Nhiều cây dược liệu quý đã giúp nông dân thu bạc triệu thậm chí bạc tỷ ngay chính trên đồng đất quê mình.
Hái ra tiền nhờ trồng dược liệu sạch
Ông Ðào Văn Hoa, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, Nam Ðịnh sở hữu trang trại trồng quất sạch làm dược liệu trên Bãi Quỹ. Cách đây 4 năm, Bãi Quỹ được chọn làm vùng dược liệu sạch, và gia đình ông Hoa được chọn tham gia dự án Biotrade (dự án phát triển dược liệu sạch của châu Âu). Tham gia dự án, cái được lớn nhất đối với ông là có đầu ra sản phẩm ổn định với giá cả hợp lý. Ông Hoa bộc bạch: “Với hai ha quất, mỗi năm tôi thu hoạch khoảng 50 tấn, doanh thu hơn một tỷ đồng”.
Cũng làm giàu bằng cây thuốc từ đồng đất cằn cỗi của mảnh đất quê hương Triệu Sơn (Thanh Hóa), anh Út đã mất 1 năm cải tạo đất để đạt tiêu chuẩn vùng trồng do doanh nghiệp làm dược liệu đề ra. Hơn 10ha đất của anh Út, đã mang đến cho anh sản lượng 9 tấn khô cà gai leo, với mức thu nhập hơn 200 triệu mỗi năm.
Tại Bắc Hà, Lào Cai, việc chăm sóc cây dược liệu cát cánh gấp 10 lần cây ngô cho người dân địa phương. Chị Giàng Xuốn Phấn, 38 tuổi (Lùng Phình, Bắc Hà, Lào Cai) tiết lộ mỗi tháng gia đình chị nhận được 10 triệu đồng từ việc chăm sóc diện tích trồng cây cát cánh mà huyện giao.
Cây cát cánh |
Theo các số liệu báo cáo của Dự án Phát triển dược liệu sạch BioTrade do Liên minh châu Âu tài trợ tại Việt Nam, nhiều vùng trên cả nước đã dần hình thành các vùng nguyên liệu như vùng trồng atiso và chè dây tại Lào Cai; quế tại Yên Bái; hồi tại Lạng Sơn; bèo hoa dâu tại Bắc Giang; quất, dây thìa canh, đinh lăng tại Nam Định; gấc, rau má tại Nghệ An; bụp giấm, cỏ mực, diệp hạ châu, lạc tiên, rau đắng đất tại Phú Yên, nghệ tại Đăk Lắk...
Theo đó, thu nhập mà người nông dân có được tại các vùng trồng này là rất khả quan. Thu nhập trung bình ở vùng trồng atiso là 100 triệu/ha, đương quy 100 triệu/ha, đinh lăng 300 triệu/ha, quất 90 triệu/ha.
Hiện BioTrade đang hợp tác được với 12 doanh nghiệp, chiếm 80% thị phần thị trường thảo dược trong nước phát triển 50 chuỗi giá trị dược liệu sạch. 6.000 người nông dân được hưởng lợi trực tiếp từ dự án này khi thu nhập từ trồng dược liệu gấp từ 4-6 lần thu nhập từ trồng hoa màu.
Chuẩn hóa chất lượng, bảo tồn cây thuốc quý
Theo Viện Dược liệu (Bộ Y tế), thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu ở Việt Nam rất lớn, ước tính khoảng 60.000 đến 80.000 tấn/năm. Bất cập hiện nay là 90% nguồn dược liệu đang lưu hành trong nước là nhập khẩu, trong khi tiềm năng phát triển dược liệu của Việt Nam lớn. Ðến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 5.000 loài động vật, thực vật được sử dụng làm thuốc, trong đó có gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển nuôi trồng.
Trồng dược liệu đang là mô hình làm kinh tế lý tưởng ở nhiều vùng thổ nhưỡng đặc thù nếu người nông dân biết làm đúng hướng. Tính bền vững trong chuỗi giá trị kể trên chính là chất lượng. Từ việc tự chủ nguồn cung ứng, doanh nghiệp phải đầu tư vùng trồng dược liệu sạch, tuân thủ chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO) nhằm bảo đảm dược liệu không chứa tác nhân gây bệnh và hóa chất, bảo đảm an toàn từ đồng ruộng đến khi sử dụng và kiểm soát hoạt chất.
Cụ thể, vùng đất có phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng để trồng dược liệu phải được đầu tư cải thiện lại nguồn đất tơi xốp, nguồn nước sạch đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn cây trồng GACP - WHO. Trong quá trình trồng trọt, thu hái, người nông dân cũng phải tuân thủ các quy định của doanh nghiệp, sử dụng phân vi sinh, hữu cơ để bón cho cây trồng...
Trong đó, khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp dược liệu hiện gặp phải là đảm bảo tuân thủ những cam kết của người nông dân trong việc phối hợp cùng doanh nghiệp phát triển vùng trồng.
Bên cạnh đó, việc phát triển tự phát vùng trồng không theo cam kết chất lượng cũng sẽ là một nguyên nhân khiến người nông dân thua lỗ. Điển hình, việc phát triển tự phát vùng trồng Thanh hao hoa vàng (trị sốt, vàng da, mụn nhọt lở ngứa...) trên diện tích hàng nghìn ha tại một số tỉnh, thành miền Bắc đã khiến giá dược liệu này giảm mà người nông dân không bán được.
"Khắt khe với chính mình về các tiêu chuẩn, gắn kết trong mọi cam kết sẽ là điều kiện tiên quyết trong xây dựng vùng trồng dược liệu sinh lợi cao. Những vùng trồng dược liệu thành công đang là nguồn cảm hứng cho người nông dân mong muốn đổi thay cuộc sống từ đồng đất quê nhà", đại diện dự án BioTrade cho biết.
D.Minh - Ngọc Trâm (tổng hợp)