-  Thuật ngữ “an ninh lương thực” của Tổ chức lương thực thế giới và ngạn ngữ Việt từ xa xưa “nhất sỹ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sỹ”, cùng một ý niệm đề cao vai trò cực kỳ quan trọng của nông nghiệp với sự sống còn của nhân loại.


Lợi thế số 1

Gạo là lương thực phổ biến của một nửa nhân loại. Trong số 7 tỷ nhân khẩu trên hành tinh hiện nay, có 3,5 tỷ người hàng ngày sống nhờ cơm hoặc các sản phẩm chế biến từ gạo. Hiện có, 150 triệu ha trồng lúa trên thế giới, mỗi năm thu hoạch được 600 triệu tấn gạo.
 
Những nước xuất khẩu gạo nhiều nhất trên thế giới xếp theo thứ tự là Thái Lan, Việt Nam, Mỹ, Pakistan, Ấn Độ…

Xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo, đó là một lợi thế không nhỏ mà những nhà hoạch định chiến lược phát triển kinh tế quốc dân nước ta thời nào cũng phải quan tâm thích đáng. Trong xu thế toàn cầu hóa, một đất nước nông nghiệp phát triển thì đời sống vật chất và tinh thần có kém cạnh gì một nước công nghiệp phát triển?

Văn minh lúa nước xuất hiện từ 10.000 năm trước. Gạo cung cấp 70% năng lượng hàng ngày cho hơn 3 tỷ người châu Á.


Mỗi năm, Việt Nam sản xuất 18 triệu tấn gạo, xuất khẩu khoảng trên 5 triệu tấn, số còn lại tiêu thụ trong nước và dự trữ để phòng ngừa thiên tai. Hai vùng sản xuất lúa lớn nhất là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Đồng bằng sông Hồng, do ảnh hưởng của thời tiết 4 mùa phương Bắc nên giống lúa cổ truyền cho gạo có hương vị khác gạo phương Nam.

Hương vị gạo Việt

Gạo tám xoan và nếp cái hoa vàng là 2 loại gạo đặc sản nổi trội nhất. Tám xoan đầu bảng là tám xoan Hải Hậu - Nam Định. “Cơm tám ăn với chả chim. Chồng ngoan vợ đẹp, những nhìn mà no”.

Nhưng không phải nơi nào của Hải Hậu cũng cho tám xoan ngon. Tám xoan chỉ ưa đất bãi pha cát Cửu An, Nhất Phúc ven sông Ninh Cơ và sông Kim Giang. Gạo tám xoan hạt trắng, thon dài, mỏng mình, nấu vừa dẻo, ăn với giò lụa, chả quế hoặc cá quả, cá bống kho nỏ nồi, lúc tiết trời cuối thu, khi bụng đang hóng bữa thì không yến tiệc nào bằng.

Tám xoan Hải Hậu đã làm nên thương hiệu cơm tấm chả giò phố Hàng Buồm -Hà Nội thế kỷ trước. Nếp cái hoa vàng còn gọi là nếp Ả, chỉ cấy một vụ từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch. Gọi là nếp cái hoa vàng vì khi trổ bông, giống nếp này có phấn vàng trên từng hạt.

Đồng bằng sông Hồng nơi nào cũng có nếp cái hoa vàng, nhưng chỉ có nếp cái hoa vàng An Phụ, huyện Kim Môn-Hải Dương và nếp cái hoa vàng làng Vòng huyện Từ Liêm-Hà Nội là nổi danh đất Bắc. Cánh đồng làng Vòng đã mất dấu, vùi sâu dưới bê tông cốt thép thị thành. Nếp cái hoa vàng An Phụ còn đến ngày nay thuộc loại nếp mẫu siêu nguyên chủng, đứng đầu trong số 28 mẫu nếp đang hiện hữu ở nước ta. Nếp cái hoa vàng thường được dùng để làm cốm, bánh dầy, xôi vò, ủ tương, ủ rượu, gói bánh chưng…làm nên hương vị đặc thù phương Bắc.

Đồng bằng sông Cửu Long dù là vùng đồng bằng non trẻ, nhưng miền đất mênh mang sông nước Cửu Long lấp lánh biết bao điều thú vị, kỳ bí, lãng tử, siêu nhiên. Nơi đây nhiều giống lúa xa xưa thành hạt gạo có tên gọi đẹp như cổ tích.


