Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Long Khốt, dòng sông linh khí miền biên thùy của nhà văn Hoài Hương.

Trong cái nắng đặc quánh như mật cuối mùa khô, chúng tôi ngồi trong xe hơi có máy lạnh mà vẫn cảm thấy cái nắng rát, khô khát, những cơn gió táp đỏ lá cây, những cánh đồng trống mênh mông phơi mình trắng đất, dọc theo quãng đường hơn 200km từ TP.HCM về hướng vùng biên thùy Tây Nam, đến một địa danh mang cái tên rất cổ xưa có phần kỳ bí huyền hoặc: Long Khốt (thuộc Vĩnh Hưng, Long An). 

LONG KHỐT  CÁC NHÀ VĂN VÀ CCB BÊN SONG.JPG
Đoàn các nhà văn, cựu chiến binh chụp ảnh lưu niệm bên bến sông Long Khốt.

Mà cũng thiệt kỳ lạ, khi tới nơi này, những tưởng sẽ bị hơi nóng phà vào người, thì bất chợt như được ve vuốt đến dịu dàng bởi màu xanh mê mải của những vạt rừng tràm um tùm lá, nghe trong hơi gió một sự hào phóng đến ngọt ngào hương sen Đồng Tháp Mười đang mùa trổ bông ào ập vào người. Để rồi cứ rưng rưng những cảm xúc đầy lên khi chạm vào dòng sông Long Khốt, nơi lưu giữ bao câu chuyện xưa chuyện nay của vùng đất đầy linh khí miền biên thùy.

Nơi thượng nguồn Vàm Cỏ Tây

Khi chúng tôi tới bên dòng sông Long Khốt là vào giấc chiều, dòng sông vào mùa khô, lại không nhằm con trăng, nên khá cạn, nhưng lạ là nước trong vắt, mùa khô, hình như chỉ để nước sông trong hơn, dù nghe nói sông nơi này khi triều lên nước xanh biêng biếc màu lá, triều xuống nước đục ngầu màu phù sa. 

Mặt nước êm ả, bình lặng, giống một gương soi khổng lồ, soi rõ từng cụm mây trắng bồng bềnh trôi lững lờ trên nền trời xanh, và cuối tầm mắt nhìn về hướng Tây, khi chiều xuống, mặt sông ánh lên những vạt nắng mang sắc hồng cam rực rỡ, vẻ đẹp tận hiến sau cùng của ngày trước lúc hoàng hôn buông tím mờ cả không gian.

Theo như trên địa đồ cương vực lãnh thổ Việt Nam, phía Tây dòng chính Mekong qua các phân lưu của nó tách ra trên đất Campuchia, có hai nhánh chảy theo hướng Đông Nam, tới biên giới, cùng đổ vào đất Việt, tạo thành Rạch Long Khốt - Sông Long Khốt. Tại tỉnh Svay Rieng rạch - sông có tên gọi khác là sông Waiko.

Một nhánh thượng nguồn phía Tây từ dòng chính sông Mekong qua các phân lưu của nó tách ra trên địa bàn tỉnh Prey Veng - Campuchia là Preak Banam và Preak Trabaek chảy theo hướng Đông Nam, tới biên giới Việt Nam - Campuchia đổ vào rạch Cái Cỏ (được coi là đoạn thượng nguồn của sông Sở Hạ) và các kênh rạch thuộc vùng Đồng Tháp Mười, rồi đổ vào rạch Long Khốt.

Một nhánh thượng nguồn phía Đông là Stưng Svay Rieng (thời nhà Nguyễn và thời Pháp thuộc cuối thế kỷ 19 người Việt gọi là rạch Tầm Dương hay Tam Dưỡng), chảy qua giữa tỉnh Svay Rieng - Campuchia, vào Việt Nam, nhập vào dòng kia ở rạch Long Khốt, tại huyện biên giới Vĩnh Hưng, tạo thành thượng nguồn sông Vàm Cỏ Tây. 

Sông Long Khốt không rộng, bề ngang chừng 50m, chảy song song bên đất Việt dọc biên giới Việt Nam - Campuchia theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Và khu đất phù sa bên hai bờ Long Khốt có diện tích khoảng 4,5ha được gọi theo tên sông, thuộc ấp Trung Chánh, xã Thái Trị, Vĩnh Hưng, Long An. Một địa danh đầy dấu tích lịch sử oai hùng, bi tráng, kiên cường của quân và dân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam.

