|
Với dịch vụ công trực tuyến mức 1 và 2, người dân vẫn phải đến cơ quan công quyền để thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: Ngọc Mai. |
Vẫn trực tuyến ở mức thấp
Từ những năm 2008 - 2009, cả nước rộ lên phong trào tin học hóa dịch vụ công để tăng tính thuận lợi, hiệu quả, công khai, minh bạch cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính. Chỉ trong thời gian ngắn, hầu hết dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương đều được công bố đạt mức 1, mức đơn giản nhất (công khai trên mạng đầy đủ thông tin về quy trình thủ tục, giấy tờ cần thiết của dịch vụ công). Và ít lâu sau, phần lớn các dịch vụ công mức 1 được "nâng cấp" lên mức 2 (cho phép tải về mẫu đơn, hồ sơ để in ra giấy).
Dù rằng khó tránh chuyện vẫn còn một số dịch vụ công mức 1, mức 2 chưa đạt yêu cầu; các quy trình, thủ tục dù được công khai nhưng khó hiểu, như "đánh đố" người dân, buộc người dân phải quay về phương thức truyền thống. Song nhìn chung thì việc tin học hóa các dịch vụ công đã phần nào giúp người dân, DN giảm bớt thời gian, công sức để thực hiện các thủ tục hành chính. Nhiều người hồ hởi mừng thầm với đà này chẳng bao lâu nữa cộng đồng người dân, DN Việt Nam sẽ được thụ hưởng các dịch vụ công trực tuyến mức cao hơn, có thể trở thành những công dân điện tử của một Chính phủ điện tử (CPĐT).
Tuy nhiên, đến cuối năm 2011, theo một khảo sát của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG, cả nước đã có tới 94.000 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức độ 1 và mức 2, nhưng chỉ có 775 dịch vụ được cung cấp ở mức độ 3 (cho phép điền và gửi trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ) và một vài dịch vụ đã đạt mức độ 4 - mức cao nhất của hệ thống CPĐT (thanh toán chi phí được thực hiện trực tuyến, gửi và nhận kết quả qua mạng).
Những khó khăn cũ mà vẫn... mới!
Tại hội thảo FutureGov mới đây bàn về CPĐT, nhiều khó khăn trong triển khai dịch vụ công trực tuyến lại thêm một lần được đào xới, bàn thảo nhưng hầu hết đều là những câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".
Ông Phạm Kim Sơn, GĐ Sở TT&TT Đà Nẵng, một địa phương được coi là điển hình về triển khai dịch vụ công trực tuyến, cho biết: Đà Nẵng đưa dịch vụ công lên mạng cách đây khoảng 8 năm, đạt thành công từ 5 năm trở lại đây, hiện 56 xã, phường đã có "một cửa" điện tử, 30 sở ngành đã xong "một cửa" và bản thân Sở TT&TT cũng nỗ lực cung cấp dịch vụ công qua Cổng thông tin điện tử của Sở. Một trong những kinh nghiệm hay của Đà Nẵng là cố gắng đưa CNTT về nông thôn, thiết lập mỗi địa phương có 2 trạm Internet miễn phí ưu tiên vùng sâu, xa) để khuyến khích người dân dùng Internet, từng bước tiếp cận và biết cách sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Chia sẻ về những khó khăn khi đưa dịch vụ công lên mạng, ông Sơn nhấn mạnh tới vai trò, quyết tâm của lãnh đạo; khả năng, trình độ của cán bộ, công chức và thói quen lâu đời của người dân là phải tới cơ quan Nhà nước để làm thủ tục hành chính mới yên tâm.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Phương, Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học & Đào tạo, Bộ Y tế cũng đưa ra những lý do tương tự: lãnh đạo cao nhất thiếu quyết tâm, cán bộ lớn tuổi ngại sử dụng công nghệ - để lý giải hiện trạng mức độ dịch vụ công trực tuyến ở Bộ Y tế còn thấp, đa số mức 2, một số mức 3, chưa thấy nói đến mức 4.
Một khó khăn khác được ông Nguyễn Trung Nhân, GĐ Sở TT&TT Cần Thơ nêu là kinh phí hạn hẹp. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng Phương dẫn chứng: các đơn vị thuộc Bộ Y tế phải tận dụng nguồn vốn cấp cho việc làm đề tài khoa học, đề tài nghiên cứu để triển khai các phần mềm nên kết quả còn hạn chế. Tuy nhiên, ông Đỗ Đức Đôi, GĐ Trung tâm lưu trữ đất đai và môi trường, Bộ TN&MT lại không đồng tình với lý do thiếu kinh phí. Ông Đôi cho rằng, thực tế vẫn có tiền nhưng vấn đề là phân bổ thế nào? Các cơ quan Nhà nước có rất nhiều kinh phí nhưng lại sử dụng lãng phí.
Nhìn lại những bất cập nêu trên thì thấy toàn là vấn đề cũ. Đã đến lúc phải nghiêm túc đặt ra câu hỏi vì sao những vấn đề cũ này vẫn duy trì tính mới và đâu là giải pháp khắc phục triệt để những vướng mắc đó? Nếu không thể bứt phá để sớm thoát khỏi "bẫy trung bình" (các dịch vụ công trực tuyến chỉ đạt mức trung bình) trong triển khai dịch vụ công trực tuyến thì con đường tiến tới CPĐT tại Việt Nam còn rất xa.