Khoản nợ 627 tỷ đồng

Tập đoàn Đại Dương (OceanGroup) đã có tờ trình xem xét bãi nhiệm ông Hà Trọng Nam, Phó Chủ tịch HĐQT OceanGroup (anh trai ông Hà Văn Thắm) vì chây ì khoản nợ 627 tỷ đồng với công ty con của Tập đoàn gần 10 năm.

Trong thời gian là thành viên HĐQT, ông Nam cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT của Công ty Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương. Tuy nhiên ông Nam đã không hoàn trả các khoản công nợ cho Công ty và phía Công ty đã trích lập 100% dự phòng khoản công nợ.

{keywords}
Đại gia Hà Văn Thắm vào tù 

Các khoản nợ của ông Nam với OCH bắt đầu phát sinh và được phản ánh trong nhiều kỳ báo cáo tài chính từ năm 2010 đến nay. Tại nhiều kỳ hợp đại hội cổ đông Tập đoàn đã có ý kiến về khoản nợ này và tính pháp lý trong việc trích lập dự phòng cũng như đề nghị HĐQT của OceanGroup cần thực hiện xem xét lại.

Song đến thời điểm hiện tại, khoản công nợ trên của ông Nam vẫn chưa được hoàn trả. Hành vi này của ông Nam không chỉ gây thiệt hại trực tiếp đến OCH mà còn gây thiệt hại cho Tập đoàn Ocean.

“Hành vi này của ông Hà Trọng Nam không chỉ gây thiệt hại trực tiếp đến Công ty Cổ phần khách sạn và dịch vụ Đại Dương mà còn gây thiệt hại cho Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương” - tờ trình cho hay.

Eximbank lại chuyện ghế nóng

Ngân hàng Eximbank vừa công bố Nghị quyết HĐQT số 231, với nội dung hủy bỏ Nghị quyết số 112 ban hành ngày 22/3 vừa qua, là văn bản bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT đương nhiệm ông Lê Minh Quốc.

Văn bản này đồng nghĩa với ông Lê Minh Quốc chính thức “tại vị” sau nhiều lùm xùm bãi nhiệm, bổ nhiệm bất thường tại các phiên họp HĐQT của Eximbank gần đây.

Trước đó, ngày 22/3, HĐQT ban hành Nghị quyết 112 bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT với ông Quốc. Ngay sau đó chức danh này nhanh chóng được chuyển sang cho bà Lương Thị Cẩm Tú.

Cho rằng quyết định của HĐQT là trái luật, ông Lê Minh Quốc đã có đơn gửi Tòa án TP.HCM yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi tiến hành khởi kiện vụ án dân sự tranh chấp thành viên công ty với các thành viên HĐQT khác. Tòa án sau đó đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc Ngân hàng Eximbank phải tạm dừng việc thực hiện Nghị quyết bãi nhiệm bất thường.

Một nguồn tin cho biết HĐQT Eximbank 3 lần tổ chức họp bất thường, với mục đích chính là tìm cách bãi nhiệm ông Lê Minh Quốc. Lần gần đây nhất là ngày 6/5, phiên họp HĐQT được tổ chức nhưng chỉ có 6 thành viên, không đủ để tiến hành cuộc họp.

Ông Đỗ Xuân Diện giữ vị trí Phó Chủ tịch HAGL Agrico

HĐQT CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HNG) vừa thông qua nghị quyết về việc bầu ông Đỗ Xuân Diện làm Phó Chủ tịch HĐQT phụ trách mảng chiến lược Công ty, bắt đầu từ ngày 14/5/2019.

Trước đó HĐQT HAGL Agrico đã trình thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay liên quan đến việc ông Diện sẽ ứng cử vị trí Thành viên HĐQT Công ty, thay thế cho ông Nguyễn Hùng Minh - Phó Chủ tịch THACO - có đơn xin từ nhiệm để tập trung công tác chuyên môn.

