Việc Tập Cận Bình suy nghĩ thế nào về lợi ích dài hạn của Trung Quốc, cũng như việc ông có thể định hình ra sao cái mà các thành viên Bộ Chính trị quyết định sẽ trở thành một chính sách quốc gia vẫn là điều bí mật.

Lãnh đạo mới của đảng Cộng Sản Trung Quốc đã chính thức nhận công tác, nhưng cho tới nay, họ vẫn chưa đưa ra chính sách mới cụ thể nào. Tuy nhiên nếu những người nắm giữ các cương vị cao nhất này - đứng đầu là Tổng Bí thư Tập Cận Bình - muốn giải quyết một loạt các vấn đề gai góc ở cả trong và ngoài nước, họ sẽ phải hành động khẩn trương để ngăn chặn tình hình vốn đã rất xấu trở nên nguy cấp hơn, làm trầm trọng thêm những rắc rối mà các vị tiền nhiệm để lại dang dở chưa giải quyết xong.

Và không vấn đề nào cấp bách hơn các vấn đề đối ngoại, tại đó hành động của Trung Quốc thường xuyên thiếu thiếu nhất quán, đối lập nhau và tất cả đều quá nguy hiểm đối với chính bản thân họ và khu vực. Lý do có nhiều, nhưng có thể kể đến là việc thiếu một chiến lược tổng thể để đạt được các mục tiêu quá rộng mà lại không được xác định cụ thể và một hệ thống điều hành quá không phù hợp cho việc đưa ra các quyết sách thống nhất.

Những mối hoài nghi đã ăn sâu bám dễ về dụng ý của các nước khác cũng góp phần làm rắc rối thêm vấn đề, bởi di sản lịch sử của Trung Quốc khiến các quan chức  Bắc Kinh tin rằng họ là nạn nhân của các âm mưu nước ngoài. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh hiện nay khi sự "xoay trục chiến lược" hay "tái cân bằng lực lượng" của chính quyền Obama đánh đúng vào cảm giác mất an ninh của Trung Quốc; nhiều người Trung Quốc cho rằng Mỹ đang cố "kiềm chế" họ. Trên thực tế, mục tiêu của Mỹ phức tạp và đa sắc thái hơn thế nhiều, nhưng niềm tin đó khiến cho việc lựa chọn các chính sách phù hợp trở nên khó khăn với Bắc Kinh hơn bình thường.

Tương lai các mối quan hệ sẽ phụ thuộc rất lớn vào ý chí chính trị của Tập Cận Bình và sức mạnh chính phủ của ông, điều vẫn chưa ai biết rõ. Tháng 3, vị tổng bí thư này cũng sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch nước và Lý Khắc Cường sẽ trở thành Thủ tướng. Mọi chuyện sẽ phụ thuộc nhiều vào cách 2 ông và 5 thành viên Thường trực Bộ Chính trị phân chia phụ trách các mảng đối ngoại ra sao, và việc các bộ trưởng được họ lựa chọn như thế nào. Mặc dù vậy, rất có thể, Tập Cận Bình - người có nhiều kinh nghiệm đối ngoại - sẽ phụ trách các vấn đề ngoại giao cho dù ai sẽ trở thành Bộ trưởng Ngoại giao.

Tranh chấp biển đảo

Trong suốt nhiều năm, mục tiêu chính sách quan trọng hàng đầu của Trung Quốc là ổn định trong nước và hòa bình khu vực; đây là những điều kiện thiết yếu cho phát triển kinh tế và tránh bất ổn bên trong. Tuy nhiên, Trung Quốc đã trượt dài theo hướng đối đầu bạo lực và nguy hiểm với Nhật Bản và các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Philippine và Việt Nam, về chủ quyền biển đảo xung quanh Trung Quốc. Khuynh hướng này dường như bị chi phối nhiều bởi tính ngạo mạn dân tộc hơn là những chiến lược có toan tính, và nuôi dưỡng thứ chủ nghĩa dân tộc ở những quốc gia liên quan khác vốn rất dễ vượt ra ngoài tầm kiểm soát bất cứ lúc nào. Nếu điều đó xảy ra, mục tiêu hòa bình và ổn định dài hạn của Trung Quốc sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Hãy xem xét trường hợp các nhóm đảo nhỏ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, thường được nhắc đến là Senkaku/Điếu Ngư. Phần lớn không được coi trọng trong lịch sử, nhưng ngày nay, cả 2 nước đều đang lớn tiếng khẳng định chủ quyền đối với vùng biển cũng như các ngư trường và trữ lượng dầu khí tiềm năng dưới đáy biển. Nhật Bản kiểm soát các đảo này từ sau đại chiến thế giới thứ 2, mặc dù khẳng định trung lập trong vấn đề chủ quyền, vẫn nhấn mạnh các đảo này sẽ tiếp tục sẽ nằm trong phạm vi điều chỉnh của hiệp ước phòng thủ Mỹ-Nhật cho tới khi hai bên thống nhất về vấn đề sở hữu. Tuy nhiên, trên lý thuyết, dù rất khó nhưng nó hoàn toàn có thể dẫn tới khả năng Mỹ tấn công các tàu chiến Trung Quốc nếu Bắc Kinh cố tình đánh chiếm các đảo này bằng vũ lực - một tình huống nguy hiểm đến mức Washington cũng không muốn nghĩ tới.

Tình hình hiện nay đang tiến triển theo hướng dẫn đến bạo lực. Bắc Kinh đã liên tục cử đội tàu tuần tra tới gần các đảo, nơi họ thỉnh thoảng xô xát với tàu của Nhật bản. Khi máy bay Trung Quốc bay quanh các đảo trong thời gian gần đây, Tokyo đã điều 8 máy bay chiến đấu ra ứng phó. Vị thủ tướng diều hâu mới đắc cử của Nhật Bản, Shinzo Abe, đã cam kết đáp trả mạnh mẽ hơn đối với bất kỳ hành động khiêu khích nào của Trung Quốc và cho biết có thể cắt đặt một số quan chức chính phủ tới các đảo không người ở này để khẳng định chủ quyền của Tokyo; chính phủ Trung Quốc trong khi đó hứa sẽ không để điều đó xảy ra. Rộng hơn, ông Abe còn muốn sửa hiến pháp Nhật Bản để cho phép xây dực một lực lượng quân sự quyết đoán hơn. Đây là điều Trung Quốc luôn lên tiếng phản đối. Tất cả đang diễn ra trong khi tinh thần yêu nước đang sôi sục ở cả 2 nước - một phần do các nhà lãnh đạo muốn huy động sự ủng hộ của quần chúng - đã khiến cho cả 2 bên càng khó đạt được thỏa hiệp.

Từ khi đắc cử, ông Abe không hề tỏ ra muốn xoa dịu tranh cãi. Ông khẳng định, các đảo này là "lãnh thổ vốn có của Nhật Bản. Không có chỗ phải đàm phán về điểm này".

Nếu tuyên bố chủ quyền của bắc Kinh đối với Điếu Ngư/Senkaku gây tranh cãi, thì các yêu sách tương tự của họ đối với phần lớn Biển Đông và các đảo, bãi đá cách rất ra bờ biển Trung Quốc, cũng là điều hết sức vô lý theo các luật lệ quốc tế được chấp nhận phổ biến (duy chỉ có Trung Quốc là không nghĩ như vậy). Thế nhưng, tham vọng kiểm soát các ngư trường, tài nguyên dầu khí đã thúc đẩy chiến thuật dân tộc chủ nghĩa, ỷ mạnh hiếp yếu của Bắc Kinh đối với các nước nhỏ hơn. Tàu Trung Quốc không ít lần đối đầu trực tiếp với các tàu của Manila ngay gần các đảo liền kề đất liền Philippine, trong khi một số tàu khác liên tục cắt cáp tàu thăm dò dầu khí ngay cạnh các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tỉnh Hải Nam còn khẳng định tàu cảnh sát biển của tỉnh có quyền đổ bộ lên bất cứ tàu nước ngoài nào đi vào vùng biển tranh chấp. Điều này càng làm gia tăng tính chất nguy hiểm của vấn đề.

Các bên liên quan đều cho biết muốn đàm phán giải quyết, mặc dù không bên nào rút lui khỏi quan điểm cứng rắn. Tuy nhiên, Trung Quốc muốn đàm phán riêng với từng nước láng giềng nhỏ hơn, với hy vọng có thể lấn án họ trong các cuộc đàm phán tay đôi, trong khi các quốc gia Đông Nam Á muốn đàm phán tập thể để gia tăng sức nặng. Mỹ ủng hộ các tiếp cận đa phương đó, tuy nhiên Trung Quốc cáo buộc đấy là sự can thiệp vô cớ vào công việc nội bộ của nước này. Hiện tại, Washington đang cố gắng hướng các bên liên quan đến soạn thảo một bộ quy tắc ứng xử cho các đảo này; mục tiêu là thiết lập ra các quy định hoạt động hòa bình tại khu vực xung quanh trong khi tạm gác vô thời hạn vấn đề sở hữu. Cho tới nay, Trung Quốc vẫn tiếp thu, nhưng không nghe theo.

Thay vào đó, Trung Quốc đang cố gắng dùng áp lực kinh tế để mở đường cho mình. Khi Manila phản đối yêu sách của Bắc Kinh đối với các bãi ngầm gần Philippine, Trung Quốc - một quốc gia đầy những thực phẩm có chứa dư lượng thuốc trừ sâu quá mức cho phép - bất ngờ phát hiện chuối nhập khẩu của Philippine không đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe của Trung Quốc. Tuyên bố xảo quyệt của Trung Quốc đã làm mất đi một thị trường xuất khẩu quan trọng đối với Manila.

Sử dụng các công cụ quân sự là điều Trung Quốc đã từng thử làm trước đây. Theo chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc Taylor Fravel của ĐH MIT, Trung Quốc tham gia vào 23 tranh chấp biên giới kể từ năm 1949 và đã sử dụng vũ lực 6 lần - luôn để chống lại các đối thủ tương đối mạnh như Ấn Độ, Việt Nam và Liên Xô. Chỉ riêng quy mô sức mạnh quân sự đã đủ cho phép Trung Quốc có thể đe dọa, ép đối thủ nhỏ hơn phải thỏa hiệp mà không cần dùng tới vũ lực.

Tất cả những điều này mâu thuẫn với khẳng định muốn một khu vực châu Á hòa bình của Bắc Kinh phục vụ phát triển thương mại và mậu dịch, và có thể mang đến những hậu quả mà Trung Quốc lo ngại nhất, như một Nhật Bản mạnh về quân sự. Đơn cử, Bộ trưởng Ngoại giao Philippine Albert del Rosario, mới đây vừa phát biểu trên tờ Financial Times nước ông rất "hoan nghênh" Nhật mở rộng lực lượng vũ trang bởi "chúng tôi đang tìm kiếm tác nhân tạo đối trọng trong khu vực và Nhật Bản có thể là một nhân tố đối trọng quan trọng". Đây là phát ngôn khá bất ngờ từ quan chức của một quốc gia từng bị áp bức nghiêm trọng dười thời đô hộ của Nhật Bản những năm 1940, nhưng nó phản ánh mối quan ngại đối với Trung Quốc đang lan khắp khu vực. Nó cũng giải thích tại sao Philippine và Singapore, cùng nhiều quốc gia khác, lại cho phép máy bay và tàu chiến Mỹ định kỳ ghé thăm cảng của họ.

Các chuyến thăm này là một phần trong nỗ lực "tái cân bằng chiến lược" của Washington về phía châu Á sau nhiều năm sa lầy tại Iraq và Afghanistan. Mặc dù các quan chức không muốn bày tỏ công khai, nhưng mục tiêu của chiến lược này thực tế là nhằm kiềm chế khả năng triển khai sức mạnh của Trung Quốc và qua đó trấn an các nước bạn bè của Mỹ trong khu vực. Nhưng Washington cũng rất cố gắng thuyết phục Bắc Kinh về ý muốn tham gia vào khu vực và rằng cả hai nước cần một khu vực Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng, nên hợp tác với nhau để duy trì khu vực theo con đường đó. Do vậy, xung đột tại các đảo tranh chấp không nằm trong kế hoạch trên, và Trung Quốc cũng không nên làm những điều có thể kích động các nước khác củng cố mạnh mẽ lực lượng quân sự- cụ thể, trong trường hợp Nhật Bản, có thể một ngày nào đó sẽ lựa chọn theo đuổi một lực lượng vũ trang có hạt nhân.

Thực tế, theo tác giả, quan điểm của Mỹ là thay vì giam hãm Trung Quốc, Mỹ đang cố gắng kéo Trung Quốc ra. Washington muốn Trung Quốc hành động giống như một thành viên đầy đủ theo cách có trách nhiệm, hưởng những lợi ích của thương mại và hệ thống chính trị toàn cầu đồng thời chia sẻ những chi phí duy trì chúng - tóm lại là trả tiền để tham gia cuộc chơi. Cho tới nay, cách tiếp cận của Trung Quốc vẫn khá lựa chọn, bỏ túi những lợi ích khi có thể nhưng lại lẩn tránh trách nhiệm từ những vấn đề như Iran, CHDCND Triều Tiên và biến đổi khí hậu.

Quá trình hoạch định chính sách khó hiểu

Một nguyên nhân khiến chính sách đối ngoại của Bắc Kinh khá rời rạc là hệ thống ra quyết sách. Trung Quốc không có một hội đồng an ninh quốc gia hay một cơ quan phối hợp các quan điểm của nhiều bộ ngành và chia sẻ thông tin quan trọng giữa các đơn vị này. Theo như tìm hiểu của Washington, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc hiếm khi hội thảo hay trao đổi thông tin tình báo, và tình trạng có thể xấu hơn là: một số tàu Trung Quốc tham gia và các vụ đối đầu ở các đảo ngoài khơi thuộc về các cơ quan ngư nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp trong khi các nhà ngoại giao Trung Quốc thì có thể không biết họ hành động theo lệnh của ai. Dù rất quan trọng nhưng có lẽ Bộ Ngoại giao chính là cơ quan yếu nhất trong các bộ tại Bắc Kinh, khiến các quan chức Mỹ phải ca thán họ đang tiến hành "các cuộc hội đàm vô nghĩa" với các nhà ngoại giao Trung Quốc, những người có thể thông minh và tinh vi nhưng có ít ảnh hưởng đối với những gì mà lãnh đạo đảng lựa chọn làm chính sách.

Trong các cuộc đàm phán thẳng thắn với quan chức Trung Quốc, chính quyền Obama đã cố gắng thuyết phục họ xây dựng một hệ thống ra quyết sách để có thể phối hợp các quan điểm đa dạng giữa các bộ, ổn định một chiến lược nhất quán và tránh các sự cố. Nhưng làm được như vậy không phải dễ. Các bộ của Trung Quốc (và thành viên Bộ Chính trị, những người giám sát các cơ quan này) được hưởng quyền tự chủ và chỉ muốn bảo vệ "thân chủ" của mình và cho tới nay vẫn không sẵn sàng và không thể gây tổn thương đến các cơ quan quan liêu khác. Ví dụ, Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc thậm chí còn không muốn báo cáo lên chính phủ mà muốn báo cáo trực tiếp lên một hội đồng cấp cao của đảng do Tổng Bí thư Tập Cận Bình lãnh đạo. Ngay cả việc làm của Bộ trưởng Quốc phòng cũng không được quy định rõ ràng hoàn toàn.

Tuy nhiên, đã có những tín hiệu tích cực. Các quan chức chính phủ Mỹ khẳng định thời gian vừa qua Washington đã có nhiều cuộc thảo luận thẳng thắn với các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc hơn so với nhiều năm trước đó, và đạt được một số kết quả tốt. Khi các tàu gầm đối đầu nhau, chính phủ Mỹ khẳng định họ đội khi có thể thuyết phục được Bắc Kinh lùi lại thay vì liều lĩnh chỉ đạo thuyền trưởng chỉ huy tàu chiến nhả đạn. Và Washington sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình để thuyết phục Thủ tướng Nhật Bản Abe không cử quan chức tới Senkaku để tránh xung đột xảy ra trong khi giải thích để Bắc Kinh hiểu vai trò của Mỹ.

Nhưng cũng có những vấn đề về chiến thuật. Quan trọng hơn là liệu Tập Cận Bình và các đồng nghiệp của ông có thể được thuyết phục lựa chọn chiến lược tổng thể hơn hứa hẹn mang lại lợi ích dài hạn cho tất cả các bên. Trong những tháng gần đây, Phó Chủ tịch khi đó là Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Joseph Biden đã dành phần lớn thời lượng trong 2 tuần tại đại bản doanh của nhau, theo dõi trò Laker ở Los Angeles, ăn mì trong bữa tối ở Bắc Kinh và - quan trọng hơn - thảo luận các chính sách cơ bản và thái độ của các chính phủ. Hãy hy vọng rằng những cuộc trao đổi chưa từng có này sẽ giúp tạo nền tảng cho các mối quan hệ tốt hơn trong tương lai, để cho lợi ích chung cổ vũ cho các bên tranh chấp khi các vết rạn nứt lành dần. Nhưng ai biết chuyện gì có thể xảy ra?

Việc Tập Cận Bình suy nghĩ thế nào về lợi ích dài hạn của Trung Quốc, cũng như việc ông có thể định hình ra sao cái mà các thành viên Bộ Chính trị quyết định sẽ trở thành một chính sách quốc gia vẫn là điều bí mật. Một thập niên trước, vị quan chức Trung Quốc phụ trách đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới này nói ông phải thiết lập điều kiện cho "giải pháp đôi bên cùng thắng" bởi khái niệm đó không tồn tại trong tiếng Trung Quốc. Nhưng liệu điều đó có nhận được sự tán đồng của các nhà lãnh đạo đảng mới của Trung Quốc hay không còn là điều phải xem xét.

  • Robert Keatley nguyên là biên tập viên tờ Wall Street Journal phiên bản châu Á và tờ South China Morning Post.
  • Trâm Anh theo The National Interest