Thẳng thắn khi nói về tài chính là điều quan trọng đối với các đôi mới cưới. Ảnh: Rodnae/Pexels. |
Trong một nghiên cứu về “Cặp đôi và tiền bạc”, Fidelity đã hỏi các vợ chồng thành công lời khuyên tài chính cho những đôi mới cưới.
“Đừng để những bất đồng chi tiêu hoặc thái độ khác nhau về tiền bạc làm mất đi niềm hạnh phúc khi mới cưới của bạn”, Ann Dowd, phó chủ tịch của Fidelity, bày tỏ.
Theo đó, ngoài việc thực hiện các động thái kiếm tiền thông minh, điều quan trọng là thiết liên kết lành mạnh và ý thức đồng sở hữu tài chính tương lai giữa bạn và đối tác.
Dưới đây là những mẹo tài chính mà các cặp đôi mới cưới có thể áp dụng để có cuộc hôn nhân tốt đẹp hơn.
Thảo luận về lịch sử tài chính gia đình
Nói về tài chính gia đình là một trong những lời khuyên quan trọng nhất dành cho cặp vợ chồng mới cưới. Đó cũng là cách tuyệt vời để mở ra cuộc trò chuyện về tiền bạc trong hôn nhân của bạn.
Tiết lộ cách cha mẹ mình quản lý tiền bạc, và bạn học được gì từ họ về cách tiết kiệm hoặc chi tiêu có thể là thông tin hữu ích cho người bạn đời hiện tại.
Điều này cũng có thể giúp bạn biết liệu mình có phải chịu những bất an về tài chính hay có vấn đề tiền bạc nào cần phải vượt qua khi hai người về chung nhà không. Bằng cách này, cả hai có thể cùng nhau giải quyết chúng và hướng tới thành công về trong tương lai.
Đặt mục tiêu
Hãy dành thời gian suy nghĩ về tương lai của cả hai và đặt ra một số mục tiêu tài chính chung, bao gồm kế hoạch mua nhà, tiết kiệm cho các chuyến du lịch hay lên kế hoạch nghỉ hưu.
Tiếp đó là tạo thói quen tiết kiệm có kỷ luật. Để nghỉ hưu, bạn nên đặt mục tiêu tiết kiệm 15% thu nhập của mình. Cân nhắc thiết lập các khoản tiết kiệm tự động từ lương, chuyển khoản định kỳ từ tài khoản ngân hàng sang khoản tiết kiệm hưu trí.
Hai vợ chồng cũng cần cân nhắc có các mục đầu tư. Hãy yên tâm rằng việc đưa ra một chiến lược phân bổ tài sản nhất quán không phải là một việc khó khăn.
Hãy chắc chắn bạn và vợ/chồng của mình có kế hoạch tài chính rõ ràng. Ảnh: leeloo_thefirst. |
Nếu bạn đang xây dựng một danh mục đầu tư ban đầu, có thể triển khai bằng cách củng cố kiến thức cơ bản.
Đối với các mục tiêu ngắn hạn, trong vòng chưa đầy 2 năm, bạn có thể muốn khoản đầu tư tương đối ổn định. Với các mục tiêu dài hạn hơn, như tiết kiệm để nghỉ hưu hoặc học đại học cho con, bạn và vợ/chồng có thể cân nhắc kết hợp giữa cổ phiếu, trái phiếu và các khoản đầu tư ngắn hạn dựa trên mức độ chấp nhận rủi ro, tình hình tài chính cá nhân.
Chi tiêu có tổ chức
Để kế hoạch tài chính hàng ngày của bạn diễn ra trôi chảy, bạn nên sắp xếp chi tiêu có tổ chức.
Khi kế hoạch tài chính của bạn đã ổn định, hãy cố gắng duy trì tình trạng đó.
Thường xuyên xem xét dòng tiền của gia đình và đảm bảo rằng hai người đang tuân thủ mục tiêu ngân sách, luôn cập nhật bất kỳ mục nào khác xuất hiện trong danh sách việc cần làm có tác động đến tài chính của bạn.
Không giấu các khoản nợ
Một lời khuyên đúng cho mọi khía cạnh trong mối quan hệ hôn nhân của bạn là: hãy trung thực với người bạn đời của mình.
Điều này đặc biệt đúng khi nói về tiền bạc. Bạn sẽ không muốn phóng đại thu nhập của mình, cũng như nói dối về số nợ mà bạn có.
Giấu giếm các khoản nợ cá nhân trước khi kết hôn có thể gây căng thẳng trong mối quan hệ của bạn. Ảnh: Mikhail Nilov/Pexels. |
Nhiều người cảm thấy xấu hổ khi mắc nợ, nhưng sự thật là phần lớn chúng ta đều mắc nợ vào một thời điểm nào đó trong đời. Đây có thể là khoản vay sinh viên, nợ thẻ tín dụng, thế chấp hoặc khoản vay mua ôtô. Dù thế nào, hãy cho đối tác biết về mọi khoản nợ nếu có trước khi kết hôn.
Bảo đảm các danh mục quan trọng
Khi kết hôn, các cặp vợ chồng cần cập nhật tình hình tài chính, và trong một số trường hợp cần mua thêm bảo hiểm.
Dưới đây là một số danh mục bạn cần quan tâm:
Bảo hiểm y tế: Nên kiểm tra xem vợ chồng bạn có thể tiết kiệm bằng cách mua bảo hiểm theo cùng một chương trình hay không, chẳng hạn bảo hiểm y tế có ưu đãi cho người thân của công ty.
Bảo hiểm nhân thọ: Chủ lao động của bạn có thể cung cấp một số tiền cho bảo hiểm nhân thọ nhất định, song nhiều người thấy họ cần phải tự mua bảo hiểm bổ sung.
Bảo hiểm tai nạn lao động: Nó thường bao gồm một phần tiền lương của bạn nếu bạn mất khả năng lao động trước khi nghỉ hưu. Chủ lao động có thể cung cấp bảo hiểm cho bạn, nhưng hãy đảm bảo rằng nó đủ đáp ứng các chi phí của mình. Nếu không, hãy xem xét việc mua bảo hiểm bổ sung của riêng bạn.
Theo Zing