1. Tháng 6/2016, một sự kiện bi thương đã xảy ra. Chiếc Casa số hiệu 8983 gặp nạn trên đường đi cứu trợ, khiến 9 phi công hi sinh. Người cuối cùng chưa tìm được thi thể là Đại uý Lê Đức Lam. Lúc hi sinh, anh nuôi con heo đất đã 6 tháng và được 1,6 triệu đồng, chờ ngày vợ sinh đứa con đầu lòng trong 3 tháng nữa.

Cùng với toàn xã hội, tình thương cảm trong lòng chúng tôi trào dâng. Không thể làm được gì lớn lao, tôi cùng vài người bạn hẹn nhau mỗi người lặng lẽ nuôi một con heo đất, theo khả năng của mình, đợi khi em bé ra đời sẽ trao cho mẹ em, để phụ thêm chút tiền nuôi em.

{keywords}
Nhà báo Thu Uyên và con trai anh Lam.

Âm thầm vậy, nhưng từ 1 bài đăng trên Facebook, 70 bạn đã tham gia, cùng âm thầm bỏ heo mỗi sáng. Trước ngày bé Duy ra đời vào tháng 9/2016, chúng tôi cùng đập heo, gom được 80 triệu đồng, rồi cử đại diện tới thăm mẹ con bé Lê Đức Duy.

Chúng tôi trao món tiền không lớn, nhưng kèm theo đó là 100 ngày liền mạch mà 70 con người cùng nhau hướng về bé với lòng yêu thương và sự chở che về tinh thần. Mỗi sáng, việc làm trước tiên của hai mẹ con tôi là trân trọng gửi vào con heo đất 15 - 20 ngàn đồng, kèm vào đó là biết bao thương yêu và cầu ước gửi tới hai mẹ con chị Thúy Nga - vợ anh Lam.

{keywords}
Con heo đất chứa đựng tình yêu dành cho vợ con người liệt sỹ.

Thời đại gấp gáp, sự kiện dồn dập, lòng trắc ẩn cũng như con sóng trào lên rồi rút đi, nhường chỗ cho vụ việc khác, cảm xúc khác. Khi ấy tôi đã ghi trên Facebook gửi cho nhóm bạn của mình: “Cảm ơn việc nuôi heo đất! Nhờ có việc này mà trí nhớ về những sự đau thương đã xảy ra không ngắn hạn”.

Mỗi chúng tôi đã nhận được rất nhiều từ sự thực hành thiện tâm ngày nối ngày này.

2. Có một thứ luôn hiện hữu trong bất kỳ một xã hội nào. Đó là sự chia ly. Nó thường tình đến nỗi dù ở ngay bên cạnh, ta cũng ít khi nhận ra. Nhưng nỗi đau chia phôi, nỗi khổ tha hương có thực sự đau đớn hay không? Có cần được cấp thiết xoa dịu hay không?

Đầu những năm 1980, từ Thái Bình, nhiều nơi cả làng cùng nhau đi kinh tế mới theo chủ trương, vào vùng rừng núi phía Nam. Trước Tết năm 1985, một thanh niên 16 tuổi theo hàng xóm lên tàu, đã bị lạc giữa đường, trên sân ga Đồng Hới, Quảng Bình.

Anh Đảm khi sinh ra đã chết đi sống lại 1 lần trên ngực mẹ, nên lớn lên ngờ nghệch và nhút nhát. Gia đình lam lũ, nhiều lần từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc vào Nam để tìm, cạn kiệt. Không bao lâu người cha qua đời. Người mẹ mong con đến năm đó là năm thứ 23 cũng cạn sức, giục người con trai còn lại tiếp tục đi tìm anh.

Đó là vào năm 2008 và hoạt động nhân đạo Như chưa hề có cuộc chia ly vừa ra đời.

{keywords}
Anh Đảm 

Chúng tôi tìm từ ga Đồng Hới, tới ga Huỳnh Hòa (Khánh Hòa), nơi từng có trạm đón tiếp đồng bào đi khai hoang và gặp được 1 người gác tàu. Ông cho một manh mối. Đi qua 2 xã, chúng tôi tìm được người đàn ông 40 tuổi khắc khổ, lặng im. Tên là Đảm. Anh nhớ quê nhà ở đâu đó Thái Bình. Anh chăn bò, làm đồng từ lúc đột ngột ly tán đến giờ.

Xác minh từng mốc thời gian với gia đình nhận nuôi, xác minh từng vết sẹo, từng trí nhớ vu vơ của anh Đảm xong, chúng tôi hỏi: "Anh có nhắn gửi tới người thân không?". Ngồi trên đường tàu hoang vắng, anh cúi đầu im lặng một lúc, rồi bắt đầu một cuộc độc thoại khiến chúng tôi lặng người.

