Thanh toán bằng thẻ ngân hàng là hình thức thanh toán điện tử đầu tiên và đặc trưng nhất trong thị trường thanh toán điện tử. Người dùng có thể dễ dàng thanh toán bằng cách quẹt thẻ tại chỗ hoặc thanh toán online thông qua thẻ khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Thanh toán bằng ví điện tử là hình thức thanh toán khá tiện dụng và rất phổ biến trong giới trẻ. Ví điện tử không chỉ được sử dụng trong các trung tâm thương mại lớn, sàn giao dịch điện tử mà còn sử dụng được đối với bất kỳ nhà hàng, quán cafe, cửa hàng nào có ký hợp đồng liên kết với ví điện tử. Ví điện tử phổ biến đang được nhiều người dùng là: MoMo, Moca, ZaloPay, Viettel Pay, Payoo, ShopeePay, MobiFone Pay… Sự thuận tiện của ví điện tử trong thanh toán là lý do để nhiều ngân hàng “nhảy” vào mảng dịch vụ này.
Các ví điện tử đang hoạt động đều cung cấp đầy đủ tiện ích cơ bản như thanh toán điện thoại, điện, nước, internet, các khoản vay, phí bảo hiểm, dịch vụ công, học phí, mua vé tàu, máy bay… Ngoài việc xây dựng trò chơi, chương trình ưu đãi riêng, các ví còn liên kết với những sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Zalora… để gia tăng trải nghiệm, tiện ích cho khách hàng.
Thanh toán bằng điện thoại thông minh là hình thức thanh toán chuyển khoản từ tài khoản ngân hàng này qua tài khoản ngân hàng khác bằng điện thoại.
Đặc biệt, quét mã QR đã trở thành một phần tất yếu trong giao dịch hàng ngày của giới trẻ và dần hình thành thói quen của những người lớn tuổi hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, thanh toán bằng quét mã QR tăng tới 86% tại Việt Nam, dự đoán giai đoạn cuối năm sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa. Chỉ với một chiếc smartphone, vài thao tác đơn giản, người dùng đã có thể thực hiện các giao dịch có giá trị lớn, cách xa về mặt địa lý nhanh chóng thông qua hệ sinh thái của dịch vụ chuyển tiền nhanh Napas, hoàn toàn tự động 24/24.
Hình thức thanh toán này giúp người dân mua sắm thuận tiện, hạn chế được tình trạng mất cắp, rơi tiền,... Với phương thức chuyển khoản thanh toán mới bằng mã QR, người dùng không cần ghi nhớ số tài khoản và cú pháp chuyển tiền như phương thức chuyển khoản truyền thống. Các ứng dụng ngân hàng số của những ngân hàng lớn tại Việt Nam đều đáp ứng tính năng chuyển khoản thanh toán bằng mã QR.
Sự phổ biến của mã QR còn có nguyên nhân đến từ các doanh nghiệp F&B và các dịch vụ nói chung. Quét mã QR và tiền đổ thẳng vào tài khoản giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc hạch toán thông qua tính năng lịch sử giao dịch.
Thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, Việt Nam có 93,5 triệu thuê bao sử dụng smartphone, trong đó 73,5% là người trưởng thành. Tính đến tháng 9/2022, Việt Nam có hơn 81,8 triệu thuê bao Internet di động. Đây là cơ sở để thanh toán qua QR có tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Hiện nay, 85% người tiêu dùng Việt Nam sở hữu ít nhất một ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán, hơn 42% người tiêu dùng sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng thiết bị di động. Đặc biệt, 71% người dùng sử dụng ví điện tử hoặc các ứng dụng thanh toán ít nhất một lần/tuần. Hầu hết các ví điện tử đều liên kết với tất cả ngân hàng để mở rộng hệ sinh thái khách hàng và gia tăng trải nghiệm thanh toán cho người dùng. Theo AppotaPay, thị trường thanh toán không dùng tiền mặt trong 3-5 năm tới sẽ phát triển rất mạnh. Trong đó, Mobile Money cùng với ví điện tử sẽ là những dịch vụ mũi nhọn giúp thanh toán không dùng tiền mặt tiếp cận và chiếm lĩnh được tới thị phần rộng lớn còn lại trong bức tranh thanh toán trực tuyến ở Việt Nam.
Mục tiêu mà Chính phủ hướng đến chính là tạo ra sự chuyển dịch tích cực về phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế đang tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội trở thành thói quen của mọi người. Thực tế đã chứng minh việc thanh toán không dùng tiền mặt có thể đáp ứng nhu cầu thanh toán của nhiều tổ chức, cá nhân một cách hiệu quả và an toàn; minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế…