{keywords}

Đến năm 1969, tuổi Bác Hồ càng cao, sức càng yếu, nhưng Bác vẫn không quên nghĩ đến đồng bào, đến bộ đội. Đúng ngày mùng 1 tết Kỷ Dậu - 1969, Bác đến thăm và chúc Tết Quân chủng Phòng không – Không quân. 

Đại tá Nguyễn Xuân Mai, nguyên Tổng biên tập báo Phòng không – Không quân cho biết, điều kiện lịch sử lúc đó hết sức đặc biệt, theo thỏa thuận tại hội nghị Paris, Mỹ ngừng đánh phá miền Bắc, lúc đó Bác tuổi đã cao, sức đã yếu. Theo thông lệ hằng năm, Bác đều đi chúc Tết và thăm bộ đội, thăm đồng bào. Các cán bộ ở văn phòng có khuyên, năm nay Bác mệt, Bác nên nghỉ. Nhưng Bác nhất định muốn đi thăm, chúc tết chiến sĩ, đồng bào, nên văn phòng đã bố trí Bác đến gặp một đơn vị phòng không, không quân.

{keywords}

Đêm 30 tết, Quân chủng Phòng không - Không quân được báo về chuyến thăm của Bác, và được yêu cầu triệu tập đại biểu cán bộ, chiến sĩ đón Bác càng đông càng tốt, nhất là đại biểu các anh hùng, chiến sĩ thi đua, kể cả bộ phận anh nuôi, y tá, bác sĩ, các đơn vị đảm bảo chiến đấu như thông tin, lái xe, thợ máy…

 “Khi đó Chính ủy quân chủng là đồng chí Đặng Tính rất phấn khởi và ông đề xuất tổ chức ngay trong hội trường Quân chủng Phòng không - Không quân cho ấm cúng và vui vẻ. Quân chủng sẽ mời đại diện tất cả các binh chủng, các đơn vị về để Bác gặp mặt. Như vậy cuộc gặp của Bác Hồ lần này được báo trước, do đó Quân chủng cũng đã có chuẩn bị”, Đại tá Mai kể lại.

Thời điểm đó ông Mai là Trưởng Ban biên tập báo Phòng không, quản lý, điều hành lực lượng phóng viên của tờ báo. “Nhận được tin từ cấp trên, tôi phân công đồng chí Xuân Át là nhiếp ảnh chính, đồng chí Minh Huệ vừa nhiếp ảnh vừa quay phim, đồng chí Việt Hiển cùng với tôi ghi âm. Như vậy chúng tôi có hai người ghi âm và hai người vừa quay phim vừa chụp ảnh. Tôi với đồng chí Việt Hiển thống nhất với nhau: Ghi âm chủ yếu là ghi lời nói của Bác Hồ. Bác Hồ nói câu gì, ta cố gắng ghi được câu ấy”. 

6 giờ sáng mùng 1 Tết bộ đội đã tập hợp đầy đủ gồm đại diện các binh chủng pháo cao xạ, tên lửa, không quân, ra đa, các đơn vị trực thuộc, các đơn vị thông tin, cơ quan hậu cần, kỹ thuật, chính trị trong quân chủng đều có mặt đầy đủ. Hôm đó khoảng hơn 400 người đón Bác, ngồi chật hội trường còn phải kê thêm ghế.

Khoảng 7 giờ sáng thì Bác đến. Phó Chính ủy quân chủng Nguyễn Xuân Mậu ra tận cửa đón Bác. Bác tiến vào hội trường khi mọi người đã nghiêm ngắn đứng chờ, đồng loạt vỗ tay chào Bác.

{keywords}

Khi mọi người đã yên lặng, Bác nói: “Hôm nay, Bác, đồng chí Nguyễn Lương Bằng và đồng chí Văn Tiến Dũng thay mặt Đảng và Chính phủ đến chúc các cô, các chủ năm mới tiến bộ mới, thắng lợi mới!”. Dứt lời Bác, cả hội trường vỗ tay dài không ngớt.