Sông Long Khốt lấy nước từ vùng đồng bằng đầm lầy trũng thấp phía Campuchia và vùng Đồng Tháp Mười, nguồn nước không quá dồi dào, rất nhiều bồi lắng, nên ít ghe tàu lớn lưu thông, nhưng chính điều đó làm cho dòng sông có sự tĩnh lặng đặc biệt, không bị những ồn ào ghe xuồng khuấy động. 

Không biết có đúng thế không, hay vì sông Long Khốt còn chứa sâu trong lòng mình hàng ngàn liệt sĩ mà thân xác đã hòa tan trong phù sa trầm tích, trong dòng nước trong xanh biêng biếc kia, và anh linh họ đã phủ lên dòng sông sự linh thiêng trầm mặc, tạo nên linh khí cả một miền biên thùy của nước Việt…

Dòng sông thắm máu người nằm xuống

Đây là khu đất có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, từ năm 1958-1975, chính quyền Sài Gòn đã xây dựng một chi khu quân sự kiên cố, trang bị nhiều vũ khí tối tân, có lực lượng tinh nhuệ trấn giữ cửa ngõ biên giới Tây Nam cùng con đường huyết mạch từ miền Tây Nam bộ về Sài Gòn. 

Sau năm 1975, đây cũng là một chốt biên phòng trọng yếu chiến lược của ta, trấn giữ vành đai bảo vệ TP.HCM từ xa, với chiều dài 45,62 km (chiếm 31,1% tổng chiều dài biên giới của tỉnh Long An). Riêng Đồn Biên phòng Long Khốt hiện được giao quản lý 17,3km đường biên giới với 12 cột mốc.

Dòng sông Long Khốt đã thành một nơi cất giữ quá khứ lịch sử bi tráng hào hùng của vùng đất này. Thời Pháp là những gương hy sinh oanh liệt can trường của các nghĩa sĩ quân nông dân yêu nước trong phong trào kháng Pháp Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương… Và đã được lưu lại hình ảnh biểu tượng trong áng cổ văn bi hùng “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của thầy đồ Nguyễn Đình Chiểu.

Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dòng Long Khốt không chỉ là chứng nhân những cuộc chiến khốc liệt, mà còn trở thành nơi an nghỉ mãi mãi của hàng ngàn liệt sĩ Quân Giải phóng, đặc biệt của các chiến sĩ của Trung đoàn 174 - sư đoàn 5 anh hùng - đơn vị đã hai lần được giao nhiệm vụ làm “bay” chi khu quân sự Long Khốt của quân đội Sài Gòn trong hai chiến dịch: Tháng 6/1972 (sau chiến dịch Nguyễn Huệ), chiến dịch mùa khô 1973-1974.

Tôi đã được đại tá Trần Thế Tuyển, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 174 kể cho nghe những trận chiến ác liệt tại chiến trường Long Khốt năm 1972 ngay bên cạnh dòng sông: “Năm ấy, cấp trên giao nhiệm vụ cho chúng tôi "nhổ bót, giành dân" ở khu vực "da báo", chuẩn bị cho việc ký hiệp định Paris buộc Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Nhưng trận chiến không thành, do nhiều chủ quan trong tác chiến, vì trước đó ta đã thắng chiến dịch Nguyễn Huệ ở Tây Ninh. Nhưng đánh ở Long Khốt là đồng bằng, là sông nước, không giống tác chiến ở rừng núi. Tôi nhớ có đêm, tự tay tôi cùng anh em chôn cất hàng chục liệt sĩ…”

Cũng ngay bên dòng sông, một cựu chiến binh khác của Trung đoàn 174, rưng rưng khi nhìn xuống dòng nước kể: “Lần thứ hai, bằng sự quyết tâm phải “nhổ” cho bằng được Chi khu quân sự Long Khốt do Tiểu đoàn 502 và lực lượng biệt động quân Quân đội Sài Gòn chốt giữ. Chi khu có hệ thống công sự kiên cố, hỏa lực máy bay, pháo binh chi viện mạnh, nhưng ta đã tổ chức công tác trinh sát tỉ mỉ chi tiết, lập nhiều phương án tác chiến kết hợp đánh đặc công “mở cửa” và hiệp đồng binh chủng hợp thành theo kiểu “trận địa chiến”…

Sau một ngày chiến đấu giành nhau từng tấc đất, 18 giờ ngày 29/4/1974, ta đã chiếm hoàn toàn chi khu Long Khốt, mở cửa cho chủ lực Quân Giải phóng tiến về Đồng bằng sông Cửu Long”.