Ông Diện sinh năm 1964, thường trú tại tỉnh Quảng Nam, hiện là Thành viên HĐQT Ô tô Trường Hải (THACO). Trong thời gian 2009-2018, ông làm Trưởng ban quản lý khu kinh tế mở Chu Lai. Ông có trình độ Cử nhân Quản trị kinh doanh. Hiện, ông Diện cũng là Chủ tịch HĐQT THADI, đơn vị sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp của THACO, chuyên nghiên cứu phát triển, nông trường mẫu, sản xuất vật tư nông nghiệp, nhà máy chế biến trái cây; phân phối và xuất khẩu trái cây ra thị trường nước ngoài.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Sẽ tiếp tục hành trình cứu ông Vũ

Chia sẻ với Báo Gia đình và Xã hội về những mong muốn của mình trong thời gian tới đối với gia đình và thương hiệu cà phê Trung Nguyên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết: “Trung Nguyên như “đứa con” mình sinh ra trước 4 đứa con ruột của mình. Anh ấy (ông Đặng Lê Nguyên Vũ - PV) là cha, mình là mẹ.

Giờ anh ấy đã thay đổi thì mình phải làm để tiếp tục giữ lại thương hiệu Trung Nguyên. Mong muốn của mình là Trung Nguyên tiếp tục trở thành thương hiệu cà phê hàng đầu thế giới.

{keywords}

Mình sẽ liên tục nỗ lực để phát triển, làm tốt vai trò thúc đẩy. Trong biến cố về sức khoẻ của chồng, và sự thao tóm của một nhóm người, mình lại là động lực chính nên cần phải kiên định để bảo vệ thành quả. Nếu mình không nỗ lực, cố gắng thì chuyện sẽ không thành”.

Đại gia buôn lậu điện thoại

Trước Nhật Cường Mobile, một vụ khám chuỗi cửa hàng điện thoại di động Đông Nam tại TP.HCM 16 năm trước cũng từng gây xôn xao dư luận.

Ngày 5/1/2003, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Nguyễn Gia Thiều cùng kế toán trưởng Nguyễn Thanh Tùng về tội trốn thuế. Quyết định được đưa ra sau khi nghiên cứu các tài liệu thu giữ trong cuộc khám xét các cơ sở của Công ty Đông Nam.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, từ năm 1999 đến năm 2002, Nguyễn Gia Thiều đã nhập lậu trên 39.000 chiếc điện thoại di động bằng nhiều hình thức như gửi bưu điện, gửi phi công, tiếp viên... có tổng trị giá gần 149 tỷ đồng.

Hơn nữa, Nguyễn Gia Thiều đã ký hợp đồng với Đông Nam Hong Kong (do Bùi Thiên Kim - chị dâu của Thiều, làm Giám đốc) để buôn lậu gần 16,7 nghìn điện thoại di động, tổng giá trị hàng nhập lậu được xác định là hơn 48 tỷ đồng, gây thất thu của Nhà nước trên 96,4 tỷ đồng tiền thuế.

Vì việc kê khai giá điện thoại di động nhập khẩu thấp hơn giá mua thực tế nên Công ty Đông Nam không thể thanh toán số tiền chênh lệch thực tế phải trả qua ngân hàng và phải thanh toán tiền mua điện thoại di động nhập lậu hàng qua đường phi mậu dịch. Vì thế, Công ty Đông Nam phải chuyển tiền trái phép cho Công ty Đông Nam Hong Kong. Tổng cộng, Nguyễn Gia Thiều đã chuyển trái phép số tiền 21,1 triệu USD ra nước ngoài.

Tề Trí Dũng và những phi vụ 'ném tiền qua cửa sổ'

Ngày 14/5, cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP.HCM) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Tề Trí Dũng, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC). Ông Dũng bị khởi tố về 2 tội danh: Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Năm 2015, ông Tề Trí Dũng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (viết tắt là IPC, trực thuộc UBND TP) khi mới 34 tuổi. Trong các năm tiếp theo, dưới sự lèo lái của ông Dũng, Công ty IPC đã khiến cho tài sản Nhà nước bị thất thoát sau những phi vụ chuyển nhượng khó hiểu.

{keywords}

Thanh tra TP.HCM xác định vào tháng 9/2016, Công ty Exim chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim là 57.000 đồng/cổ phiếu nhưng đến tháng 6/2017, Công ty Sadeco chuyển nhượng cho Công ty Nguyễn Kim với giá chỉ có 40.000 đồng/cổ phiếu.

Cơ quan thanh tra tính toán trong thương vụ chuyển nhượng 9 triệu cổ phiếu này, chỉ riêng phần chênh lệch 17.000 đồng/cổ phiếu thì thiệt hại ít nhất đã là 153 tỷ đồng. Còn nếu tính luôn cả biến động giá đất tăng vào đầu năm 2017 ở khu nam khi thành phố sốt đất thì số tiền thiệt hại còn nhiều hơn nữa.

Bảo Anh (Tổng hợp)