Gạo Huyết Rồng, màu đỏ sẫm, thơm ngậy, giàu dinh dưỡng, chỉ một vụ vào mùa mưa và chỉ hợp với thổ ngơi Thái Trị, Vĩnh Hưng. Gạo Nàng Thơm chợ Đào xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước-Long An, hạt thon dài, hình dấu ngã, chà trắng thấy ánh lên màu hồng hạt lựu. Gạo Nàng Thơm chợ Đào cho hạt cơm bóng mượt, thơm ngào ngạt, lâu thiu. Giống lúa Nàng Thơm cây cao tới 2m, chu kỳ sinh trưởng 175 ngày, trổ bông vào tiết đông chí, đúng mùa gió chướng. Nàng Thơm chợ Đào đích thực chỉ có ở 4 ấp, trong số 11 ấp của xã Mỹ Lệ là Cầu Chùa, Vạn Phước, Chợ Mỹ, Cầu Láng, nằm giữa 2 dòng sông Vàm Cỏ Đông và Rạch Cát. Nàng Thơm chợ Đào không chỉ thơm gạo thơm cơm mà còn thơm rơm thơm rạ, góp vào bức tranh quê ngào ngạt hương đồng cỏ nội sau mỗi mùa vàng.

Đồng bằng sông Cửu Long còn có cây lúa nước ngoài vòng nhân gian, đó là giống lúa trời. “Ai ơi, về miệt Tháp Mười. Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn”.
Có lẽ đây là giống lúa cổ xưa nhất, hoang dã nhất trong lịch sử văn minh lúa nước, được Viện Lúa Quốc Tế (IRRI) đưa vào chương trình nghiên cứu để tạo ra giống lúa chịu phèn. Lúa trời không phải gieo hạt, chăm sóc. Nó tự mọc lên vào khoảng tháng 4, đầu mùa nước nổi, đến tháng 10 ngoi lên mặt nước trổ đòng, đơm bông. Bông lúa trời thưa hạt, nhưng hạt to khác thường, mỗi lần chỉ chín vài ba hạt vào lúc nửa đêm và rụng ngay khi mặt trời mọc. Bởi vậy, lúa trời còn được gọi là lúa ma hay “quỷ cốc”.

Gạo lúa trời màu hồng nhạt, hàm lượng dinh dưỡng rất cao, được vua Gia Long dùng trong yến tiệc đãi khách quí. Cơm lúa trời ăn với cá lóc kho tộ, ai mà không ngất ngư với miền Trà Sư mùa lũ! Giá gạo lúa trời tại bờ hiện nay khoảng hơn 200.000 một ký, muốn mua nhiều phải đặt trước. Thu hoạch lúa trời cũng giống như những cuộc săn bắt ngoạn mục thuở hồng hoang. Cứ mỗi khuya, 3 người một xuồng ba lá, xuyên qua bóng tối, bơi vào giữa mịt mùng nước lúa, người ngồi sau chèo thuyền, 2 người ngồi trước dùng thanh tre vin bông, đập rụng những hạt chín, gom vào lòng xuồng. Phải hết đêm mới được vài chục ký lúa tươi. Hạt lúa trời có râu cứng nên ngay sau khi thu hoạch đem ngâm nước 3 ngày, phơi khô cho râu rụng hết, rồi mới giã thành gạo.

Trong khu bảo tồn quốc gia Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông- Đồng Tháp, diện tích 7313ha, giờ chỉ còn 500ha lúa trời. Lúa trời ở đây đúng nghĩa là lộc trời, không chỉ dành cho con người mà còn dành cho hàng vạn muông thú mùa nước ngập.

Nguồn thức ăn chính của động vật Tràm Chim mùa khô là củ năn, mùa lũ là lúa trời. Không có lúa trời, chim sẽ không về Tràm Chim nữa. Tràm Chim không có chim, hệ sinh thái nơi này chắc chắn bị phá vỡ. Cùng với các loài chim trong sách đỏ (sếu đầu đỏ, cò ốc, giang sen, dơi quạ…), các loài cỏ hoa dân dã (súng, sen, tràm, điên điển, cỏ ống, cỏ mồm…), tên các loài lúa trời (bông dừa, nàng pha, chệt cụt…), sông nước Cửu Long xứng đáng là di chỉ sống động, hùng vĩ của nền văn minh lúa nước thế giới.

Từ gạo, người Việt chế biến ra hàng chục món ăn, làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực, bảo tồn những nét đẹp truyền thống dân tộc, hấp dẫn du khách bốn phương. Bánh chưng, bánh tét, bánh dầy, bánh xèo, bánh ú…không chỉ là món ăn ngon miệng, giàu dinh dưỡng mà còn là ngọn nguồn một câu chuyện, một giai thoại về nghĩa tình thơm thảo, về đức độ bao dung, về tinh thần lao động cần cù, chịu thương chịu khó của con người.

Ông cha ta gọi hạt gạo là hạt ngọc không chỉ để tôn vinh giá trị của hạt gạo mà còn muốn nhắc nhở mọi người luôn biết ơn những người làm ra nó.Mỗi khi đói lòng, bưng bát cơm, thấy “Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”, là thế!

Ngô Quốc Túy