- Trong khi hàng loạt DN lớn đầu ngành không trả cổ tức hoặc chậm trễ hoặc trì hoãn thì không ít các công ty nhỏ có giá cổ phiếu ở mức bèo bọt lại trả cổ tức ở mức cao chót vót.


Cổ phiếu bèo, cổ tức khủng

Thông tin từ VSD cho biết, CTCP Meinfa (MEF) sắp chốt danh sách cổ đông đẻ trả cổ tức cổ tức năm 2015 bằng tiền tỷ lệ 40% tức 01 cổ phiếu của cổ đông hiện hữu được nhận 4.000 đồng.

Điều đáng nói, cổ phiếu này không có mấy tên tuổi và giá cổ phiếu ở mức thấp bèo bọt. Hiện tại, MEF đang đăng ký giao dịch trên UPCOM và có giá chỉ khoảng 1.000 đồng/cp, tức bằng 1/10 mệnh giá. Cổ phiếu này không được chú ý và có khá ít giao dịch cho dù đã lên UPCOM từ cuối 2011 và hàng năm trả cổ tức khá hấp dẫn, từ 30-40% (tức 3.000-4.000 đồng/cp). Lên sàn với giá giao dịch đầu tiên với 34.000 đồng/cp nhưng đến nay cổ phiếu MEF đã xuống dưới mệnh giá rất nhiều, còn 900 đồng/cổ phiếu và hầu như không có giao dịch.

Giả sử, một nhà đầu tư gom cổ phiếu này với gần 1.000 đồng trước thời điểm chốt để nhận cổ tức thì đã nhận được 4.000 đồng cổ tức cho mỗi cổ phiếu. Lợi nhuận lên đến 400%.

{keywords}
Nhiều doanh nghiệp không mấy tên tuổi trên TTCK trả cổ tức khủng.

Cổ phiếu L44 của CTCP Lilama 45.4 cũng từng gây sốc khi quyết định trả cổ tức 1.700 đồng/cp trong lúc giá chỉ có 7.200 đồng/cp. Hiện tại, cổ phiếu này thậm chí chỉ còn 3.600 đồng/cp với khối lượng giao dịch hàng ngày rất thấp.

Hồi năm 2013, TTCK cũng bất ngờ khi CTCP May Xuất khẩu Phan Thiết (PTG) trả cổ tức bằng tiền 1.000 đồng/cp trong khi thị giá chỉ có 4.200 đồng/cp sau khi đã trả đợt 1 một khoản tương tự.

Cũng trong năm 2013, cổ phiếu TVG của CTCP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Giao thông Vận tải (UPCOM) quyết định trả cổ tức 2.000 đồng/cp trong khi thị giá chỉ có 1.400 đồng/cp. Điều này có nghĩa, nếu NĐT nào mua được cổ phiếu ở mức giá này trước ngày chốt danh sách thì một thời gian ngắn sau đó thu về toàn bộ gốc và lãi thêm 50%.

Hay cổ phiếu KBE của CTCP Sách - Thiết bị Trường học Kiên Giang (UPCOM) cũng đã trả 2.000 đồng/cp khi thị giá là 6.500 đồng/cp.

Hiện tượng cổ phiếu giá bèo trả cổ tức khủng có thể xem là một nghịch lý và có thể chỉ có ở một số ít TTCK, trong đó có Việt Nam.

Trên thực tế, một cổ phiếu trả cổ tức 2.000 đồng phải có thu nhập trên mỗi cổ phiếu (earning) ở trên mức này, thậm chí gấp vài ba lần cổ tức. Với tỷ số giá/thu nhập (P/E) trung bình các ngành ở mức 10-20 lần thì giá cổ phiếu cũng tương ứng là 20.000-40.000 đồng/cp và sẽ cao rất nhiều nếu cổ tức chỉ chiếm một phần thu nhập của DN. Một số cổ phiếu trả cổ tức 40-50% có giá lên tới gần 100 ngàn đồng.