- “Cha mẹ chừng nào xuống?
(lắng nghe)…
- Cũng không có biết luôn hả?
- Con cũng đang sống ở dưới thôn quê này. Mẹ vô rồi hả? Mẹ vô lâu chưa?
(Chau mày lắng nghe) 
- Mẹ vô lâu chưa mẹ?… Có nhà chưa?... Có rồi hả?
- Hiện giờ nhà còn mấy anh em? Còn 2 anh em hả? Còn ông già đang làm cái gì?
- Ông đi đâu rồi hả? Mẹ còn khỏe không?
(Lặng một lúc)… 
- Mẹ có nhớ con không?...”.

Dường như suốt ngần đó năm lưu lạc, anh vẫn thầm trò chuyện trong tâm trí với cha mẹ và các em như vậy đó.  Không có nỗi đau nào khắc khoải bằng nỗi đau ly tán giữa những người còn sống.

Vừa đây, chúng tôi gọi điện hỏi thăm. Mẹ con anh Đảm êm đềm sống bên nhau đã 7 năm kể từ đêm đoàn tụ trong Như chưa hề có cuộc chia ly. Điều kỳ diệu đã diễn ra. Anh tỉnh, chăm mẹ và nũng mẹ còn mẹ anh - đã yếu lắm từ lúc chưa tìm được con, nay mạnh khỏe và vui hơn bao giờ hết, dù bà đã 87 tuổi.

{keywords}
Anh Đảm gặp lại người thân. 

3. Khó có ai có thể dửng dưng trước tai họa xảy ra cho đồng loại. Lòng trắc ẩn là một nhân tính, trước mỗi bi kịch của con người đều bộc phát. Từ thiện một lần khiến ta - người trao tặng, thấy nhẹ lòng đi một chút, còn lòng trắc ẩn thường trực mới làm ta tốt lên, chân thiện hơn.

80 triệu đồng không phải là 1 giá trị lớn, nhưng sự hướng đến đồng thời của 70 con người từng ngày một trong suốt 3 tháng khi bé Lê Đức Duy còn trong bụng mẹ chắc chắn là một điều gì đó đáng kể. Và sức mạnh của tình thương yêu hẳn không chỉ dừng lại chỉ ở 3 tháng đó.

Như chưa hề có cuộc chia ly đã có 14 năm x 365 ngày “sống” cùng khoảng 80 ngàn cảnh ngộ ly tán. Đó là trách nhiệm của tình thương, đồng thời là vô vàn những khoảnh khắc hạnh phúc tuyệt vời như khi chứng kiến anh Đảm được gặp lại mẹ. Chúng tôi cũng không thể mãi độc quyền việc thiện này.

Đã 8 tháng qua, theo nguyện vọng của đông đảo quần chúng thiện tâm, bắt đầu từ những thông điệp phát đi từ Bàn tròn Vietnamnet, Như chưa hề có cuộc chia ly bước đi trên con đường trở thành hoạt động thiện nguyện chung của toàn xã hội, do xã hội góp tay và nuôi nấng mà thành.

Điều làm nên các cuộc đoàn tụ kỳ diệu, chính là lòng trắc ẩn thường trực. Quý vị thiện tâm và thương cảm cho những người thất lạc ở tận cùng của nỗi đau, không chỉ bằng những giọt nước mắt, mà bằng sự hướng tới, đều đặn từng tháng một.

 “Một ổ bánh mì mỗi tháng để nối thân thương”

Đội ngũ Như chưa hề có cuộc chia ly hiện tại là những người thừa hành tìm kiếm và đoàn tụ, theo nguyện vọng của cộng đồng. Chúng tôi rất biết ơn khi được ủng hộ một món tiền lớn, nhưng thực lòng chúng tôi mong là bất cứ người thiện tâm nào cũng có điều kiện tham gia.

Tham gia làm việc thiện là niềm vui thuần khiết, không nên trở thành áp lực. “Một ổ bánh mì mỗi tháng” là vừa phải và từ ngày 4/4/2021, bạn có thể sử dụng tính năng đăng ký ủng hộ 12 tháng trừ tiền tự động trên Ví điện tử MoMo, rất thuận tiện hơn cho người ủng hộ.

Chỉ với 20.000VNĐ mỗi tháng, nhưng đều đặn, quý độc giả đã góp tay làm nên từ đến 6 cuộc đoàn tụ như trong mơ trong 1 tháng. Khi chúng ta có trên 30.000 người đồng lòng, góp mỗi người chỉ 1 “ổ bánh mì” mỗi tháng, Như chưa hề có cuộc chia ly có đủ kinh phí ổn định để tiếp tục sứ mệnh tìm người và đoàn tụ những cuộc ly tán đằng đẵng trong đất nước nặng lòng với chia ly là Việt Nam. 

Xem thêm video: Người phụ nữ nặng lòng với chó mèo hoang, làm xe lăn cho thú cưng bị tật

Nhà báo Thu Uyên

Ảnh: Cắt từ video

Chồng bỏ nhà đi 30 năm, vợ âm thầm giúp tìm lại gia đình

Chồng bỏ nhà đi 30 năm, vợ âm thầm giúp tìm lại gia đình

Biết chồng thương nhớ quê hương, gia đình sau hàng chục năm xa cách, chị Đông đã kết nối với chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly để giúp anh tìm về nguồn cội.