Chiều 18/7, Sở Công Thương TP Cần Thơ, Trung tâm Khoa học và Hợp tác Net Zero Việt Nam – Asia (VANZA) và JGL VietNam tổ chức Hội thảo "Logistics xanh - nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất nhập khẩu ĐBSCL", với sự tham gia của gần 300 doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phía Nam và doanh nghiệp Hàn Quốc, Singapore trong lĩnh vực logistics, xuất khẩu.
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ Hà Vũ Sơn nhấn mạnh, logistics xanh đã trở thành xu thế tất yếu, và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới.
Ông Sơn khẳng định, logistics xanh không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động vận tải, kho bãi, mà còn mang lại lợi ích kinh tế lâu dài, nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp.
Ứng dụng logistics xanh vào kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí về môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng trưởng bền vững, đóng góp quan trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Đặc biệt, với các doanh nghiệp tại khu vực ĐBSCL, theo số liệu thống kê, chi phí cho hoạt động logistics chiếm khoảng 16,8%, đóng góp 5-6% GDP thì nhận thức đúng vai trò của logistics xanh sẽ có ý nghĩa rất lớn tới quá trình nâng cao năng lực cho hàng hóa xuất khẩu.
Ông Hà Vũ Sơn nói thêm, tổng kim ngạch xuất khẩu của ĐBSCL là khoảng 68 tỷ USD, trong đó Cần Thơ đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu.
Hàng năm, Cần Thơ xuất khẩu 2,2 tỷ USD, trong đó 30% là doanh thu từ xuất khẩu gạo. Sắp tới thành phố sẽ mở rộng sân bay thành sân bay quốc tế lớn với 10-15 triệu lượt hành khách/năm và hơn 10 triệu tấn hàng hóa/năm.
“Từ những cơ hội đó, các giải pháp về logistics xanh sẽ góp phần tận dụng tối đa, hiệu quả để phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung”, lời ông Hà Vũ Sơn.
Dưới góc nhìn một nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm trong ngành, ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty cổ phần hàng không Vietjet cho biết, logistics là ngành chiếm gần 20% GDP quốc gia, và nó được xem như chiếc đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế.
Trong xu thế phát triển chung của nền kinh tế thế giới theo hướng xanh, sạch và bền vững thì logistics xanh không chỉ còn là xu hướng mà trở thành yêu cầu tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu nhằm hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn trong hoạt động kinh doanh, thương mại của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung.
Theo ông Đỗ Xuân Quang, để thúc đẩy quá trình phát triển bền vững một cách toàn diện, hiệu quả và nhanh chóng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số trong kinh tế, xã hội, quản trị, môi trường (ESG) là điều tất yếu.
Ông Quang gọi ý, nếu các doanh nghiệp Việt chú trọng đầu tư vào mục tiêu này thì sẽ mở ra nhiều cơ hội ở thị trường thế giới với hàng hóa xuất khẩu, tăng khả năng kêu gọi đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia hay đa dạng sự tài trợ từ các nguồn tài chính quốc tế.
"Đối với nước ta, logistics xanh bên cạnh gắn liền với mục tiêu phát thải ròng về 0% (net zero) mà Việt Nam đã cam kết tại COP 26, mà còn là tiền đề, điều kiện quan trọng để đưa hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vươn ra nhiều thị trường quốc tế để từ đó nâng cao thương hiệu, vị thế hàng hóa Việt ở thị trường thế giới", ông Quang nói.
Vẫn theo ông Quang, để thực hiện được mục tiêu logistics xanh, cần tập trung quản lý chuỗi cung ứng xanh và gắn liền với quản trị các mắt xích của nó như: vận tải xanh, bao bì xanh, kho bãi xanh, quản lý dữ liệu xanh và logistics ngược.
Đóng góp cho sự phát triển của ngành logistics, ông Đỗ Xuân Quang nhấn mạnh: “Chính phủ đã có các chính sách khuyến khích chuyển đổi xanh, qua các chương trình quốc gia về tăng trưởng xanh thì để thúc đẩy việc chuyển đổi xanh, logistics.
Tuy nhiên, theo tôi bên cạnh các chính sách vĩ mô về cơ chế và kinh tế của Chính phủ, việc đầu tiên cần làm là thay đổi nhận thức của những người làm logistics và cộng đồng doanh nghiệp về vai trò, lợi ích và ý nghĩa của Logistics Xanh tới sự phát triển của cá nhân, doanh nghiệp và xã hội như thế nào.
Cần có nhận thức đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, từ Trung ương đến địa phương, giữa các hiệp hội và các tổ chức hỗ trợ xúc tiến cho đến các doanh nghiệp và chủ hàng… để những giải pháp Logistics đều hướng tới mục tiêu logistics xanh, phát triển bền vững”.