Rồi Bác nói tiếp: “Ở đây chú nào hạ được nhiều máy bay Mỹ nhất”. Không ai dám nói, Chính ủy quân chủng Đặng Tính vội báo cáo: “Thưa Bác, có đồng chí Nguyễn Văn Cốc là người bắn rơi nhiều máy bay Mỹ nhất, tới 9 chiếc!”.

Bác quay xuống hội trường gọi: “Chú Cốc lên đây, Bác bắt tay”. Bác bắt tay xong, thấy phi công Nguyễn Văn Cốc đeo 9 chiếc huy hiệu của Bác (tức là một lần bắn rơi một máy bay thì được Bác thưởng một huy hiệu), rồi Bác cười nói vui “mong năm nay có nhiều ‘Cốc’ hơn nữa”.

Rồi Bác mời đại diện một chiến sĩ nữ lên Bác bắt tay. Bà Vũ Thị Huệ - chiến sĩ thông tin trung đoàn 26 khi đó vinh dự lên gặp Bác. Trong chỉ huy sở, bà là chiến sĩ thi đua hai năm liền.

Bác thấy nữ chiến sĩ Vũ Thị Huệ trên ngực đeo hai huy hiệu chiến sĩ thi đua, Bác vừa bắt tay, vừa ân cần hỏi: “Cháu là chiến sĩ thi đua bao nhiêu năm rồi?”. Nữ chiến sĩ báo cáo: “Thưa Bác, cháu là chiến sĩ thi đua hai năm rồi ạ!”.

Bác bày tỏ mong muốn chiến sĩ Huệ năm nay phải cố gắng để lại thành chiến sĩ thi đua nữa. Bắt tay chiến sĩ Vũ Thị Huệ xong, Bác gọi hết đại diện các đơn vị lên gặp Bác từ anh nuôi, chị nuôi đến y tá, bác sĩ.

Đại tá Nguyễn Xuân Mai cho biết, những lời căn dặn của Bác khi đó ông đều ghi âm đầy đủ, về còn ghi chép lại cẩn thận để báo cáo lãnh đạo. 

“Bác dặn các cô, các chú mấy điều. Một là các cô, các chú phải luôn luôn đoàn kết chặt chẽ và lao động tốt. Hai, phải luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu... Ba là các cô, các chủ đóng quân ở đâu, phải giúp đỡ đồng bào làm công tác phòng không cho tốt, nhắc nhở mọi người không được lơ là cảnh giác. Bốn là các cô, các chú phải chịu khó rèn luyện, học tập cho tốt về mọi mặt”, Đại tá Nguyễn Xuân Mai ghi lại.

{keywords}

Nhân dịp Bác đến thăm, Quân chủng báo cáo với Bác Hồ về những món quà đầu năm để biếu Bác, gồm một chiếc dù trong máy bay không người lái tầng cao BQM 34A của Mỹ, đã bị Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257 bắn rơi tại chỗ ngày 9/1/1969, tại Hưng Yên, khi nó đang bay ở độ cao 16 km. Món quà thứ hai là một con lợn nặng 270kg của Tiểu đoàn 85, Trung đoàn tên lửa 238 đã nuôi được trong hoàn cảnh chiến đấu cơ động trên chiến trường Quân khu 4, dù chiến đấu ác liệt nhưng đơn vị vẫn chăn nuôi giỏi... 

Bác Hồ cùng các chiến sĩ ra hành lang hội trường xem con lợn nặng 270kg được đặt trong cũi. Bác bắt tay khen ngợi, rồi quay vào hội trường cảm ơn đơn vị. Nhưng khi đó Bác nói rằng lấy lợn về thì không biết làm gì nên Bác đề nghị đơn vị có lợn bán cho đơn vị ở ngoài này rồi lấy số tiền đó mang về tăng gia sản xuất nữa. Hội trường vang lên tiếng vỗ tay hưởng ứng. Còn đơn vị nào biếu Bác chiếc dù, Bác cũng không biết mang dù về để làm gì cả nên Bác giao cho đơn vị phòng không - không quân đưa vào nhà truyền thống để tuyên truyền, giáo dục.

