo cách này, trên thực tế thì luận tội có thể ảnh hưởng thuận lợi đến sự ủng hộ của đảng Cộng hòa và giúp đảng này có thể củng cố vị thế vững chắc hơn trước cuộc bầu cử năm 2020 (bầu cử Tổng thống và Hạ viện, Thượng viện).
Đảng Cộng hòa có thể đã làm cho nhiều người Mỹ nhận thấy là do Đảng Dân Chủ chỉ mong muốn tiếp tục để luận tội mang tính đảng phái, chính phủ đã gặp khó khăn trong nhiều hoạt động thường ngày trong những tháng qua và khiến cho nhiều vấn đề trong nước khác không được đề cập đến. Đảng Cộng hoà sẽ có thể đưa ra cáo buộc đảng Dân Chủ không có khả năng điều hành Mỹ một cách hiệu quả để giành sự ủng hộ của cử tri Mỹ.
Trong chiến dịch tái tranh cử của mình, nhóm tranh cử của ông Trump đã phát hành hàng ngàn quảng cáo trên các mạng xã hội và trên TV để chỉ trích đảng Dân Chủ về quá trình luận tội tốn kinh phí và thời gian của chính phủ, và chúng ta có thể thấy là nó đã thành công khi việc gây quỹ cho chiến dịch tranh cử của Trump đã tăng đột biến trong một vài tuần qua, báo hiệu sự ủng hộ đang tăng lên cho Trump. Trong khi đó, những người đã bỏ phiếu bầu và đang ủng hộ Trump dường như đã không bị ảnh hưởng lắm bởi quá trình luận tội cho cách mình nhìn nhận Trump, khi Trump và hầu hết các Nghị sĩ Cộng hòa vẫn đang tiếp tục thuyết phục khá hiệu quả các cử tri của họ rằng Trump đã không có sai phạm nào, một kết quả được thể hiện trong các cuộc thăm dò dư luận.
Với tình thế hiện nay, trừ khi có thông tin quan trọng được đưa ra chống lại Trump trong những tuần tới tại phiên xử thì đảng Dân chủ sẽ không những thất bại trong việc phế truất Trump mà cũng sẽ chịu nhiều mất mát và khó có thể đạt được kết quả mong muốn trong cuộc bầu cử Hạ Viện và Thượng viện năm 2020.
Cuộc luận tội sẽ không loại bỏ Trump khỏi quyền lực, cho dù Trump có xứng đáng bị loại bỏ hay không. Qua những tháng vừa qua, chúng ta thấy nước Mỹ đã trở nên chia rẽ hơn bao giờ hết. Một nỗ lực phối hợp giữa hai Đảng như những gì chúng ta đã thấy trong cuộc luận tội của Clinton là một thứ mà sẽ không thể đạt được trong thời đại của chúng ta, và chúng ta có thể mong đợi là các cuộc tranh cử sắp tới sẽ còn chia rẽ nước Mỹ hơn nữa.
Trump có thể đã thực hiện một cuộc gọi điện thoại không có ý đồ xấu gì, hoặc ông có thể đã kêu gọi sự can thiệp nước ngoài để suy yếu nền dân chủ của Mỹ, nhưng như hiện giờ thì Trump vẫn sẽ giữ chức vụ Tổng thống của mình.
Cho dù Trump có bị cách chức hay không, chúng ta có thể gần như chắc chắn là di sản Tổng thống của Trump đã bị vấy bẩn mãi mãi – các thành tích, các thất bại của Trump trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình sẽ không là gì trong tương lai, khi ông sẽ được biết đến như là một Tổng thống đã bị luận tội.
Phạm Vũ Thiều Quang
Sinh viên Khoa học chính trị và Quan hệ quốc tế
Đại học Leiden, Hà Lan