Bố tôi không may mắn như nhiều người đàn ông khác.

Theo lời bà nội tôi kể, ngày đó quê tôi nhiều lần bị giặc càn quét, ông bà nội cùng anh em họ hàng, ôm con cháu, rồng rắn, tay gậy, tay bị kéo nhau vào Thanh Hoá chạy giặc, rồi sau đó lại chạy tiếp ra Hà Nội.

Khi đất nước hoà bình thì nhà ông bà tôi lại bị chia cắt.

Ngày đó, ông nội bị bệnh nặng, không may qua đời khi tuổi đời còn rất trẻ. Bà nội phải gồng mình lên chăm sóc 4 người con và một sinh linh (là bố tôi) đang lớn dần trong bụng. Nỗi khổ trăm bề không thể kể hết.

Bố tôi sinh ra trong hoàn cảnh không thể đau thương hơn. Đó chính là lý do bà đặt tên cho bố là Côi, cái tên mang đầy sự cay đắng, xót thương.

Sau khi bố tôi ra đời, bà nội một mình nuôi 5 con thơ ở giữa đất Thủ đô, tiền không có, nghề nghiệp cũng không, trong khi nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn thường trực.

Không thể chịu cảnh này thêm, bà liền gửi con trai cả cho người chú trông nom chăm sóc, dạy dỗ. Năm mẹ con kéo nhau lầm lũi về quê.

Từ ngày ông bà đi chạy giặc, trải qua cuộc cải cách ruộng đất, nhà cửa, vườn tược ở quê đã không còn. 

Cũng may trời thương, họ hàng mến, bà được người họ hàng cho một mảnh đất bãi ở cuối làng. Theo lời bà kể thì mảnh đất đó lâu lắm không có người ở, cỏ mọc um tùm, cao quá đầu người.

Điện lưới cũng chưa có nên buổi tối mấy mẹ con chỉ quây quần bên chiếc đèn dầu, xung quanh tối om như mực, chỉ nghe văng vẳng tiếng ếch nhái kêu đâu đây.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Mấy mẹ con thơ cùng nhau phát quang, nhờ thêm anh em họ hàng, dựng lên một căn nhà lá nhỏ, gọi là có chỗ che nắng che mưa.

Bà nội tôi vì cuộc sống khó khăn, nhiều áp lực nuôi các con khôn lớn, nên tính tình trở nên khó tính, có phần gia giáo, nhưng tựu chung lại, bà làm vậy cốt chỉ mong các con khôn lớn trưởng thành, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Trong mấy anh em, bố tôi là út, nhưng lại không được học hành, từ nhỏ đã phải đi chăn trâu cắt cỏ, kiếm ít công điểm, chỉ mong khi Tết đến, hợp tác xã chia ít công điểm. Lớn chút bố đi làm phụ xây, rồi lên thợ chính. 

Các bác nhà tôi ai cũng được học hành tử tế, người làm bộ đội, người làm công an, người làm giáo viên….Còn bác cả thì không may hi sinh, quên mình vì đất nước.

Cũng vì hoàn cảnh gia đình như vậy, bố tôi khó khăn nhất nhà, nên từ nhỏ tôi đã xác định bản thân mình cần phải cố gắng gấp đôi, gấp ba bạn bè xung quanh, hi vọng sau này cuộc sống của tôi sẽ khấm khá, có điều kiện chăm sóc bố mẹ ở quê.

Các bạn đọc bài, ít nhiều có thể cảm nhận những suy tư, chút áp lực và điều gì đó nuối tiếc, ân hận, xót xa của tôi khi nghĩ về bố trong ngày cuối năm. Mỗi cây mỗi hoa, cảnh nhà tôi như vậy, con đường tôi đi có chút gập ghềnh, áp lực nhiều lúc làm người ta có chút gì bi quan.

Người ta thường nói, cuối năm là dịp chúng ta suy nghĩ về những gì xảy ra trong một năm qua, tổng kết những việc đã làm được, chưa làm được, rút kinh nghiệm những thất bại, tạo động lực, mục tiêu trong năm tới.

Còn tôi, những dịp này hay nghĩ về bố, người mà cả đời hết lòng hi sinh vì tôi. Ngày trước tôi hay ý kiến việc bố hay kể về chuyện xưa, nhưng rồi càng ngày càng nhận ra, bản thân tôi không khác bố nhiều, cũng hay suy tư về chuyện ngày trước.

