Huyện Cần Đước luôn được xem là địa phương đi đầu trong việc nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân của tỉnh Long An. Với nhiều cách làm hay, hiệu quả, đặc biệt là thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, xây dựng tình đoàn kết nhân dân, huyện đã đạt được nhiều thành tích đáng kể.
Trưởng phòng Tư pháp huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, đến nay, trên toàn huyện có 115 tổ hòa giải với 631 hòa giải viên. Trong đó có 149 hoà giải viên nữ, đáp ứng yêu cầu công tác hòa giải ở cơ sở.
Các tổ hòa giải thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Hầu hết hoà giải viên được lựa chọn là những người có kinh nghiệm, uy tín, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ học vấn và kiến thức pháp luật, có khả năng hòa giải và tổ chức hòa giải tốt các tranh chấp nhỏ ở cộng đồng dân cư.
Thông tin từ Sở Tư pháp Long An, đến nay, toàn tỉnh có 1.002 tổ hòa giải với 5.989 hoà giải viên, trong đó có 1.474 hoà giải viên là nữ. Năm 2015, tỷ lệ hòa giải thành đạt 86,1% thì đến năm 2022, tỷ lệ hòa giải thành đạt 91,2%.
Riêng 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 96%. So với giai đoạn 2015 - 2018, số vụ việc hòa giải ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022 giảm trên 48%. Trong đó, giai đoạn 2015 - 2018 tiếp nhận 9.125 vụ việc, tổ chức hòa giải thành 8.082 vụ việc, đạt trung bình 88,54%; giai đoạn 2019 - 2022 tiếp nhận 4.424 vụ việc, tổ chức hòa giải thành 4.060 vụ, đạt trung bình 91,8%.
Kết quả công tác hòa giải cơ sở cho thấy việc nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân đạt hiệu quả. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, giúp người dân hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình để có cách xử sự phù hợp với quy định pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội, giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Đồng thời, củng cố, phát huy tình cảm và đạo lý truyền thống, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, các đối tượng đặc thù, mỗi năm, các đơn vị phụ trách tư vấn pháp luật của tỉnh Long An sẽ chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền pháp luật, tập trung hướng về cơ sở, trực tiếp đến từng hộ dân để tuyên truyền pháp luật.
Đối với ngành công an, nhiều năm qua luôn chủ động phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho các đối tượng đặc thù. Trong đó, duy trì, củng cố, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong công tác phòng ngừa tội phạm, tệ nạn ma túy như: Mô hình 3 quản, 3 giúp người nghiện ma túy, người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, xây dựng khu dân cư an toàn, lành mạnh; Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy và đẩy lùi tệ nạn ma túy trong cộng đồng dân cư; Nhóm Zalo tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phòng, chống tội phạm; Tuyên truyền phòng ngừa không để ma túy xâm nhập cộng đồng dân cư; Gặp gỡ, cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật theo tiêu chí 1+5; Phối hợp 5 lực lượng trong tuần tra phòng, chống tội phạm... Từ đó, phát huy hiệu quả trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự và công tác phòng, chống tội phạm.
Theo Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp Long An – Lê Thị Lo, ngoài biện pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật truyền thống, hiện nay, Sở đã yêu cầu các ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là ứng dụng các nền tảng mạng xã hội để đưa pháp luật đến sâu hơn trong đời sống, giúp người dân dễ tiếp cận khi khi cần các thông tin về pháp luật. Từ đó, nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật hiệu quả.
Qua từng năm, các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh Long An ngày phong phú, đa dạng, dễ áp dụng, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn và đáp ứng được yêu cầu đưa pháp luật vào cuộc sống. Các mô hình hay, cách làm tốt được đúc kết, nhân rộng, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân.