Bên lãi to, bên lỗ đau
Nhìn vào thị trường bất động sản nửa đầu năm nay có thể thấy một loạt "đại gia" ghi nhận doanh thu, lợi nhuận tăng đột biến. Thậm chí, một số doanh nghiệp lợi nhuận tăng đột biến, gấp 7-12 lần so với cùng kỳ.
Cá biệt, một số doanh nghiệp kỳ năm ngoái vẫn lỗ đậm nhưng năm nay thì báo lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, màu hồng không phủ bóng toàn bộ bức tranh kinh doanh của nhóm ngành bất động sản. Sự phân hóa diễn ra tương đối mạnh mẽ khi không ít "đại gia" báo lãi tăng kinh ngạc, đột biến thì không ít doanh nghiệp vật vờ vì "hụt hơi". Một số doanh nghiệp năm ngoái vẫn còn lãi, năm nay bất ngờ báo lỗ đậm.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II năm nay, doanh thu Tổng Công ty 36 (mã chứng khoán: G36) giảm tới 72% so với cùng kỳ, đạt hơn 222 tỷ đồng.
Ở kỳ này, các loại chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và các chi phí khác đều giảm cộng thêm khoản doanh thu tài chính tăng gấp đôi nhưng vì ở lỗ công ty liên doanh, liên kết nên lợi nhuận sau thuế của Tổng Công ty 36 vẫn âm gần 15 tỷ đồng.
Cùng kỳ, doanh nghiệp này vẫn báo lãi hơn 8,5 tỷ đồng. Nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh được lãnh đạo doanh nghiệp lý giải là do chênh lệch số trích lập dự phòng đầu tư vào Công ty TNHH BOT 36.71 và Công ty TNHH BOT Quốc Lộ 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình.
Tính chung 6 tháng đầu năm, Tổng Công ty 36 có doanh thu 408 tỷ đồng, giảm gần 57% so với cùng kỳ, lỗ hơn 1,6 tỷ đồng.
Năm nay, doanh nghiệp này đặt kế hoạch tổng doanh thu là 1.936,96 tỷ đồng, giảm 17,03% so với năm ngoái và đặt mục tiêu lỗ khoảng 66 tỷ đồng. Đi được một nửa chặng đường, công ty mới thực hiện được 21% chỉ tiêu về doanh thu.
Tổng Công ty 36 được biết là doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chính như xây dựng hạ tầng, phát triển đầu tư bất động sản… Theo ban lãnh đạo công ty, nhiệm vụ năm nay hết sức nặng nề, một số đơn vị thiếu việc làm. Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, trên cơ sở xác định một số khó khăn, ban lãnh đạo đã đưa ra chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh như vậy.
Mục tiêu lớn, kết quả xa
Trong báo cáo tài chính hợp nhất đã được soát xét vừa công bố, doanh thu của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn (mã chứng khoán: SGR) trong nửa đầu năm chỉ đạt 30 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của Địa ốc Sài Gòn giảm mạnh từ 143 tỷ đồng trong năm ngoái xuống còn vỏn vẹn 888 triệu đồng năm nay. Doanh thu tài chính năm ngoái chủ yếu đến từ các khoản chuyển nhượng đầu tư.
Do vậy, dù giảm giá vốn, chi phí tài chính cùng các chi phí khác song lợi nhuận sau thuế của công ty này vẫn âm 4,3 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ vẫn lãi cả trăm tỷ đồng.
Năm nay, mục tiêu doanh thu của công ty là 1.050 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 261,98 tỷ đồng. Sau nửa hành trình, kết quả đạt được của công ty vẫn xa so với những gì đã hứa với cổ đông.
Theo ban lãnh đạo Địa ốc Sài Gòn, trong tình hình hiện nay, việc triển khai thủ tục pháp lý dự án hiện nay đang khá phức tạp, kể cả dự án liên quan tới Nhà nước hay dự án tự đền bù, giải phóng mặt bằng… gây ra nhiều khó khăn trong việc triển khai các dự án đúng tiến độ.
Tuy nhiên, công ty này vẫn cho rằng, cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản giai đoạn 2021 - 2025 sẽ rất lớn. Phân khúc nhà ở có giá vừa túi tiền sẽ giữ vai trò chủ đạo của thị trường bất động sản, là cơ hội để người có thu nhập trung bình, người nhập cư tạo lập được nhà ở.
Ngoài ra, công ty đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 800 tỷ đồng trong quý 4/2022 và lên 1.000 tỷ đồng trong năm 2024.
Doanh thu èo uột, âm lợi nhuận
Một cái tên khác xuất hiện trong danh sách các doanh nghiệp bất động sản thua lỗ là Công ty Cổ phần Đầu tư Nhà đất Việt (mã chứng khoán: PVL) cũng có kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa.
Trong nửa đầu năm nay, doanh thu bán hàng khá èo uột, chỉ vỏn vẹn 2,1 tỷ đồng, giảm khoảng 70% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế âm hơn 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là hơn 3 tỷ đồng.
Theo ban lãnh đạo công ty, lợi nhuận sau thuế tại báo cáo hợp nhất 6 tháng đầu năm được kiểm toán đã lỗ ít hơn cùng kỳ khoảng 2 tỷ đồng, chủ yếu do cùng kỳ năm nay, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tăng, doanh thu tài chính cũng tăng.
(Theo Dân Trí)
Đầu tư farmstay: Cuộc chơi của 'đại gia' tiền tỷ
Làn sóng bỏ phố về rừng làm farmstay đã tăng đột biến kể từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Đây được ví như cuộc chơi của những “đại gia” tiền tỷ khi chi phí đầu tư đất, xây nhà và tạo lập cảnh quan không hề nhỏ.