- Ở cách xa hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cây số, chỉ cần ngồi trước màn hình và  một động tác click chuột là toàn bộ thông tin về hành trình, vị trí, tốc độ của hàng nghìn chuyến xe khách, xe tải hiện lên. Vì thế, trung tâm dữ liệu thiết bị giám sát hành trình được ví như “bàn tay vô hình” để quản lý vận tải.  

"Đột kích" trung tâm dữ liệu

Ông Đỗ Công Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) dẫn chúng tôi xuống phòng khai thác dữ liệu thiết bị giám sát hành trình được đặt tại trụ sở Tổng cục.

Căn phòng rộng khoảng 30m2, có một màn hình rộng như trong rạp chiếu phim và khoảng 5 chiếc máy tính mà theo ông Thuỷ, chỉ cần mở máy, truy cập vào hệ thống là có thể biết được toàn bộ các phương tiện xe khách hoạt động trên các tuyến vận tải.

Hiện đã có gần 300 nghìn phương tiện được tích hợp dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, con số này dự kiến sẽ khoảng 1 triệu vào năm 2017.

{keywords}

Trung tâm dữ liệu thiết bị giám sát hành trình được ví như “bàn tay vô hình” để quản lý vận tải.

Trên màn hình lớn là tấm bản đồ số Việt Nam với các “nốt lấm chấm” nhiều màu. Ông Thuỷ chỉ tay nói: những nốt đỏ hoặc da cam là những xe đang vi phạm tốc độ tại thời điểm đó với những mức vi phạm trên hoặc dưới 35km/h, những nốt xanh là xe hoạt động bình thường, các màu khác biểu hiện các xe dừng hoặc các trạng thái khác”.

Nếu muốn biết chi tiết chiếc xe đó vi phạm lỗi gì chỉ cần click vào chấm đỏ sẽ hiển thị toàn bộ thông tin của xe, lộ trình và vi phạm lỗi gì.

Đối chiếu với chỉ dẫn với những nốt đỏ dày đặc trên màn hình đủ để thấy mật độ vi phạm của các xe khách khi tham gia giao thông trên đường. Khi được hỏi, việc tổng hợp và xử lý các trường hợp vi phạm như trên sẽ dựa trên cơ sở nào? Ông Thuỷ cho biết: “Đều căn cứ vào Thông tư số 10/2015 của Bộ GTVT quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô. Các Sở GTVT sẽ có bộ phận theo dõi để xử lý, thu hồi phù hiệu…”.

Vậy Tổng cục Đường bộ Việt Nam có tiến hành xử phạt hay không? Ông Thuỷ cho biết: “Việc xử phạt là do các Sở GTVT quản lý trực tiếp các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện. Chỉ những trường hợp gây tai nạn nghiêm trọng, có hành vi nguy hiểm được dư luận phản ánh thì Tổng cục sẽ tiến hành trích xuất dữ liệu và yêu cầu các Sở GTVT kiểm tra, xử lý”.

Để có được thông tin khá đầy đủ về các vi phạm của nhà xe trên các tuyến vận tải như trên là nhờ việc thực hiện chủ trương lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được xây dựng trên bản đồ số.

Từ khi thực hiện đến nay đã có khoảng 300 nghìn phương tiện kinh doanh vận tải lắp đặt. Trong số này, trên 70% phương tiện truyền dữ liệu liên tục về hệ thống. Phần còn lại chủ yếu là các phương tiện lắp đặt trước lộ trình bắt buộc và một số phương tiện dừng hoạt động, xe đi bảo dưỡng…

Vì thế có thể nói, gần như toàn bộ các phương tiện đang hoạt động kinh doanh vận tải thuộc diện bắt buộc theo Nghị định 86 của Chính phủ khi hoạt động trên đường đều được truyền dữ liệu về hệ thống.

Bản đồ số riêng cho ngành giao thông

{keywords}

Chỉ cần click vào chấm đỏ sẽ hiển thị toàn bộ thông tin của xe, lộ trình và vi phạm lỗi gì.

Theo một lãnh đạo của Tổng cục Đường bộ VN, trước đây do chưa xây dựng bản đồ số của Bộ GTVT nên các hành vi vi phạm về hành trình chạy xe đối với xe khách tuyến cố định không cập nhật được dữ liệu lên hệ thống. Cũng do chưa có bản đồ số nên không xác định được đầy đủ các vi phạm về tốc độ theo biển báo hoặc khu vực hạn chế tốc độ trên thực địa mà chỉ có thể căn cứ trên qui định về tốc độ tối đa cho phép.

Chẳng hạn chỉ có thể xác định tốc độ tối đa cho xe cơ giới trong khu dân cư là 60km/h nhưng trong khu vực ấy có những biển báo hạn chế tốc độ cụ thể, thấp hơn hoặc đoạn đường có dải phân cách giữa thì tốc độ sẽ có sự khác nhau. Vì thế nếu không có bản đồ số thì sẽ không thể xác định được chi tiết các cung đường khác nhau trong phạm vi đó.

Tại cuộc họp mới đây, ông Phạm Duy Ninh, Giám đốc Trung tâm CNTT (Bộ GTVT) cho biết, để triển khai các ứng dụng, giải pháp trên nền bản đồ số, Bộ GTVT đã giao cho Liên danh Hanel – Việt bản đồ xây dựng và triển khai đề án “Giải pháp giao thông thông minh trên nền bản đồ số”. Trong đó Liên danh trên vừa xây dựng ứng dụng và cập nhật dữ liệu cho bản đồ ngành GTVT. Hiện Liên danh này đang triển khai đề án.

Theo đại diện của Liên danh Hanel - Việt bản đồ đang được Bộ GTVT giao chủ trì xây dựng nền bản đồ số cho ngành GTVT, việc ứng dụng bản đồ số sẽ rất có ý nghĩa đối với nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đường bộ.

Chẳng hạn nó sẽ giúp quản lý gần 300 nghìn phương tiện hiện nay và tiến tới hơn 1 triệu phương tiện kinh doanh vận tải, giúp cảnh báo các phương tiện có tải trọng lớn tránh được các tuyến đường cấm, hướng dẫn phương tiện có được tuyến đường thông thoáng nhất, có thông tin để tránh các điểm ùn tắc hay như giúp việc phát hiện kịp thời các vi phạm về tốc độ của các phương tiện giao thông.

Ngoài lĩnh vực đường bộ, bản đồ số sẽ có những giá trị ưu việt ở các lĩnh vực giao thông vận tải khác, ví dụ như trong lĩnh vực hàng hải là việc quản lý khoảng gần 500 nghìn tàu cá và còn góp phần giữ gìn an ninh biển đảo.

Được biết, hiện Bộ GTVT đang tập trung các ứng dụng được xây dựng trên nền bản đồ số cho lĩnh vực đường bộ bởi đây là lĩnh vực đang rất cần những ứng dụng để quản lý như: TBGSHT, hệ thống biển báo, quản lý tốc độ, chỉ dẫn giao thông, kết nối vận tải đa phương thức…

Theo kế hoạch, đến tháng 11/2016, lần đầu tiên Bộ GTVT sẽ có bản đồ số chính thức cho riêng lĩnh vực đường bộ.

VP