- Có thể nói, “cái lồng” đã được xây và từng bước sẽ “nhốt quyền lực” vào trong đó để kiểm tra, giám sát.

Cách đây hơn một năm, nhiều lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đi nhắc lại vấn đề “Làm thế nào để “nhốt” quyền lực vào trong cơ chế, thể chế, có quy định, quy chế, là để anh làm chức ấy thì không thể tham nhũng, tiêu cực được”. Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương khóa XII đã đưa ra 4 nhóm giải pháp, trong đó có giải pháp rất quan trọng. Đó là “có cơ chế kiểm soát quyền lực”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra nhiệm vụ: “Nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp”.

Qua thực tiễn 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ trong thời kỳ quá độ lên CNXH [1], chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu, song cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, trong đó có vấn đề chưa cụ thể hóa, tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá, quản lý đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là trong đó có cấp chiến lược. Chính vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 89 - QĐ/TWVề khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp” và Quy định số 90 -QĐ/TW “Về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”.

Như vậy, lần này Bộ Chính trị đã phân loại cụ thể hai đối tượng cán bộ lãnh đạo, đặc biệt chú trọng những cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, khoảng 1.000 người.

Các quy định lần này của Bộ Chính trị cụ thể hóa nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí cán bộ đã đề ra đã lâu nhưng còn chung chung, khó thực hiện, khó kiểm điểm cũng như kiểm tra, giám sát. Căn cứ vào tình hình thực tiễn mấy năm gần đây, lần này Bộ Chính trị đặc biệt chú ý đến vấn đề kiểm soát quyền lực. Bởi vì, việc sử dụng quyền lực và kiểm soát quyền lực là một trong những vấn đề nổi cộm bức xúc của Đảng, Nhà nước, xã hội chúng ta.

Tuyệt đối không tham vọng quyền lực”, “tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”. Đó là một trong những điểm mới mà từ xưa đến nay chưa được cụ thể hóa trong kiểm soát quyền lực và chắc chắn sẽ được quần chúng, nhân dân hoan nghênh, ủng hộ.

Có thể nói, “cái lồng” đã được xây và từng bước sẽ “nhốt quyền lực” vào trong đó để kiểm tra, giám sát. Vậy thực chất của việc “nhốt” quyền lực ở đây là gì? Ai “nhốt”? Ai kiểm tra, giám sát quyền lực trong cái “lồng” đó?

Kinh nghiệm của nhân loại chỉ ra rằng, kiểm soát quyền lực nhà nước là yếu tố trung tâm trong tổ chức quyền lực nhà nước. Còn việc kiểm soát quyền lực đối với các tổ chức đảng, trong khi Đảng đã nắm chính quyền chính là kiểm soát những cá nhân đảng viên giữ các chức vụ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước.

Bởi vì khi đã có quyền trong tay, những đảng viên được Đảng phân công sang lãnh đạo, quản lý bộ máy nhà nước, nhưng nếu những người này không được kiểm tra, giám sát gắt gao, chặt chẽ, không cố gắng phấn đấu, tu dưỡng thì quyền lực đó sẽ ngày càng có xu hướng tha hóa. Bởi vì con người thì luôn luôn chịu sự ảnh hưởng của các loại tình cảm và dục vọng đối với các hành động của mình, điều đó cũng khiến cho lý tính đôi khi bị chìm khuất.

Với đặc điểm đó của con người, không thể khẳng định người được ủy quyền luôn luôn làm đúng, làm đủ những gì được ủy quyền. Hơn thế nữa, quyền lực nhà nước có tính trừu tượng, không phải là một đại lượng có thể cân, đong, đo, đếm, xác định được chiều kích một cách rạch ròi để có thể giao quyền một cách cụ thể. Vì vậy kiểm soát quyền lực nhà nước là một nhu cầu khách quan từ phía người ủy quyền đối với người được ủy quyền, hạn chế sự lộng quyền, lạm quyền.

Do vậy, “nhốt” quyền lực ở đây thực chất là phải có cơ chế để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ những đảng viên được Đảng giao đảm nhận chức vụ lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan nhà nước.

Phải khẳng định rằng, Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, mọi quyền hành, lực lượng đều ở nơi dân. Tuy nhiên, nhân dân lại không trực tiếp thực hiện hết mọi quyền lực nhà nước của mình mà lại giao cho một số người quản lý, điều hành.

Mặt khác khi ủy quyền cho Nhà nước, quyền lực nhà nước lại có nguy cơ vận động theo xu hướng tự phủ định mình, trở thành đối lập với chính mình lúc ban đầu từ của nhân dân là số đông chuyển thành số ít của một nhóm người hoặc của một người.

Trong thực tế thường có những hiện tượng dễ xảy ra độ vênh giữa nhà nước và công dân, giữa những người thay mặt dân quản lý nhà nước với từng tầng lớp, cộng đồng dân cư. Chẳng hạn, không công khai, bình đẳng trong việc cung cấp và tiếp nhận và xử lý thông tin; nhà nước không nắm bắt đúng mục đích, lợi ích, nguyện vọng của người dân; những người thực thi quyền lực cụ thể không hiểu rõ mục đích, có khi hiểu đúng mục đích nhưng không sử dụng quyền lực đúng cách, hợp lý; các đại diện nhà nước vì lợi ích riêng có thể vượt quyền, lạm quyền làm tổn hại đến lợi ích, mục đích chung; người dân không tự mình thực hiện trực tiếp mà ủy quyền cho các đại diện nhưng người đại diện không trung thành bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân…

Đây là một thực tiễn, một nghịch lý đặt ra đòi hỏi quyền lực nhà nước phải được phân công, phân nhiệm rạch ròi và phải được kiểm soát rất chặt chẽ, nghiêm ngặt.

Giám sát quyền lực là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó cần phát huy tốt vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội và đông đảo quần chúng, nhân dân. Đã có “lồng nhốt quyền lực” rồi nhưng đang rất cần có cơ chế, quy định cụ thể, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và quần chúng nhân dân tham gia giám sát quyền lực. Hãy để người dân trực tiếp tham gia kiểm tra, giám sát cái “lồng” và quyền lực nằm trong cái “lồng” đó.

Để giám sát, kiểm soát quyền lực, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần công khai minh bạch những vấn đề liên quan đến những người nắm quyền lực cũng như vợ, chồng, con cái, anh, em, người nhà của họ, nhất là thu nhập, tài sản...

Vũ Lân

-----

[1] Do Hội nghị lần thứ ba BCH Trung ương Đảng khóa VIII (tháng 6/1997) đề ra.