- Khi nhiều người làm những việc có hại đến cộng đồng, đến đồng bào mà vẫn xem như không thì thật đáng sợ!

Đầu tháng 11 vừa qua, nhà sử học Dương Trung Quốc tại diễn đàn Quốc hội, khi nói đến tình trạng suy thoái đạo đức, đã dẫn ra ví dụ về tình trạng “nuôi lợn hai chuồng, trồng rau hai luống, sẵn sàng đưa độc hại cho đồng bào của mình”. Ông cảnh báo: “Rõ ràng chúng ta thấy suy thoái đạo đức nguy hiểm thế nào. Suy thoái kinh tế còn dễ vực dậy, có khi chỉ nửa nhiệm kỳ. Tôi rất mong chúng ta quan tâm đến lĩnh vực này”.

Nhiều năm nay sống ở nhà vườn ngoại thành, tôi càng thấm thía những điều mà ông Dương Trung Quốc nói.

Có lần, tôi thấy một người đang phun thuốc sâu ở vườn chè nhà họ, sáng hôm sau đã thấy họ hái chè. Tôi đi ngang qua mới hỏi: không sợ thuốc trừ sâu hôm qua mới phun à? Anh ta liền chỉ một luống chè sát hàng rào và nói: chè nhà em hái để nấu uống đây này, còn đây là chè hái mang ra chợ bán... Anh ta nói một cách hồn nhiên đến mức tôi rùng mình.

Một lần khác, có người vào nhà tôi mua chuối và xoài xanh. Tôi hỏi mua làm gì? Người kia trả lời, để bán chứ còn làm gì hả bác, em về ngâm thuốc một vài đêm là chín hết mà! Tôi không biết loại thuốc gì mà chuối ngâm cả buồng, xoài còn xanh sau vài đêm đã chín, nhưng bất giác nhớ những lúc mua chuối chín, xoài chín ngoài chợ để ăn mà lại rùng mình!

{keywords}
Ảnh minh họa: Tuổi trẻ

Thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường, thật giả lẫn lộn, từng ngày, từng giờ giết dần, giết mòn chính chúng ta và cả thế hệ con cháu. Và nguy hiểm không kém ấy là sự suy thoái đạo đức truyền thống, đạo lý mà ông cha ta đã ngàn đời gìn giữ, nhắc nhở con cháu: thương người như thể thương thân.

“Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”, chẳng phải Kinh Thánh đã nói vậy sao. Còn đức Khổng Tử từ 2.500 năm trước đã nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, tạm dịch à: Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác.

Hẳn nhiều người đã biết, ấy vậy mà bây giờ sao con người lại chỉ nghĩ đến lợi ích nhỏ mọn của riêng mình mà làm hại người khác. Những người làm chuyện “nuôi lợn hai chuồng, trồng rau hai luống” rõ ràng đều hiểu cái hại của thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng, kích thích..., cái hại của rau bẩn, thịt bẩn nhưng vẫn làm và còn coi là chuyện bình thường. Khi nhiều người làm những việc có hại đến cộng đồng, đến đồng bào mà vẫn xem như không thì thật đáng sợ!

Tôi đọc cuốn “Bước đầu học Phật” (NXB Tôn giáo, năm 2001) thấy có đoạn: “Tội là hành động làm cho mình và người đau khổ trong hiện tại và vị lai... Những điều làm đau khổ cho người, cho chúng sanh do thân miệng cộng tác với ý chúng ta gây ra tội nặng. Bởi vì, việc làm ấy là có cố tâm, có hữu ý... Vì thế hành động cố tâm, hữu ý là hành động quan trọng nên tạo thành tội nặng...”

Gần đây công luận đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trước vấn nạn thực phẩm bẩn, thuốc giả..., có những vụ việc đã bị khởi tố, phạt nặng... Nhưng, tôi thiển nghĩ, quan trọng hơn nữa là làm sao cho người Việt dù ở đâu trên khắp đất nước cũng đều nhận thức được sự nguy hại gây ra cho cộng đồng từ những việc làm ấu trĩ, độc ác của mình, và nhận thức được cái cốt lõi nhất của đạo đức con người là dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được làm hại người khác.

Nếu không, từ mầm ác, từ những tội lỗi vô tri, những việc bất thiện nhỏ sẽ lớn dần lên thành những tội ác lớn như bạo hành người khác, cướp giật, cho đến những tội ác tày trời như bà bị nghi giết cháu khiến dư luận bàng hoàng gần đây...

Để ngăn chặn sự suy thoái đạo đức mà ai cũng biết nguy hại ra sao, theo tôi những đạo lý cơ bản của con người phải được dạy thực sự sâu sắc ngay từ ghế nhà trường. Cụ thể là những đạo lý của người Việt Nam từ ngàn đời nay, những đạo lý để mỗi người sống đúng là con người, biết nhân nghĩa, biết hy sinh, biết rạch ròi xấu tốt, tránh sa lối ma quỷ.

Nhưng quan trọng hơn nữa là cả xã hội phải thực hành đạo đức làm gương, từ trên xuống dưới. Càng những ai làm việc trong các lĩnh vực liên quan thiết thân đến đạo đức, như giáo dục, Y tế..., càng những ai nắm giữ trọng trách càng phải giữ gìn, thực hành đạo đức. Bởi nếu đạo đức chỉ trên lời rao giảng, kiểu “hãy nghe tôi nói, đừng làm như tôi làm” thì cũng sẽ chẳng ai tin, chứ đừng nói học theo.

Dương Xuân Nam