Cụ thể, NHNN quyết định xử phạt vi phạm hành chính 120 triệu đồng đối với Công ty TNHH Grab (trụ sở tại TP.HCM) do công ty này đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính đối với việc đăng ký khoản vay nước ngoài.
Grab đã không tuân thủ quy định về thời gian gửi hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài ngắn hạn được gia hạn thành trung, dài hạn mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 1 năm. Hành vi trên vi phạm quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 13 Thông tư số 03/2016/TT-NHNN ngày 26/02/2016.
Đây là một khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh nhưng vẫn phải tuân thủ đầy đủ các thủ tục từ chuẩn bị đơn đăng ký, gửi hồ sơ và thời hạn gửi hồ sơ (30 ngày từ ngày ký thỏa thuận vay nước ngoài trung, dài hạn cũng như gia hạn từ ngắn hạn thành trung, dài hạn)…
Khoản vay phải được NHNN có văn bản xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký.
Grab Việt Nam. |
Như vậy, sai phạm của Grab ở đây là đã không gửi hồ sơ đăng ký chuyển đổi khoản vay nước ngoài từ ngắn hạn gia hạn thành trung, dài hạn theo đúng như thời gian quy định. Grab đã gửi muộn hơn so với mức 30 ngày nói trên.
Đặc biệt, khi biết hồ sơ chậm, chưa đáp ứng điều kiện theo quy định, Grab vẫn cố tình thực hiện việc vay vốn nước ngoài, bất chấp các quy định chặt chẽ trên thị trường tiền tệ vốn rất nhạy cảm và phức tạp.
Trên thực tế, khoản phạt ở trên là không lớn đối với một doanh nghiệp đang phát triển thành một hệ sinh thái như Grab. Song, mặc dù chỉ là một mức phạt hành chính nhưng như là cảnh cáo của NHNN về sự vi phạm trắng trợn trong lĩnh vực tiền tệ do cơ quan này quản lý.
Việc quản lý dòng vốn ngoại tệ ra vào một đất nước là rất quan trọng trong công tác quản lý tỷ giá cũng như các chính sách tiền tệ khác. Việc chuyển đổi từ một khoản vay ngắn hạn sang trung và dài hạn cũng được coi như một sự vào ra mới của dòng tiền ngoại.
Trên thực tế, đối tác và giá trị khoản vay không được đề cập nhưng vi phạm này đã được NHNN công bố ngay và rộng rãi như một lời nhắc nhở đối với các doanh nghiệp khác, giúp NHNN điều hành chính sách một cách tốt nhất.
Thời gian gầy đây, thị trường tài chính thế giới biến động rất mạnh, một phần liên quan tới cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa 2 nền kinh tế lớn trên thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Những biến động của đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc có tác động rất mạnh tới thế giới. Những biến động khó lường của đồng USD lên thị trường tài chính và tiền tệ thế giới là rất rõ.
Các nước cũng có những động thái theo dõi và quản lý chặt chẽ các chính sách tiền tệ và tỷ giá. Mỹ gần đây thậm chí còn đưa 9 nước vào danh sách các quốc gia cần giám sát, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ireland, Singapore, Malaysia và Việt Nam.
Dòng vốn ngoại vào Việt Nam gần đây rất lớn, qua đầu tư trực tiếp và gián tiếp, qua xuất nhập khẩu và kiều hối từ nước ngoài về. Việc quản lý giám sát cần được quản lý giám sát chặt chẽ hơn bao giờ hết.
Vốn đầu tư trực tiếp FDI hiện lên mức kỷ lục. Trong gần 5 tháng đầu năm, riêng các nhà đầu đến từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông (Trung Quốc) đã đầu tư hơn 7 tỷ USD vào Việt Nam và lần đầu tiên vượt qua số vốn của Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore.
Không chỉ phát hành cổ phiếu lấy tiền, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam giống như Grab có huy động vốn vay từ nước ngoài. Dòng tiền này phải được quản lý chặt chẽ theo đúng các quy định của pháp luật. Nếu không điều này sẽ có ảnh hưởng lớn đến quản lý dòng vốn, ngoại hối và thị trường tiền tệ Việt Nam.
Đại diện Grab cũng cho biết đã làm việc với NHNN để khắc phục và nghiêm túc chấp hành các yêu cầu.
Cũng liên quan đến Grab, trong năm 2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã có kết luận về thương vụ Grab mua lại Uber vi phạm cả hai hành vi về tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh tại Việt Nam. Hội đồng Cạnh tranh cũng đã có quyết định về việc thành lập Hội đồng Xử lý vụ việc liên quan hành vi tập trung kinh tế của Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam.
H. Tú