Lúa mì là một trong những loại hạt được Việt Nam chi hàng tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu về phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất. Trong 8 tháng năm nay, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nước ta đã chi ra hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu khoảng 3,64 triệu tấn lúa mì từ nhiều quốc gia trên thế giới.
So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu loại hạt này tăng mạnh 18,3% về lượng nhưng giảm 6,7% về giá trị. Nguyên nhân là bởi giá bình quân nhập khẩu lúa mì trong 8 tháng qua giảm mạnh 21,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Về thị trường nhập khẩu, tính đến hết tháng 7/2024, Brazil, Úc, Ukraine, Mỹ và Canada là các nguồn cung lúa mì lớn nhất cho Việt Nam. Trong đó, nước ta đã nhập khẩu 1,17 triệu tấn lúa mì từ Brazil, giá trị đạt hơn 293 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023, lượng lúa mì nhập về tăng mạnh 348,9%, giá trị tăng gần 205,9%.
Nước ta cũng chi 227,5 triệu USD để nhập khẩu 737.100 tấn lúa mì từ Úc. Tuy nhiên, lúa mì nhập khẩu từ thị trường này lại giảm mạnh 65,3% về lượng và giảm 69,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, lượng lúa mì từ Ukraine đổ về thị trường Việt tăng đột biến. Chỉ trong 7 tháng năm 2024, nhập khẩu lúa mì từ quốc gia này đạt 612.800 tấn, giá trị lên đến 159,4 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng lúa mì nhập từ Ukraine tăng hơn 2.411%, giá trị cũng tăng gần 1.862%.
Theo đó, thị phần lúa mì Ukraine từ con số khiêm tốn 0,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu 7 tháng năm 2023 đã tăng lên 16,7% trong cùng kỳ năm nay. Ukraine cũng vượt Mỹ, Canada trở thành nguồn cung lớn thứ ba về lúa mì cho Việt Nam.
Chia sẻ với VietNamNet, lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi ở nước ta cho biết, lượng lúa mì nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp.
Theo vị lãnh đạo này, trong thức ăn chăn nuôi có nguyên liệu cung cấp tinh bột là cám gạo, ngô, khoai mì và lúa mì... Việt Nam không có thế mạnh trồng lúa mì nên nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi này phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.
Từ đầu năm đến nay, giá trung bình nhập khẩu lúa mì thấp hơn từ 10,8-28,5% so với các tháng cùng kỳ năm ngoái. Do đó, các doanh nghiệp ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi tranh thủ lúc giá thấp tăng lượng nhập khẩu, nhất là hàng từ Ukraine đang có giá rẻ hơn các nguồn cung khác.