Chia tay với cán bộ, chiến sĩ phòng không - không quân, Bác bắt tay hết lượt đại biểu các binh chủng, các sư đoàn, các cơ quan, đơn vị ngồi ở hàng ghế đầu. Hội trường vang lên những tiếng vỗ tay kéo dài và tiếng hô to: "Kính chúc Bác Hồ mạnh khỏe, sống lâu! Kính chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội mạnh khỏe!". "Hồ Chủ tịch muôn năm!". Lúc này, đã 9h30 phút ngày mồng 1 Tết Kỷ Dậu.

Sau đó, Bác lên xã Vật Lại, huyện Ba Vì trồng cây đa lưu niệm và gặp gỡ nói chuyện với cán bộ, xã viên hợp tác xã nông nghiệp ở đó.

Không ai có thể ngờ đây là lần cuối cùng Bác đến thăm quân chủng Phòng không – Không quân. 

Được vinh dự nhiều lần tác nghiệp về Bác, nguyên Tổng biên tập báo Phòng không – Không quân, Đại tá Nguyễn Xuân Mai cho biết, trong những lần đến thăm Bác đều căn dặn bộ đội phòng không về tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, không được chủ quan, phải chú trọng rèn luyện, nâng cao trình độ, chiến thuật để đánh giỏi, bắn giỏi, đánh thắng hơn nữa, “bắn trúng loạt đầu, bắn rơi tại chỗ, đánh tiết kiệm đạn”. Chính vì thế, thời đó bộ đội Phòng không – Không quân có phong trào thi đua “bắn rơi tại chỗ, đánh tiết kiệm đạn, bắn hiệu suất cao”.

{keywords}

Ngay trong phòng làm việc của Bác có một máy điện thoại mắc riêng về sở chỉ huy Phòng không – Không quân. Bất cứ lúc nào Bác có thể cầm máy gọi, nghe báo cáo thẳng mà không cần qua thư ký.

Cũng trong lần cuối cùng được gặp Bác Hồ, ông Nguyễn Xuân Mai đã được chụp ảnh cùng với Bác. Bức ảnh đen trắng đó được ông in to, cẩn thận đóng khung và treo ở vị trí trang trọng giữa nhà.

Kỷ vật gắn bó với những câu chuyện về Bác Hồ theo nhà báo Nguyễn Xuân Mai suốt mấy chục năm,đó là chiếc máy ghi âm và ống kính máy ảnh. Ông cho biết, chiếc Micro ghi âm Reporter-5 với 6 quả pin nhỏ nhưng khá nặng, do Liên Xô viện trợ, được cơ quan bàn giao, ông bắt đầu sử dụng từ những năm 1967. Đặc biệt trong lần cuối Bác về thăm Quân chủng Phòng không – Không quân, ông đã đứng sát bên Bác để ghi âm toàn bộ cuộc gặp hôm đó. Không chỉ vậy chiếc máy này còn ghi âm nhiều sự kiện lịch sử khác.

Với chiếc máy ảnh Exakta cỡ 24.36 do Đức sản xuất, cũng đã theo Đại tá Mai suốt nhiều năm liền, chụp được nhiều bức ảnh lịch sử. Kết thúc chiến tranh, chiếc máy ảnh hỏng và được lệnh phải hủy, nhưng ông tiếc nên đã tháo giữ ống kính, tuy không lắp vừa các loại máy ảnh ngày nay nhưng ông vẫn giữ làm kỷ niệm. Hiện tại hai kỷ vật này đã được ông hiến tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tuy đã về hưu nhiều năm nay nhưng người lính năm xưa vẫn bận rộn với bài vở, những trang chính luận, những bài viết lịch sử trên các báo lớn nhỏ. Ông còn mới làm bạn với “món facebook” nơi ông chia sẻ những bức ảnh ông từng chụp hay những bài viết thời ông còn lăn lộn chiến trường để tác nghiệp.

{keywords}

Trần Thường ghi theo lời kể của Đại tá Nguyễn Xuân Mai, nguyên Tổng biên tập Báo Phòng không.

Thiết kế: Nguyễn Ngọc

Bài viết có tham khảo cuốn Những kỷ niệm về Bác Hồ với bộ đội Phòng không – Không quân của Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, Chính ủy Bí thư Đảng ủy Quân chủng Phòng không.