Điều này đặt ra yêu cầu gia đình và nhà trường cần quan tâm phối hợp trong việc quản lý, giáo dục và bảo vệ học sinh trong quá trình sử dụng thiết bị thông minh.
Nhà trường và gia đình cần phối hợp quản lý, giám sát học sinh sử dụng thiết bị thông minh để tránh những ảnh hưởng không tốt đến thể chất, tinh thần trẻ. Ảnh: THÁI HÀ |
Sử dụng đúng sẽ phục vụ đắc lực cho học tập
Ngày nay, khi công nghệ phát triển, đời sống con người được nâng cao, các thiết bị thông minh trở nên phổ biến thì nhiều gia đình đã sớm trang bị cho con em mình điện thoại, máy tính bảng nhiều chức năng để phục vụ cho việc liên lạc, học tập. Trong số các thiết bị thông minh, điện thoại di động là một phương tiện được học sinh sử dụng khá phổ biến, nhất là các em học sinh THCS trở lên.
Nói về tác dụng của chiếc điện thoại thông minh, em Nguyễn Trần Vân Anh, học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh chia sẻ: “Điện thoại hỗ trợ em rất nhiều trong quá trình học tập. Nhờ có điện thoại mà em có thể tìm kiếm thông tin, tài liệu nhanh chóng; trao đổi bài tập với các bạn một cách dễ dàng và thuận tiện. Trong đợt nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19, em vẫn có thể học trực tuyến, học qua internet, các trang mạng xã hội từ điện thoại”.
Em Nguyễn Như Ngọc, học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ cho rằng: “Lợi ích mà điện thoại mang lại cho học sinh là rất nhiều, giúp chúng em thuận tiện trong học tập, kết nối với giáo viên dễ dàng. Chưa kể, trên mạng hiện nay có nhiều khóa học online được cấp chứng chỉ; nhiều app học ngoại ngữ rất hiệu quả. Theo em, việc học tập, sử dụng các thiết bị thông minh nếu được chọn lọc sẽ phát huy hiệu quả”.
Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh là cơ sở giáo dục đào tạo nhiều học sinh giỏi đạt giải cao các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế. Thầy Huỳnh Tấn Châu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh cho biết: “Ngoài đảm bảo các kiến thức ở nhà trường, tất cả học sinh của trường đều có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin nhất định. Nhà trường khuyến khích các em sử dụng các thiết bị công nghệ hỗ trợ học tập”.
Nhà trường - gia đình phối hợp quản lý, giám sát
Bên cạnh những lợi ích, việc sử dụng thiết bị thông minh quá nhiều hay sử dụng không đúng mục đích không chỉ ảnh hưởng đến phát triển thể chất, trí tuệ mà còn tác động xấu đến quá trình hoàn thiện nhân cách của các em. Bởi vậy, ngoài việc đưa ra những quy định cụ thể, nhà trường và gia đình cũng nên phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát, cung cấp kiến thức, hướng dẫn học sinh cách sử dụng, khai thác thiết bị công nghệ sao cho an toàn, hiệu quả và tham gia mạng xã hội đúng luật.
Kỹ sư công nghệ thông tin Lê Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Vi tính Hoàng Vũ cho biết: Điện thoại thông minh mang lại nhiều lợi ích trong quá trình học tập của học sinh nhưng phụ huynh cũng cần phải đồng hành, giám sát để con sử dụng thiết bị này một cách hiệu quả, hợp lý nhất. Cha mẹ có thể sử dụng những phầm mềm để quản lý con sử dụng máy tính, điện thoại.
Các phần mềm có tính phí giúp quản lý thời gian truy cập của con hay khi con truy cập các trang web không an toàn, phần mềm sẽ kết nối với gmail cảnh báo đến cha mẹ. Tác dụng của điện thoại di động còn do cách nhà trường và gia đình hướng dẫn con em mình sử dụng như thế nào.
Hiện nay, nhiều trường trên địa bàn tỉnh đã đưa ra nội quy cấm học sinh mang và sử dụng điện thoại tại trường cũng như đã đề ra biện pháp xử lý đối với những trường hợp học sinh vi phạm.
Cô Đặng Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Vương, TP Tuy Hòa, cho biết: “Nhà trường xác định học sinh đến trường là để học tập, tập trung thời gian cho học tập. Nhà trường thảo luận với phụ huynh và thống nhất đưa ra nội quy. Nếu các em đem điện thoại đến trường, thầy cô sẽ thu giữ, sau đó giao lại cho phụ huynh. Bên cạnh đó, để tạo môi trường sinh hoạt cho học sinh, nhà trường khuyến khích các em đọc sách tại thư viện, tham gia các hoạt động trải nghiệm”.
Ngày 15/9/2020, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 32, trong đó có quy định về các hành vi mà học sinh không được làm như: “Sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Do đó, các bậc phụ huynh, thầy cô cần quan tâm đúng mức đến việc sử dụng điện thoại di động của học sinh, xây dựng được cho các em ý thức sử dụng thiết bị này một cách hợp lý.
Theo Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, bên cạnh những lợi ích, việc lạm dụng thiết bị thông minh có thể làm giảm sút sức khỏe; ảnh hưởng đến mắt, não; gây tâm lý bất ổn, lo âu ở học sinh; không tốt cho sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần của trẻ. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo rằng trẻ nhỏ dưới 2 tuổi tuyệt đối không sử dụng thiết bị điện tử. Với trẻ lớn hơn cũng không khuyến khích xem, nếu sử dụng thì chỉ nên tiếp xúc khoảng 60 phút/ngày. |
Theo Thái Hà (Báo Phú Yên)