Ngày 10/8, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Lê Thanh Thản (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Bemes, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh) ra xét xử về tội lừa dối khách hàng.
Tuy nhiên, sau phần thẩm vấn ông Lê Thanh Thản và hỏi ý kiến của một số người bị hại, HĐXX đã hội ý. Xét thấy còn một số vấn đề không thể làm rõ được tại tòa, HĐXX quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.
Đối với những khách hàng chưa được xác định là người bị hại trong vụ án, HĐXX đề nghị liên hệ với Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Hà Nội để được đảm bảo quyền lợi.
Ngay sau khi HĐXX tuyên bố trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án, nhiều người bị hại đã phản đối. Có người nói to: “Không được đâu tòa”. Khi phiên tòa đã kết thúc, rất nhiều người dân còn nán lại phòng xử án, bày tỏ bức xúc.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, ông Lê Thanh Thản trình bày: Ban đầu dự án gồm 3 block, trong đó block ở giữa là khách sạn và văn phòng cho thuê.
Công ty lúc đó nghĩ khách sạn và văn phòng cho thuê không thể làm ở đó được nên sau đó đã đề nghị chuyển công năng block này sang thành căn hộ.
Khi được đồng ý của cơ quan chức năng, công ty bắt tay vào xây dựng ngay, nhưng lại không tiến hành làm các thủ tục tiếp theo, dẫn đến sai phạm. Ông Thản khẳng định: “Không sai quy hoạch mà sai công năng”.
Vẫn theo lời khai của Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, UBND TP Hà Nội đã đồng ý cho phép điều chỉnh chi tiết quy hoạch nhưng công ty không tiếp tục theo đuổi vì khi đó công trình xong rồi, nghĩ thế là xong.
Công ty ký các hợp đồng chuyển nhượng căn hộ từ lúc xong móng. Quá trình chuyển nhượng căn hộ cho khách hàng, công ty khẳng định đã làm đủ hết thủ tục.
Trả lời thẩm vấn về 520 căn hộ cao tầng và thấp tầng không được cấp sổ đỏ và giấy chứng nhận quyền sử dụng, ông Lê Thanh Thản trình bày: Chủ đầu tư tiếp tục cố gắng giải quyết và đề nghị quý tòa và UBND TP Hà Nội chấp thuận cấp sổ đỏ cho dân. “Đó là mong muốn duy nhất của chủ đầu tư”, lời ông Thản.
Được hỏi về số tiền thu lợi bất chính mà cáo trạng xác định là hơn 481 tỷ đồng, bị cáo Lê Thanh Thản khai, xác định số tiền đó là tiền thu lợi bất chính thì chưa hợp lý. Bởi công ty đã nộp 200 tỷ tiền thuế đất, tiền mua lại dự án, vật liệu xây dựng... “Về phía công ty, đề nghị quý tòa xem xét chỗ này”, trình bày của ông Thản.
Vị thẩm phán đặt câu hỏi với bị cáo Thản: Công ty và bị cáo có phương án gì giải quyết hậu quả vụ án này không?
Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh trình bày: Đề nghị UBND TP Hà Nội cho phép để lại các căn hộ để sử dụng tiếp và công ty sẽ làm các thủ tục tiếp theo.
Trước phần trình bày của bị cáo Thản, HĐXX cho hay: Vì tòa nhà xây dựng sai quy hoạch của UBND TP Hà Nội nên khả năng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là khó thực hiện.
Thẩm phán Lưu Ngọc Cảnh tiếp tục hỏi ông Thản: Ngoài ra bị cáo còn phương án nào không?
Ông Lê Thanh Thản đáp: Công ty đưa ra các phương án nhưng chưa được chọn phương án nào. Thứ nhất, nếu không được cấp sổ đỏ cho dự án CT6 Kiến Hưng thì có thể chuyển các hộ dân sang khu Thanh Hà (Thanh Oai, Hà Nội). Còn căn hộ để lại để công ty làm văn phòng hoặc khách sạn như ban đầu.
Thứ hai, phía công ty sẽ thỏa thuận với dân một cách hợp tình hợp lý nhất. Công ty sẵn sàng mua lại căn hộ của khách hàng.
Theo lời khai của ông Thản, đến nay mới có 13 hộ dân đã thỏa thuận xong với chủ đầu tư trong việc giải quyết hậu quả vụ án. Theo đó, những hộ dân này nhận lại tiền như giá chủ đầu tư đã bán theo hợp đồng và trả lại nhà.