Tôi lật những trang tư liệu lịch sử của Trung đoàn 174 - Sư đoàn 5 - Quân khu 7, gốc là trung đoàn 174 Cao - Bắc - Lạng thiện chiến, đã hành quân vượt Trường Sơn, và tiến về đồng bằng Nam bộ. Có một khoảng lặng đến tê người, khi đọc những con số liệt sĩ hy sinh trong khu vực Long Khốt, hơn 1.110 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 hy sinh, riêng Trung đoàn 174 có gần 800 chiến sĩ hy sinh, đặc biệt, đơn vị trinh sát H5 thuộc Trung đoàn 174, đã hy sinh hàng trăm đồng đội dưới lòng sông Long Khốt, nhiều người mãi mãi nằm dưới sông sâu cả hơn nửa thế kỷ nay. 

Vẫn chưa phải là đã hết, sau ngày đất nước thống nhất, tại đây thành lập đồn biên phòng phiên hiệu 773 - đồn Long Khốt, nhằm bảo vệ khu vực biên giới trọng yếu này. Năm 1978, Long Khốt ghi dấu chiến công 43 ngày đêm sinh tử quyết giữ vững chủ quyền từng tấc đất vùng biên cương, từ ngày 14/1- 27/2/1978, của lực lượng Công an nhân dân vũ trang tỉnh Long An cùng quân dân địa phương, 

Một lần nữa, dòng sông Long Khốt lại chứng kiến hàng chục cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Long Khốt anh dũng hy sinh để bảo vệ vững chắc khu vực phía Tây Bắc tiền đồn Mộc Hóa, làm thất bại hoàn toàn âm mưu của Polpot muốn đánh chiếm bằng được Mộc Hóa và Đức Huệ làm bàn đạp tấn công các khu vực khác.

Linh khí miền biên thùy

Đã thành thông lệ, từ năm 2008, cứ tới kỷ niệm ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, người dân ở miền biên thùy Long Khốt (Vĩnh Hưng, Long An) cùng những người cựu chiến binh từng chiến đấu năm xưa ở chiến trường này, làm lễ thả hoa tưởng niệm và tri ân những liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc trên dòng sông Long Khốt. Long Khốt còn có Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Liệt sĩ hy sinh ở Long Khốt. 

LONG KHỐT  ĐỀN THỜ.JPG
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử quốc gia đồn Long Khốt.
LONG KHỐT  THẢ ĐÈN TRÊN SÔNG.JPG
Lễ thả hoa tưởng niệm và tri ân những liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc trên dòng sông Long Khốt.

Ngoài trang thờ chính có tượng Bác trang trọng, thì điều làm mọi người phải lạc một nhịp thở, nén cảm xúc, khi chứng kiến kín các bức tường là những phiến đá granite đen khắc danh sách hơn 8.000 liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Long Khốt, mà vẫn còn chưa hết… Được biết, ngày 19/5/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định công nhận khu vực đồn Long Khốt và khu Đền tưởng niệm Liệt sĩ là “Di tích Lịch sử văn hóa” cấp quốc gia.

Hoàng hôn biên thùy hình như có chút chậm rãi, phía xa xa cuối dòng sông Long Khốt vẫn còn le lói chút ánh nắng, và như một chớp sáng sau cùng, những ánh đỏ, hồng, tím loang dài trên mặt nước, hắt lên những bụi mua dọc bờ sông, tô đậm thêm màu tím biếc trong chạng vạng. 

Chúng tôi đứng bên bờ sông ngắm nhìn dòng nước lững lờ trôi, trong sương mỏng bảng lảng tím khói, trong hiu hiu gió mang hương sen, hương tràm, những đốm nhang cháy đỏ, vòng khói cứ quyện vào nhau không tan. Nghe như mơ hồ lao xao có tiếng người đang hòa giọng hai câu thơ của đại tá Trần Thế Tuyển: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”.

Hoài Hương

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch. 

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: http://www.tothethao.com/bong-da_bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

boxtaitro dongsong.jpg