Đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 hướng tới mục tiêu ứng dụng ICT để hỗ trợ giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề được người dân quan tâm, nâng cao sự hài lòng và chất lượng cuộc sống của người dân.

Từ đó, quản lý đô thị được tinh gọn; nâng cao năng lực dự báo, hiệu quả và hiệu lực quản lý của chính quyền địa phương; tăng cường sự tham gia của người dân.

Dịch vụ công được triển khai nhanh chóng, thuận tiện; thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh trên nền kinh tế số; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Đề án còn nhằm tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm.

{keywords}
Trong thời gian từ nay đến 2025, Long An sẽ tập trung triển khai mô hình điểm về phát triển dịch vụ đô thị thông minh tại thành phố Tân An (Ảnh: báo Long An)

Cũng theo quyết định phê duyệt Đề án, trong giai đoạn 2020 – 2025, Long An sẽ tập trung triển khai mô hình điểm tại thành phố Tân An, đảm bảo sẵn sàng triển khai nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh đối với một số lĩnh vực trọng yếu.

Trong giai đoạn 2025 – 2030, định hướng được UBND tỉnh Long An đặt ra là sẽ mở rộng phạm vi, chức năng của mô hình được triển khai tại thành phố Tân An; đồng triển khai diện rộng trên địa tỉnh Long An, trong đó triển khai trước các đô thị có tiềm năng như Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc...

Đề án mới được UBND tỉnh Long An ra quyết định phê duyệt cũng xác định rõ các nội dung, yêu cầu, lộ trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển đô thị thông minh của tỉnh theo phân kỳ từng năm, từ năm 2020 đến năm 2025.

Theo đó, trong năm nay, Long An sẽ tập trung xây dựng kế hoạch chi tiết các nhiệm vụ triển khai thực hiện Đề án. Đồng thời, triển khai khảo sát, thống nhất các nội dung của một số dự án trọng tâm ưu tiên thực hiện trong năm 2021 và xây dựng kế hoạch bố trí vốn thực hiện Đề án.

Căn cứ trên tình hình hiện tại cùng định hướng phát triển của tỉnh Long An, trong Đề án, UBND tỉnh Long An đã xác định sẽ tập trung đề xuất các giải pháp cho các lĩnh vực, các hoạt động gồm: Xây dựng Kiến trúc ICT cho đô thị thông minh; Xây dựng hạ tầng ICT phát triển dịch vụ đô thị thông minh; Xây dựng nền tảng đô thị thông minh.

Đề án cũng hướng đến việc xây dựng Trung tâm điều hành thông tin tập trung, đa nhiệm đô thị thông minh; Xây dựng hạ tầng xã hội của đô thị thông minh; Phát triển các dịch vụ quản lý an ninh trật tự thông minh, giao thông thông minh, môi trường thông minh, nông nghiệp thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh và du lịch thông minh.

Cùng với đó, Đề án sẽ tập trung xây dựng phương án thu hút doanh nghiệp tham gia vào hoạt động phát triển dịch vụ đô thị thông minh; Đánh giá tổng kết mô hình điểm giai đoạn 2020 – 2025, làm rõ giải pháp, cụ thể mục tiêu để thực hiện nhiệm vụ phát triển dịch vụ đô thị thông minh đến năm 2030.

UBND tỉnh Long An nhấn mạnh, về nguyên tắc các dịch vụ cần được xây dựng, tối ưu trên nền tảng thiết bị di động giúp nâng cao khả năng tương tác, giao tiếp giữa người dân với chính quyền đô thị. Qua đó, chỉ với một smartphone kết nối Internet, cài đặt ứng dụng do chính quyền cung cấp, người dân có thể tham gia vào quản lý đô thị cũng như hưởng thụ các dịch vụ tiên tiến của đô thị thông minh mang lại.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 dự kiến là 500 tỷ đồng. Kinh phí thực tế sẽ được xác định trên cơ sở các hạng mục, dự án thành phần được đầu tư.

UBND tỉnh Long An giao Sở TT&TT chủ trì, phối hợp các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Chính quyền điện tử tỉnh triển khai thực hiện Đề án.

Sở TT&TT Long An cũng được giao phối hợp với các sở KH&ĐT, Tài chính và các ngành liên quan xác định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn để tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch chi tiết về nội dung, lộ trình, thứ tự ưu tiên triển khai các dự án thành phần trong phạm vi Đề án. 

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cơ quan chủ trì triển khai “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030”, cả nước có khoảng 40 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh.

Trong Đề án về đô thị thông minh, mỗi địa phương chọn những điểm nhấn (vấn đề nóng) khác nhau. Đơn cử như, Đề án của TP.HCM nhấn mạnh vào kinh tế, ùn tắc giao thông, ngập nước, triều cường. Đề án của Đà Nẵng, Đà Lạt, Huế nhấn mạnh vào du lịch. Đề án của Quảng Ninh, Lào Cai chọn cả kinh tế (giao thương) và du lịch (homestay).

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đang trực tiếp hướng dẫn việc triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh cho 19 địa phương. Dự kiến trong tháng 12/2020, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với các địa phương đánh giá kết quả thí điểm để xem xét, đề xuất triển khai cho giai đoạn tiếp theo.

 Vân Anh

Bộ TT&TT giục các sở xây dựng Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh

Bộ TT&TT giục các sở xây dựng Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh

Theo Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, việc xây dựng Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) rất quan trọng, giúp địa phương xác định tầm nhìn và kế hoạch tổng thể, lâu dài, đồng thời đảm bảo tính đồng bộ, bền vững trong phát triển ĐTTM.