Nỗi lo từ chất thải, khí thải chăn nuôi lợn, bò... 

Tại tọa đàm "Thúc đẩy chăn nuôi bền vững, tăng trưởng xanh", sáng 22/10, ông Nguyễn Đức Trọng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, nhìn nhận, kiểm soát môi trường và khí phát thải chăn nuôi của Việt Nam là những vấn đề lớn và còn nhiều bất cập. 

Theo ông, nguyên nhân do Việt Nam thuộc top những quốc gia có mật độ chăn nuôi lớn nhất trên thế giới. Số đầu lợn của nước ta đứng thứ 6 và đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới... song quy mô chăn nuôi nhỏ chiếm tỷ lệ cao.

Đáng chú ý, công nghệ xử lý chất thải tuy nhiều, nhưng chưa hoàn thiện và phù hợp, nhất là tại các cơ sở chăn nuôi vừa và nhỏ.

Số liệu thống kê năm 2022, Việt Nam có khoảng 8 triệu con trâu bò, 24,7 triệu con lợn và 380 triệu con gia cầm. Theo Chiến lược chăn nuôi được phê duyệt, năm 2030 Việt Nam sẽ có khoảng 10 triệu trâu bò, 30 triệu con lợn và khoảng 670 triệu con gia cầm.

hpg 3295 1 1.jpg
Việt Nam có số lượng lợn nuôi rất lớn. Ảnh: Hoà Phát

Kết quả kiểm kê khí nhà kính cho thấy, ngành chăn nuôi hàng năm thải ra khoảng 18,5 triệu tấn CO2e, chiếm 19% lượng phát thải trong nông nghiệp. Có 2 loại khí nhà kính chủ yếu được phát thải từ chăn nuôi là  khí mê-tan (CH4) và khí oxit nitơ (N2O).

Theo tính toán, 1 tấn khí CH4 gây hiệu ứng khí nhà kính tương đương với 28 tấn CO2 và 1 tấn khí N2O gây hiệu ứng khí nhà kính tương đương với 265 tấn CO2. Trong khi đó, phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi gồm 2 nguồn chính: khí CH4 từ dạ cỏ của động vật nhai lại và khí CH4, N2O từ phân động vật.

Một số yếu tố đang ảnh hưởng đến phát thải trong chăn nuôi như điện và năng lượng, quá trình hô hấp, tiêu hóa, chất thải của vật nuôi… Ông Trọng chỉ rõ, có thể áp dụng nghệ và thiết bị kiểm soát chỉ số carbon trong các nhà máy chế biến TACN và chuồng trại; xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ biogas, đệm lót sinh học nhằm giảm ô nhiễm môi trường và giảm khí phát thải nhà kính. Tuy nhiên, những công nghệ này đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, cần có chính sách hỗ trợ về đất đai cho chăn nuôi tập trung. 

Do đó, ông Trọng cũng kiến nghị chưa nên đưa lĩnh vực chăn nuôi vào diện phải kiểm kê khí nhà kính. Trước mắt, trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2026, chỉ nên áp dụng hình thức khuyến khích các cơ sở chăn nuôi thực hiện việc kiểm kê và kiểm soát khí phát thải trong chăn nuôi. Bởi, đây là vấn đề mới và lĩnh vực chăn nuôi trong nước đang còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, trong quá trình “hoãn” kiểm kê khí nhà cũng cũng cần tăng cường đào tạo cán bộ kỹ thuật chuyên môn, hoàn thiện các công nghệ, chính sách để nâng cao năng lực quản lý và ứng dụng các công nghệ trong xử lý chất thải, kiểm kê và kiểm soát khí nhà kính trong chăn nuôi.

"Khi đưa các cơ sở chăn nuôi vào diện phải kiểm kê khí nhà kính, thì mọi yếu tố đã được sẵn sàng", Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam nêu ý kiến.

Cần chăn nuôi theo hướng tuần hoàn

Ông Nguyễn Quang Hiếu - Giám đốc đối ngoại Tập đoàn De Heus chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành chăn nuôi của Hà Lan rất bài bản ngay từ năm 1960.

Ông dẫn chứng, chất thải không xử lý tại trang trại mà có các doanh nghiệp thu gom, xử lý riêng. Chất thải của lợn được thu gom làm khí sinh học, để làm nhiên liệu đốt lò sưởi ở trang trại chăn nuôi, trại gà... Với bò, Hà Lan có quy định rõ mật độ nuôi để đảm bảo diện tích hấp thu chất thải từ vật nuôi này.

Vài năm gần đây, Hà Lan đã và đang ban hành các chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Chính phủ và người dân Hà Lan đang chung tay xây dựng ngành chăn nuôi theo chuỗi liên kết gắn với bảo vệ môi trường, giảm lượng khí nhà kính.

"Nếu không đảm bảo môi trường trong chăn nuôi, các đơn vị, doanh nghiệp sẽ bị đánh thuế rất cao lên đến 15%/doanh thu", ông Hiếu thông tin.

Hiện, chuyển đổi xanh là xu hướng không thể đảo ngược. Trong khi, ngành chăn nuôi là một trong các nguồn phát thải khí nhà kính gây căng thẳng thêm cho hiện tượng nóng lên toàn cầu. 

Ở Việt Nam, các chuyên gia cho rằng có thể phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn để giảm phát thải khí nhà kính. Song, phải xây dựng chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp tuần hoàn mới có thể đẩy nhanh quá trình triển khai, thực hiện và áp dụng ở các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi.