Vì sao dân “chê” rừng ngập mặn

Theo báo cáo của Nhóm nghiên cứu Đa dạng sinh học và Bảo tồn, Viện CNSH&MT sau khi khảo sát thực địa trồng rừng ngập mặn tại các tỉnh thành ven biển nam miền Trung và Đông Nam Bộ như: Phú Yên, Khánh Hòa, TP.HCM hay Long An cho thấy, một bộ phận không nhỏ người dân đang hiểu sai lệch về vai trò của rừng ngập mặn.

Theo kĩ sư Trịnh Tuyết Mai, Viện CNSH&MT: Trong quá trình khảo sát chúng tôi thấy, nhiều hộ dân khi mở rộng diện tích các vuông/đìa, đầm nuôi tôm đã “âm thầm” chặt bỏ diện tích rừng ngập mặn trong khu vực của mình để mở rộng diện tích canh tác và nuôi trồng. Khi được hỏi lí do thì nhiều hộ dân thẳng thắn, chặt đi thì sẽ mất diện tích các tán cây bao phủ ngăn sóng gió bảo vệ đầm tôm. Nhưng nếu không chặt, lá cây rơi xuống đầm phát sinh dịch bệnh cho vật nuôi; rễ cắm xuống nước cũng khó khăn trong việc đắp bờ… nên bắt buộc phải chặt hạ.

Lấy ví dụ ngay tại xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa – khu vực bà con canh tác nuôi trồng thủy hải sản rất mạnh. Đoàn khảo sát nhận thấy, nếu không tuyên truyền và chỉ rõ được tác dụng của rừng ngập mặn thì những cánh rừng ngập mặn ít ỏi còn lại của nơi này sẽ biến mất trong nay mai. Mặc dù thị xã Ninh Hòa - nơi có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất tại Khánh Hòa (khoảng 40 ha), nhưng hoạt động trồng mới đang diễn ra chậm, trong khi hoạt động “triệt hạ” và thu hẹp diện tích lại đang gia tăng.

an anh phai.jpg
Thành viên Viện CNSH&MT đang tiến hành khảo sát rừng ngập mặn tại Ninh Hòa, Khánh Hòa.

Theo đại diện Viện CNSH&MT, mục đích của các chuyến khảo sát là tìm hiểu về nguồn giống tại địa phương, và địa điểm có thể triển khai hoạt động trồng rừng. Tuy nhiên, bài toán sinh kế và câu chuyện bảo tồn rừng ngập mặn không phải khi nào cũng có những đáp án giống nhau. Theo kĩ sư Tuyết, có những hộ rất ủng hộ việc bảo tồn như gia đình anh Nguyễn Ngọc Phai, thôn Tân Đảo với diện tích đầm/đìa nuôi tôm gần 3 ha. Trong đìa của anh Phai vẫn giữ được những cây đước được trồng từ rất lâu, anh giữ lại làm chòi canh và bờ tự nhiên bảo vệ đìa những khi mưa bão.

“Nhiều người chối bỏ cây đước, cây mắm vì lí do lá cây làm hại nguồn nước, gây bệnh cho tôm nhưng theo tôi không phải. Rễ cây đước, cây mắm bám biển giữ đất thì họ cho rằng khó đắp bờ, quây đầm nuôi cũng không hẳn. Trước thế hệ chúng tôi chỉ biết trồng, nay chúng tôi vừa trồng vừa giữ nhưng xem chừng diện tích không mở rộng mà còn bị thu hẹp”, báo cáo của Viện CNSH&MT dẫn lời ông Phai tâm sự.

Mở rộng diện tích rừng ngập mặn bằng cách nào?

Cũng theo Viện CNSH&MT,  nhiều hộ dân sẵn sàng tham gia các dự án bảo tồn và phát triển diện tích rừng ngập mặn, miễn sao bài toán sinh kế của họ được đảm bảo song song với lợi ích trồng và giữ rừng. Nhiều hộ dân sẵn sàng tham gia trồng rừng không công, bởi họ hiểu rõ nhất những khi mưa bão vùng ven bờ bị thiệt hại ra sao. Dù khu vực Nam Trung Bộ trước nay ít bão, nhưng những năm gần đây do biến đổi khí hậu nên các cơn bão xuất hiện và gây thiệt hại không nhỏ.

Quay lại câu chuyện sinh kế, không phải hộ nào cũng phản đối rừng ngập mặn. Theo báo cáo khảo sát, ví dụ gia đình anh Nguyễn Tấn Tài - một trong những thành viên tích cực nhất trong công cuộc trồng rừng ngập mặn bảo vệ môi trường biển cho hay, trồng cây là bảo vệ chính đầm/đìa tôm của mình trước những tác động của triều cường và nước biển dâng. Những hàng cây mắm, đước như những con đê tự nhiên khiến anh yên tâm hơn mỗi khi có mưa bão.

Hoặc với hộ anh Trần Anh Thi (thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích), ban đầu anh cùng gia đình khăng khăng không trồng bất cứ cây nào. Bởi theo anh Thi, lá đước và lá mắm rơi xuống đìa làm ô nhiễm nguồn nước nuôi. Trong khi rễ của chúng ăn sâu vào đất làm anh không thể đắp bờ và thu hoạch tôm cua được. Sau khi nghe các đoàn khảo sát và chuyên gia tư vấn về những lợi ích từ những cánh rừng ngập mặn, anh lại chính là những thành viên hăng hái nhất tham gia tái tạo và trồng bổ sung rừng ngập mặn tại đây.

Cũng theo báo cáo của Viện CNSH&MT,  lợi ích của rừng ngập mặn là khó đong đếm. Nhưng để dân hiểu và thấy được lợi ích từ rừng ngập mặn thì cần các chính sách tổng hợp để chính người dân là chủ thể trồng, giữ, bảo tồn rừng chứ không phải là chờ đợi nguồn lực từ bên ngoài, hết dự án là rừng cũng bị triệt hạ. Bài học bảo tồn rừng ngập mặn của Cần Giờ (TP.HCM), Cần Giuộc (Long An) được dự án khảo sát cũng là những bài học quý để các địa phương tham khảo.

Được biết, các báo cáo khảo sát và kiến nghị giải pháp bảo vệ rừng ngập mặn đã được Đại học Nha Trang gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để làm tiền đề giữ gìn, bảo tồn tốt hơn các cánh rừng ngập mặn ven biển đang có, đồng thời bổ sung thêm các giải pháp để mở rộng diện tích rừng ngập mặn vốn đang chịu sự nhiều tác động của phát triển kinh tế xã hội ở nước ta hiện nay.

Thu Hằng và nhóm PV, BTV