Bố ngày đó vì không được học hành, lại đi làm thợ xây, em gái tôi từ nhỏ hay ốm yếu nên kinh tế gia đình khó khăn, tiền kiếm được thì đều dành dụm mua thuốc cho em. Cảnh nhà nghèo khó nên hay bị người khác coi thường.

Tôi tin đó là nguyên nhân, động lực để bố từ nhỏ đã quyết tâm đầu tư cho anh em tôi được học hành tử tế. Theo bố, chỉ có học hành tử tế thì mới thoát nghèo, mới kiếm được đồng tiền nhàn hạ và quan trọng hơn là không phải khổ như đời của bố mẹ.

Đó là cũng là một phần khiến tôi khá nặng lòng trong thời gian này. Tôi được học hành tử tế, có kiến thức, có kinh nghiệm sống….nhưng rồi trái đất tròn hay cuộc đời đưa đẩy, tôi bây giờ lại trở thành anh Cửu, không khác gì cuộc đời của bố từng đi trong mấy chục năm qua.

Tôi day dứt và rất sợ hãi nếu bố biết điều này!

Bố tôi không được học hành, cũng chẳng biết dạy con theo chuẩn khoa học, nhưng cả cuộc đời ông là hình tượng gần nhất để tôi theo học hỏi mỗi ngày. Tôi học được sự tự cường, lì lợm, sự cố gắng vươn lên và hơn hết đó là sự tự lập. Chỉ có thể tự lập mới đảm bảo cho mình cuộc sống ổn định, hạnh phúc.

Bố thường dạy, ở trên đời, miếng ăn do chính bàn tay mình làm ra thì mới là miếng ăn ngon nhất. Tôi hồi nhỏ không hiểu lắm, nhưng lớn dần, tôi đã hiểu và cũng thầm cảm ơn bố.

Thật lòng mà nói, tôi và bố không hợp nhau về tư duy và quan điểm sống. Hồi nhỏ tôi có phần không thoải mái, trách bố khó tính, hay mắng và nặng lời. Nhưng lớn dần, qua câu chuyện của bà nội và nhìn lại cuộc đời của bố, tôi dần hiểu, cảm thông và thấu hiểu hơn.

Hai thế hệ, hai cách bước vào cuộc đời khác nhau nhau nên chuyện tư duy, quan điểm sống có khác cũng là điều đương nhiên. Hồi nhỏ tôi còn mặt nặng mày nhẹ khi bị bố mắng, nhưng bây giờ, nhiều lúc bố con không cùng quan điểm, tôi chỉ lặng lẽ ngồi nghe. Vì tôi hiểu một điều, tất cả những điều bố nói, bố làm chỉ tốt cho con và thời gian của tôi được gần bố không còn nhiều.

Mỗi tuổi nó đuổi xuân đi, thanh niên chúng tôi còn sợ thời gian, huống chi là bố mẹ già ở quê. Mỗi năm chỉ mong Tết nhất, được nghỉ ngơi nhiều, bố con được sum họp, ngồi quây quần bên nhau.

Năm nay đúng là tôi có sợ, tôi sợ không biết đối diện với bố thế nào. Đại dịch Covid-19 làm thay đổi con người, xã hội và đất nước nhiều quá. Nhìn bố ngày càng già đi, nếp ăn mặc thì như ngày xưa, toàn mặc bộ đồ cũ kỹ, bạc màu… Tôi càng nhìn càng thấy xót xa.

Đọc nhiều lời bình luận của độc giả ở bài viết trước của tôi - Bán tháo nhà hàng, ông chủ đi làm cửu vạn, tối ngủ phòng trọ 10m2, tôi có chút vui vui, phấn khởi và chút gì hi vọng vào điều xa xôi. Tương lai là điều chưa thể biết, nhưng tôi tin, hiện tại chúng ta cứ cố gắng dần dần. Ngày hôm nay cố gắng hơn ngày hôm qua, rồi cuộc đời sau này sẽ khác.

Ngày mai sẽ khác, sẽ lại thấy bầu trời rất xanh!

Thanh Phong

Bán tháo nhà hàng, ông chủ đi làm cửu vạn, tối ngủ phòng trọ 10m2

Kỳ 1: Bán tháo nhà hàng, ông chủ đi làm cửu vạn, tối ngủ phòng trọ 10m2

Thật lòng mà nói, chưa bao giờ tôi có cảm giác sợ Tết như hiện nay.