{keywords}
Không ít DN lớn chậm hoãn cổ tức.

Ông lớn chậm hoãn, không cổ tức

Trái ngược với cổ tức cao bất thường ở một số DN mà cố phiếu có giá bèo bọt, rất nhiều các doanh nghiệp lớn đầu ngành không trả cổ tức hoặc chậm trễ hoặc trì hoãn.

Trong ĐHCĐ vừa diễn ra, Tập đoàn Masan (MSN) cho biết công ty tiếp tục không trả cổ tức năm 2015. Đây là năm thứ 7 liên tiếp DN hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng nhanh này không chia cổ tức.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng vừa tổ chức ĐHCĐ và tiếp tục không chia cổ tức năm thứ 4 liên tiếp cho dù lãi trước thuế tăng gần 44% và lợi nhuận chưa phân phối đạt 2,8 ngàn tỷ đồng. Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2016 là hơn 3,5 ngàn tỷ đồng.

Hàng loạt các ông lớn khác gần đây cũng không chia cổ tức cho cổ đông như Eximbank, DongABank, Nhà Từ Liêm, Sông Đà 704… Nhiều DN lớn khác lặp lại điệp khúc chậm hoãn cổ tức trong một thời gian dài. Một số cắt xén cổ tức vào phút chót khiến nhiều cổ đông thất vọng…

Trước đó, TGĐ Eximbank cũng trần tình quyết định cổ tức 0% trong năm 2014 vì trước đó chia gần hết lợi nhuận cho cổ đông, nên nền tảng phát triển của Eximbank gần như không có.

Không ít cổ phiếu có giá khá cao nhưng trả cổ tức ở mức thấp như: PNJ giá 56.000 đồng/cp nhưng nhiều năm nay cổ tức chỉ khoảng 10%/năm; Masan nhiều năm không cổ tức nhưng giá vẫn khoảng 70.000 đồng/cp…

Có thể thấy, TTCK Việt Nam chứa đứng khá nhiều hiện tượng khó giải thích. Có những cổ phiếu có thị giá vài ngàn đồng nhưng chia cổ tức cao vọt, trong khi cổ phiếu có giá cao chót vót thì không chia cổ tức hoặc chậm hoãn.

Giải thích vấn đề này, ông Lê Quang Trí, giám đốc khối kinh doanh CTCK Trí Việt cho rằng, hiện tượng DN trả cổ tức cao nhưng thị giá thấp là do cổ phiếu có thanh khoản thấp, cổ đông không ai bán.

Theo ông Trí, vì thanh khoản thấp, mà DN trả cổ tức bằng tiền nhiều lần. Mỗi lần trả cổ tức, cổ phiếu lại giảm giá kỹ thuật. Nhưng vì cổ phiếu tốt không ai bán nên cứ mỗi lần như vậy giá cổ phiếu xuống tương ứng và không lên trở lại được. Ông Trí cho rằng, nếu thấp quá, DN có thể định giá lại cổ phiếu.

Một số NĐT cho rằng, nhiều DN lên sàn chỉ mang tính chất hình thức, không quan tâm tới giá cũng như huy động vốn. Cổ phiếu ít giao dịch bị chìm dần vào quên lãng và giá cổ phiếu xuống thấp trái ngược với tình hình hoạt động kinh doanh tốt.

Trong khi đó, nhiều DN lớn trên sàn làm ăn tốt nhưng không chia cổ tức vì nhiều mục đích khác nhau, trong đó có mục đích mở rộng phát triển quy mô, giảm thiểu vay vốn NH, tận dụng để phát triển trước khi phải đối mặt với sức cạnh tranh mạnh mẽ từ bên ngoài. Cũng có một số DN cố tình chậm hoãn hoặc không trả cổ tức vì những mục đích khác nhưng lý do chưa thuyết phuc với nhà đầu tư.

V. Hà