Ảnh minh họa. |
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2018 của VNG chỉ đạt 441 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 1.158 tỷ đồng của năm 2017.
Các khoản dự phòng tăng mạnh là nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận của VNG sụt giảm. Trong khi đó, doanh thu năm 2018 gần như không thay đổi so với năm trước, đạt 4,304 tỷ đồng.
Giá vốn hàng bán (bao gồm chi phí mua hàng, chi phí mua phần mềm ban đầu, phí triển khai và điều hành trò chơi, chi phí in ấn thẻ trò chơi...) là 1.964 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2017.
Công ty cổ phần VNG hoạt động chính trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến (thông qua các trang web và zalo), kinh doanh các trò chơi trực tuyến, và thương mại điện tử… với số lượng nhân viên lên đến 2.312 người, tính đến cuối năm 2018.
VNG góp vốn vào 13 công ty con, trong đó đáng chú ý là Công ty cổ phần Công nghệ EPI (đơn vị chủ quản của trang Báo Mới), Công ty TNHH VNG Online, Công ty TNHH Phát triển phần mềm VNG.
Trong năm 2018, các khoản lỗ trong công ty liên kết tăng mạnh lên đến 233,745 tỷ đồng (năm 2017 lỗ 122 tỷ đồng). Tính đến 31/12/2018, VNG đang đầu tư tài chính dài hạn 282 tỷ đồng vào các công ty liên kết và đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác. Trong đó đáng chú ý là các công ty liên kết: CTCP Tiki (28,88% cổ phần); All Best Asia Group Limited (50%), và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Truyền thông Thanh Sơn (49%).
Đầu năm 2017 VNG chính thức rót vốn vào Tiki với tỷ lệ nắm giữ là 28,88% vốn. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh tại Tiki đang thua lỗ, VNG không công bố chi tiết khoản lỗ lũy kế khi đầu tư vào Tiki, nhưng kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của VNG ghi nhận khoản lỗ 102 tỷ đồng khi đầu tư vào trang thương mại điện tử này.