Theo VNPT Hà Nội, trong thời gian vừa qua, một số khách hàng của VNPT Hà Nội tiếp tục nhận được các cuộc gọi giả mạo VNPT nhắc nợ khách hàng hiện đang nợ cước với số tiền lớn (thường 7 - 8 triệu đồng) yêu cầu thanh toán ngay nếu không sẽ tạm dừng liên lạc và khởi kiện ra tòa.
Mục đích của các cuộc điện thoại lừa này là dẫn dắt những nạn nhân nhẹ dạ, thu thập trái phép các không tin cá nhân của khách hàng (tên, tuổi, địa chỉ, số CMTND, hộ khẩu, tài khoản ngân hàng ...). Sau đó bọn lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng cách cung cấp số tài khoản không phải của VNPT Hà Nội để khách hàng thanh toán hoặc hướng dẫn khách hàng bấm số gọi lại và chuyển tiếp cuộc gọi vào các đầu số dịch vụ giá cước cao để hưởng cước phí gọi đi.
Để bảo vệ quyền lợi và tránh thiệt hại không đáng có cho khách hàng, VNPT Hà Nội đề nghị khách hàng khi nhận được các cuộc gọi giả mạo nêu trên cần thực hiện: Phải bình tĩnh, không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, không chuyển tiền thanh toán qua ngân hàng vào số tài khoản không phải của VNPT Hà Nội, không thực hiện bấm số gọi lại để tránh phát sinh cước.
Sau đó, liên hệ ngay với tổng đài chăm sóc khách hàng của VNPT Hà Nội 04.800126 hoặc 04.38700700 để được hướng dẫn chi tiết. Đồng thời VNPT Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn. Ngoài ra, khách hàng có thể trực tiếp trình báo các cơ quan công an để được hỗ trợ.
Như ICTnews đã có nhiều bài phản ánh, thời gian gần đây tại Hà Nội và một số tỉnh, thành xuất hiện những ổ nhóm người Việt Nam, câu kết với một số đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia gọi điện thoại lừa đảo để chiếm đoạt tiền của nhiều người dân. Chỉ từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6/2014, PC50 Công An Hà Nội đã xác định được 16 người bị các đối tượng gọi điện lừa đảo ở nhiều tỉnh thành khác nhau, trong đó có 9 người đã bị lừa chiếm đoạt với tổng số tiền lên tới gần 2 tỷ đồng (trong đó có 7 người ở Hà Nội và 2 người ở TP.HCM). Trong số những người bị lừa gạt kiểu này đáng chú ý nhất là một vụ 1 người dân ở Hà Nội bị lừa chiếm đoạt 720 triệu đồng.
Trong một chuyên án, PC50 xác định được Nguyễn Hùng Sơn (hộ khẩu tại Thái Nguyên) được một số đối tượng thuê mở tài khoản nói trên và ông này chỉ là người lái xe ôm, không biết gì về hành vi nói trên của bọn lừa đảo. Công an cũng đã xác định được có 4 đối tượng người Đài Loan đã trực tiếp rút tiền từ tài khoản nói trên, nhưng bọn chúng nhập cảnh bất hợp pháp vào Việt Nam cho nên Công an vẫn chưa bắt được các đối tượng này.
Trung tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng phòng PC50 cho biết, với cùng một thủ đoạn như trên bọn lừa đảo đã gọi điện lừa đảo ở nhiều tỉnh, thành. Có nhiều người cảnh giác không bị sập bẫy, nhưng có một số người cả tin đã mắc lừa bọn chúng với số tiền từ vài chục triệu cho đến hàng trăm triệu đồng như một số trường ở ngay trung tâm Hà Nội.
Từ tháng 9/2013 trở lại đây, bắt đầu ở Hải Phòng và sau đó đến Hà Nội, TP.HCM, Vũng Tàu, Trà Vinh, An Giang, Long An, Cần Thơ..., nhiều thuê bao điện thoại cố định và di động của VNPT bị kẻ xấu gọi đến quấy rối, lừa đảo, thậm chí uy hiếp nhằm trục lợi, chiếm đoạt từ người bị hại.
Qua xác minh cơ quan công an cũng nắm được đây là những ổ, nhóm có tổ chức từ 2-5 người, cầm đầu là các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, chúng nhập cảnh vào Việt Nam, mở tài khoản tại các ngân hàng ở Việt Nam, sau đó xuất cảnh khỏi Việt Nam rồi lại quay trở lại bằng đường tiểu ngạch (bất hợp pháp) để hoạt động phạm tội. Bọn chúng thuê những người Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn như người làm thuê, xe ôm mở tài khoản để nhận tiền chiếm đoạt rồi chuyển vào tài khoản của bọn chúng. Bọn chúng sử dụng công nghệ cao tạo lập các số điện thoại "ảo" giả mạo số điện thoại của công an các tỉnh, thành, rồi sử dụng số thuê bao trả trước (sim rác) để gọi điện lừa đảo nợ cước điện thoại, giả danh cơ quan công an để lừa đảo nhiều người.
Người bị hại ở phía Bắc thì chúng yêu cầu chuyển vào phía Nam và ngược lại, sau khi người bị hại chuyển tiền bọn chúng liền rút tiền ra hoặc chia nhỏ rồi chuyển vào nhiều tài khoản khác nhau của người nước ngoài mở tại các ngân hàng ở Việt Nam và nhiều nước khác để chiếm đoạt, nên rất khó cho công tác điều tra, truy bắt đối tượng. Trong số 9 vụ việc bị lừa đảo tới trình báo ở Công an Hà Nội vẫn chưa có vụ nào bắt được chủ mưu vì chúng đều là người nước ngoài.
Trung tá Hà Thị Hằng cảnh báo, người dân khi nhận được bất cứ cuộc điện thoại nào liên quan đến thông báo nợ cước điện thoại, nợ tiền ngân hàng hay giả danh cơ quan công an điều tra thì cần cảnh giác không làm theo hướng dẫn của bọn chúng mà thông báo ngay cho cơ quan công an.