Nâng chất lượng sản phẩm, xây thương hiệu

Long An là một trong những địa phương sở hữu nhiều sản phẩm, nông sản được nhiều người ưa thích như gạo, thanh long, chanh không hạt, nước mắm Vĩnh Hương, sản phẩm đậu phộng Hữu Lộc, mắm ruốc Ba Buôi…

Theo Sở Công thương tỉnh Long An, đến nay hàng hoá của DN trong tỉnh đã có mặt ở hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, nhiều sản phẩm đã xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng như thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc,...

Tuy nhiên, có một thực tế, phần nhiều sản phẩm hàng hoá của tỉnh, đặc biệt là nông sản do các hộ sản xuất nông nghiệp hoặc các DN vừa và nhỏ mới chỉ “có tiếng”, chưa thực sự ghi được dấu ấn trên thị trường và trở thành thương hiệu mạnh quốc gia. Trong khi đó, thị trường cạnh tranh khốc liệt chỉ có chỗ đứng cho những thương hiệu mạnh, bền vững, tạo dựng được lợi thế cạnh tranh khác biệt. 

Nắm bắt được xu hướng này, thời gian qua, tỉnh Long An đặc biệt chú trọng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DN phát triển thương hiệu theo hướng bài bản, theo từng ngành, địa phương, góp phần nâng cao giá trị cạnh tranh, giá trị thương hiệu cho các DN.

Với mục tiêu nâng tầm chất lượng sản phẩm, tỉnh Long An đã triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ DN vừa và nhỏ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, đổi mới công nghệ, áp dụng các giải pháp hữu ích, phát triển nhãn hiệu. 

Cùng với đó, Sở KH&CN của tỉnh cũng triển khai các hoạt động khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thiết bị mới, hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm được tập trung thực hiện nhằm phát triển kinh tế, sản xuất bền vững.

Tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của Long An thông qua chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Chương trình đã hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh hoàn thiện mẫu mã, bao bì, đầu tư trang thiết bị, máy móc, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đáng chú ý, thông qua chương trình, nhiều sản phẩm dần khẳng định vị trí trên thị trường với sản lượng bán ra tăng từ 1,5 - 2 lần so với khi chưa được chứng nhận sản phẩm OCOP.

Tính đến nay Long An đã có tổng số 31 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 19 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 12 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Trong năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu công nhận thêm 44 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao cấp tỉnh trở lên. 

Hỗ trợ DN quảng bá thương hiệu, thúc đẩy kinh tế số

Song song hỗ trợ DN nâng tầm chất lượng sản phẩm, tỉnh Long An còn hướng tới thúc đẩy phát triển kinh tế số bằng việc hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử, nhằm kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

Theo đó, tháng 9/2021 UBND tỉnh Long An ban hành kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Chương trình vừa giúp các hộ sản xuất nông nghiệp tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, giảm phụ thuộc vào thương lái hoặc trung gian; vừa hỗ trợ các hỗ sản xuất nông nghiệp xây dựng, nâng cao nhận thức và kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số. Mục tiêu của chương trình là có ít nhất 30/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và 5 quốc gia (ưu tiên Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Úc và Ấn Độ) sẽ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Long An qua sàn TMĐT.

Để làm được điều này, chương trình cung cấp cho các hộ sản xuất nông nghiệp các thông tin hữu ích như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thời tiết, mùa vụ,… Đồng thời, UBND tỉnh còn phối hợp với các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành và đơn vị có liên quan thông tin, tuyên truyền về kết quả hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tăng cường thông tin quảng bá, giới thiệu về các sàn TMĐT, sàn Postmart.vn và sàn Voso.vn.

Sàn thương mại điện tử Long An

Ngoài ra, Sở Công thương tỉnh Long An cũng triển khai nhiều hoạt động, giải pháp hỗ trợ DN, hỗ sản xuất nông nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu. Trong năm 2021, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở Công thương tỉnh vẫn linh hoạt đẩy mạnh thực hiện xúc tiến thương mại thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và thương hiệu trong môi trường kinh doanh trực tuyến. 

Với sự hỗ trợ của toàn diện, bài bản, tới nay nhiều thương hiệu sản phẩm của Long An đã có mặt trên sàn thương mại điện tử Postmart, Voso, Lazada, Tiki, Sendo,... cũng như được giới thiệu, quảng bá và kết nối tiêu thụ thông qua group Zalo giao thương các tỉnh, Zalo Hiệp hội DN Long An, Zalo Đồng hương Long An... 

Trong năm 2022, Sở Công thương tỉnh Long An dành 2,3 tỷ đồng kinh phí dành cho chương trình Xúc tiến thương mại với hoạt động tuyên truyền quảng bá sản phẩm có thế mạnh, nông sản, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý địa phương; đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực phát triển thị trường trong nước. Tổ chức, tham dự các chương trình hội chợ, triển lãm theo hình thức trực tiếp và trực tuyến; chương trình giao thương, tìm kiếm thị trường, kết nối cung - cầu theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến.

Sở cũng Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh”; tổ chức tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường mạng, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại…

D.A