Mới đây, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao (PC50), công an Hà Nội vừa triệt phá một đường dây lừa đảo với thủ đoạn lập website giả mạo để lừa đảo người dùng các mạng xã hội và dịch vụ OTT như Facebook, Zalo, Viber… do 11 đối tượng thường trú tại thị trấn Hiệp Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thực hiện.
Trong quá trình điều tra, danh tính của những kẻ lừa đảo đã được xác định. Đó là Huỳnh Tấn Khoa, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn Văn Thiện, Phan Đức Vương, Lương Công Hưng, Trần Văn Sơn, Hồ Phước Trung, Nguyễn Bình, Văn Phú Trung và Văn Công Quang. Tất cả các đối tượng này đều trú tại thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Trong đó, Huỳnh Tuấn Khoa đóng vai trò tổ chức, tiêu thụ số mã thẻ do lừa đảo mà có được. Sau khi nhận được tiền, Khoa hưởng 5-6% tổng giá trị thẻ chiếm đoạt được (tương đương 550 triệu đồng). Số tiền còn lại Khoa chia cho các đối tượng tham gia hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dùng thông qua website thông báo trúng thưởng.
Cụ thể, lúc đầu, các đối tượng tìm cách thuê tên miền, code, hosting (máy chủ ảo vận hành website) từ nhiều nguồn khác nhau. Hai cá nhân sở hữu nick yahoo “anhdan37” và “masonsell”, website www.congnghesoviet.com là những nguồn cung chủ yếu các dịch vụ này. Những kẻ lừa đảo đã gửi thông tin email, hình ảnh, nội dung cho những nguồn trên để thiết kế, vận hành website. Thù lao được thanh toán qua mã thẻ cào điện thoại với giá từ 150.000 đến 500.000 đồng cho một trang web.
Tiếp theo, các đối tượng đã sử dụng tài khoản Facebook để gửi tin nhắn trúng thưởng nhằm thu hút người dùng truy cập vào các website giả mạo. Những tài khoản Facebook này do chúng tự lập hoặc chiếm quyền truy cập của người khác. Nội dung tin nhắn chủ yếu thông báo khách hàng đã trúng giải thưởng của một chương trình bốc thăm may mắn. Cơ cấu giải thưởng thường có giá trị rất lớn như xe máy Liberty, SH, phiếu nhận tiền mặt có giá trị 200 triệu đồng, 1 phiếu đổ xăng miễn phí một năm có giá trị tương đương 5 triệu đồng. Người dùng bị yêu cầu nhập thông tin cá nhân như chứng minh thư nhân dân, năm sinh, địa chỉ, tài khoản mật khẩu Facebook… Sau đó, các đối tượng buộc nạn nhân gửi 3 mã thẻ điện thoại có mệnh giá 500.000 đồng với lý do làm 3 “bộ hồ sơ gốc” để nhận giải. Sau khi làm theo và liên hệ lại, người dùng tiếp tục nhận được yêu cầu gửi thêm từ 3 triệu đồng đến 30 triệu triệu đồng với lý do đóng thuế VAT, làm phí vận chuyển, nhận mã OTP để hoàn tất thủ tục nhận thưởng. Sau khi thực hiện xong giao dịch, các đối tượng liền bẻ sim, hủy điện thoại nhằm tránh sự truy lùng của cơ quan công an.
Để rút lại lượng tiền mặt từ số thẻ cào đã chiếm đoạt được, các đối tượng đã liên hệ với Huỳnh Tấn Khoa. Khoa đã hướng dẫn các đối tượng đăng ký tài khoản và nạp mã thẻ vào các tài khoản trên hệ thống thanh toán trung gian Bảo Kim hoặc Vippay. Sau đó, tiền mặt quy đổi được sẽ được chuyển lại vào tài khoản cá nhân của Khoa. Do chiết khấu hệ thống từ 18-21% giá mã thẻ nạp nên số tiền thực tế nhận lại chỉ còn 79-82% giá trị thẻ nạp đã chiếm đoạt ban đầu. Khoa được hưởng chênh lệch 5-6% số tiên quy đổi được sau khi chia cho những kẻ lừa đảo. Tiếp theo, Khoa bán lại toàn bộ mã số thẻ cho những cá nhân có nhu cầu thu mua trên mạng internet, đồng thời nhận lại tiền mặt vào 2 tài khoản tại ngân hàng Đông Á.
Để che mắt các cơ quan điều tra, Khoa đã mở nhiều tài khoản khác nhau trên hai hệ thống Bảo Kim và Vippay. Từ tháng 9/2014, Khoa đã lập 5 tài khoản trên hệ thống Bảo Kim để bán số mã thẻ cần tiêu thụ với tổng giá trị giao dịch là hơn 4,6 tỷ đồng. Từ 20/5 đến 31/7/2015, Khoa mở 3 tài khoản trên hệ thống Vippay để rút ra gần 2,3 tỷ đồng tiền mặt. Từ tháng 8/2015 đến nay, Khoa tiếp tục lập một tài khoản nữa và rút ra 640 triệu đồng. Tổng mệnh giá thẻ nạp ban đầu mà Khoa giao dịch trên Vippay là hơn 3,6 tỷ đồng.
Dưới đây là danh sách 117 website giả mạo mà các đối tượng này đã lập ra từ đầu năm 2014 đến nay:
Theo ICTnews