Người thứ nhất xin việc từ 7/2014-4/2016 với số tiền gửi nhiều lần 160 triệu (chuyển khoản và nhận tiền mặt), bạn em nói có quen người trong công ty nên người nhà bảo xin việc giúp và để tạo lòng tin bạn em có làm giả quyết định nhận việc. Năm 2017 bị người nhà họ kiện lên công an hoà giải và cam kết trả tiền. Đến nay cũng chưa trả tiền.
Người thứ hai xin việc từ năm 2/2014-5/2018 số tiền gửi nhiều lần 340 triệu (chuyển khoản 300tr tiền mặt 40tr). Bạn em nói cũng có người quen nên họ bảo xin giúp. Đầu năm 2019 họ kiện, công an mời bạn em lên làm việc một lần còn lại họ mời không lên nữa nên phát lệnh truy nã và bị họ bắt rồi. Hiện tại bạn em đang bị tạm giam để điều tra rồi gửi qua VKS.
Người thứ ba lo mua chứng chỉ, mua hồ sơ thầu, giám sát... liên quan đến xây dựng số tiền 350 triệu (chuyển khoản) từ 3/2018-5/2019. Bạn e nói có quen người bên xây dựng nên lo được. Khi bạn em bị bắt nên họ làm đơn tố cáo luôn.
Hiện tại vợ bạn em đang mang bầu gần đẻ và không đi làm, hai vợ chồng không có tài sản chung. Vợ bạn em chỉ biết lo việc cho người thứ nhất (người này bà con), người thứ hai vợ bạn em hỏi chồng và người xin việc bảo đi làm rồi nên vợ bạn em nghĩ đi làm rồi nhưng khi chồng bị bắt thì mới biết chưa đi làm (bây giờ vợ bạn em hỏi lại người xin việc nói lúc đó có người bảo anh ta nói với vợ bạn em đã đi làm rồi). Người thứ ba thì khi công an bắt chồng mới biết lo việc thêm một người nữa.
Khi bạn em đi tù mà vợ không có tiền trả thì sẽ xử lý như thế nào?
Bây giờ vợ bạn em không biết chồng lấy tiền tiêu xài hay lo việc. Nếu lấy tiền tiêu xài mà không có khả năng trả lại thì bạn em ở tù bao nhiêu năm ? Nếu có lo việc thì ở tù bao nhiêu năm?
Theo thông tin bạn cung cấp, ông A thực tế đã không đi làm từ năm 2014 và không có khả năng giúp cho người khác xin được việc cũng như mua chứng chỉ, hồ sơ thầu xây dựng, tuy nhiên vẫn cố tình đưa ra thông tin gian dối (được xem là thủ đoạn gian dối) để cố ý nhận tiền của 3 người trên với tổng số tiền nhận về là 850 triệu.
Ảnh minh họa |
Xét thấy hành vi trên có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định pháp luật. Quy định pháp luật về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
Có tổ chức;
Có tính chất chuyên nghiệp;
Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
Tái phạm nguy hiểm;
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Theo đó, ông A có khả năng phải chịu các hình phạt như sau:
Khung hình phạt có thể được áp dụng là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Và có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng đối với hành vi Phạm tội 02 lần theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 52 Bộ Luật Hình Sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).
“Điều 52. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
...
Phạm tội 02 lần trở lên;
….”
Ngoài ra, ông A còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Buộc trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu. (Khoản 1 Điều 48 Bộ Luật Hình Sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).
“Điều 48. Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi
Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.…”
Về vấn đề ông A có dùng tiền để lo chạy việc cho những người trên hay không thì theo quy định Bộ luật Hình sự thì mục đích sử dụng khoản tiền lừa đảo trên không phải là một yếu tố cấu thành cũng như định hình tội danh và hình phạt của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, tòa án sẽ không căn cứ vào mục đích sử dụng của các khoản tiền trên để định hình tội danh và hình phạt.
Về việc nếu ông A đi tù nhưng ông A và vợ không có khả năng trả lại tài sản cho 03 người mà ông A đã nhận tiền, được quy định Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014 như sau:
- Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. (Khoản 1 Điều 45 Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014). Hết thời hạn quy định trên, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế. (Khoản 1 Điều 46 Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014)
- Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. (Khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014)
- Trong trường hợp ông A/vợ ông A vẫn không có khả năng chi trả thì theo Điều 44 Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014 “Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án; Sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.”
Do đó, nếu hiện tại ông A và vợ không có tài sản gì để thi hành trả lại tiền cho người bị hại thì nghĩa vụ bồi thường sẽ tạm ngừng và sẽ tiếp tục đến khi nào có tài sản để thi hành.
Tư vấn bởi luật sư Phạm Thị Thoa thuộc cộng đồng luật sư IURA
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc
BHXH: Chưa đóng đủ năm, có thể đóng tiếp để hưởng lương hưu được không?
Chị gái tôi sắp đến tuổi nghỉ hưu, nhưng vì lý do hoàn cảnh kinh tế gia đình, chị tôi làm công việc khác nên đã chốt sổ bảo hiểm từ 10 năm trước.