Mỗi nhân viên mang về 342 triệu đồng lãi trước thuế
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa công bố tài liệu cho cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm tài chính 2022, sẽ diễn ra vào ngày 25/4 tại TP.HCM.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022 của Sacombank, ngân hàng đạt tổng tài sản 591.908 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2021 và hoàn thành 103% kế hoạch. Tổng nguồn vốn huy động đạt 519.132 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2021 và hoàn thành 101% kế hoạch. Tổng dư nợ tín dụng đạt 438.752 tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với năm 2021, tối ưu trong hạn mức Ngân hàng Nhà nước cấp (13%).
Tỷ lệ nợ xấu cũng được Sacombank kiểm soát ở mức 0,93%, giảm 0,55% so với mức nợ xấu của năm 2021. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.399 tỷ đồng, tăng 44,1% so với năm trước đó, đạt 120% kế hoạch.
Theo đó, các chỉ số về năng suất, hiệu quả đạt mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, lợi nhuận trước thuế/nhân viên tăng 44,9% so với năm trước. Năm qua, mỗi nhân viên Sacombank mang về cho ngân hàng 342 triệu đồng lợi nhuận trước thuế.
Được biết, thu nhập bình quân (lương, thưởng) mỗi nhân viên Sacombank trong năm 2022 là 32,35 triệu đồng/tháng (trong đó tiền lương là 19,71 triệu đồng/tháng).
Mặc dù kết quả thực hiện chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đã vượt 20% so với kế hoạch được ĐHĐCĐ giao, nhưng Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) đã thống nhất chủ trương thực hành tiết kiệm. Vì vậy, thù lao thực chi cho HĐQT và BKS Sacombank trong năm 2022 chỉ chiếm 0,95% lợi nhuận trước thuế, thấp hơn 0,25% so với mức trích đã được ĐHĐCĐ phê duyệt (1,2%).
Cụ thể, mức thù lao cho HĐQT và BKS Sacombank trong năm tài chính 2022 là 60,22 tỷ đồng (thay vì 76 tỷ đồng đã được ĐHĐCĐ phê duyệt). HĐQT và BKS của Sacombank lần lượt có 7 và 4 thành viên. Như vậy, thu nhập bình quân mỗi thành viên là 5,47 tỷ đồng. Tất nhiên con số này chỉ mang tính tương đối bởi sẽ có sự chênh lệch lớn giữa các thành viên chuyên trách và thành viên không chuyên trách trong HĐQT, cũng như chênh lệch giữa thành viên HĐQT và BKS.
Về kế hoạch năm 2023, tờ trình gửi ĐHĐCĐ cho thấy: Mục tiêu tổng tài sản 657.800 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022. Tổng huy động nguồn vốn đạt 574.600 tỷ đồng, tăng 11%. Dư nợ tín dụng đạt 491.600 tỷ đồng, tăng 12%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 50%.
Một vấn đề được nhà đầu tư (NĐT) quan tâm thời gian qua lệ sở hữu của NĐT nước ngoài đối với cổ phiếu STB của Sacombank.
Sacombank cho biết, kể từ ngày 14/3/2014 đến nay, tỷ lệ sở hữu tối đa của NĐT nước ngoài đối với cổ phiếu STB đã được ĐHĐCĐ Sacombank thống nhất là 30%. Tuy nhiên, khi Sacombank phát hành 400 triệu cổ phiếu STB để sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) đã điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của NĐT nước ngoài đối với cổ phiếu STB về mức 23,63468%. Đến ngày 21/5/2021 VSD lại điều chỉnh tỷ lệ này lên 30%.
HĐQT Sacombank cho biết, vào ngày 10/3/2023 VSD đã gửi công văn số 1917/VSD-ĐK.VN cho Sacombank và thừa nhận sự thiếu sót đối với sự điều chỉnh nêu trên.
“Sacombank là công ty đại chúng, kể từ khi niêm yết trên TTCK Việt Nam, cổ phiếu STB luôn là cổ phiếu có tính thanh khoản cao, thu hút nhiều NĐT trong và ngoài nước. Vì vậy chủ trương của Sacombank muốn cơ cấu cổ đông của ngân hàng luôn đa dạng để tạo động lực cho sự phát triển. Vì lẽ đó, Sacombank ghi nhận tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài đối với cổ phiếu STB ở thời điểm hiện tại vẫn ở mức 30% vốn điều lệ Sacombank”, trích tài liệu trình ĐHĐCĐ do HĐQT Sacombank cung cấp.
Trong danh mục tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết do VSD cung cấp ngày 5/4, cơ quan này cũng khẳng định tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài tối đa tại STB là 30%. Hiện các NĐT nước ngoài đang nắm giữ 27,27% vốn điều lệ tại nhà băng này.
Đằng sau tỷ lệ nợ xấu dưới 1%
Trong báo cáo gần đây về cổ phiếu STB, SSI Research cho rằng Sacombank có chu kỳ tăng trưởng khác so với các ngân hàng khác bởi sự kiện sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam năm 2015. Năm 2023 có thể sẽ là năm cuối cùng trong kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng bằng việc trích lập đầy đủ dự phòng trái phiếu VAMC - một cột mốc lịch sử giúp ngân hàng bứt phá khỏi nhiều gánh nặng trong quá khứ.
Tuy nhiên, SSI Research lưu ý dù tỷ lệ nợ xấu cả năm 2022 ở mức dưới 1% nhưng nợ Nhóm 2, tăng từ 1,6 nghìn tỷ đồng lên 5,5 nghìn tỷ đồng (cao hơn 3,4 lần) trong quý 4/2022. Do đó, rủi ro nợ xấu tiềm ẩn có thể xảy ra khi khả năng trả nợ của khách hàng bị suy giảm (đặc biệt là đối với các chủ đầu tư bất động sản và người mua nhà).
Thậm chí, SSI Research còn bày tỏ lo ngại tỷ lệ hình thành nợ xấu sẽ tăng lên trong năm 2023 do sự gia tăng của nợ Nhóm 2 và rủi ro nợ xấu lây lan từ trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản.
Vào cuối tháng 3 vừa qua, Sacombank tổ chức đấu giá bán Khu công nghiệp Phong Phú lần thứ 5 với giá khởi điểm 7,9 nghìn tỷ đồng. Mặc dù ngân hàng chưa công bố kết quả đấu giá nhưng nhiều khả năng sẽ không có bất ngờ nào xảy ra do những biến động trong ngành bất động sản thời gian qua, trong đó có bất động sản khu công nghiệp.
Mặt khác, tâm điểm chú ý đang đổ dồn về 590 triệu cổ phần STB ở VAMC do có khả năng về một khoản thu nhập bất thường nếu số cổ phiếu này được chuyển giao. Số cổ phần này hiện đang được NHNN quản lý. Việc tìm kiếm bên mua tiềm năng (hoặc đối tác chiến lược - đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài) sẽ là một thách thức không nhỏ, cho dù những bất cập xung quanh tỷ lệ giới hạn sở hữu nước ngoài đã được giải quyết.