Trung tâm thông tin nông thôn tại Thanh Hóa:
Hiệu quả đáng ghi nhận
Cùng với 9 tỉnh khác trong nước (gồm Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Bình Phước, Tiền Giang và Vĩnh Long), từ tháng 12/2006, dự án tại tỉnh Thanh Hóa đã triển khai được 15 trung tâm thông tin nông thôn (TTNT) tại các huyện thuộc khu vực đồng bằng, ven biển, vùng núi như Yên Định, Triệu Sơn, Đông Sơn, Quảng Xương, Nga Sơn, Cẩm Thủy. Được đầu tư máy tính để bàn, máy xách tay, máy in, máy chiếu, máy ảnh, photocopy, kết nối Internet tốc độ cao, do một cán bộ quản lý và hai người vận hành - Trung tâm TTNT ở các địa phương này bên cạnh việc phổ biến kiến thức phát triển nông nghiệp, những tiến bộ mới trong khoa học nông nghiệp… còn thường xuyên cung cấp thông tin khoa học, văn hóa, xã hội, y tế… đến với người nông dân.
Theo nhận định của TS Lê Như Tuấn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, sau hai năm hoạt động, trung tâm TTNT tại các xã (như Thọ Xương, Xuân Hòa của huyện Thọ Xuân, xã Quảng Phong thuộc huyện Quảng Xương…) đã đưa ra nhiều hình thức hoạt động để phổ biến kiến thức nông nghiệp như tập huấn, cung cấp báo chí, đĩa hình, tờ rơi… Đặc biệt, qua việc sử dụng máy tính kết nối mạng internet, các trung tâm đã hỗ trợ nông dân có thêm cơ hội tiếp cận thị trường mới, cải thiện đời sống, thu hút được nhiều nông dân quan tâm tìm hiểu, tạo được sự gắn kết để ngành nông nghiệp tiếp cận với CNTT...
Dự án kết thúc không có nghĩa là… hết
Tính đến thời điểm hiện nay, đã gần 4 tháng trôi qua kể từ khi dự án đầu tư cho trung tâm TTNT kết thúc. Và, đó cũng là chừng ấy thời gian các trung tâm của tỉnh Thanh Hóa đang vấp phải nhiều khó khăn trong vấn đề tìm lời giải cho bài toán: Làm sao có thể duy trì hoạt động khi thiếu kinh phí?
Trao đổi cụ thể hơn, Phó giám đốc Lê Như Tuấn cho biết: Bên cạnh vấn đề trang thiết bị đã được đầu tư từ ngân sách dự án, thì hàng loạt rào cản đang tác động trực tiếp đến tính sống còn của trung tâm TTNT hiện nay như thiếu nguồn nhân lực, thiếu cơ chế cập nhật và viết bài giữa các cơ quan chức năng, không có kinh phí trả cho người viết bài tuyên truyền... Đó là chưa kể đến năng lực của người viết bài tuyên truyền còn nhiều hạn chế, “quá tải” do cán bộ của các trung tâm TTNT vừa phải nắm bắt, theo dõi tình hình nông nghiệp, nông thôn vừa phải gánh thêm việc mày mò kĩ thuật để tự xử lý khi máy tính trục trặc...
Trước nguy cơ thiếu bài viết tuyên truyền, mới đây giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa đã giao nhiệm vụ cho các Chi cục trưởng, trưởng phòng, các trung tâm trực thuộc Sở mỗi tháng viết 2 bài để cung cấp thông tin phục vụ bà con nông dân. Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là… hoạt động công ích do người viết không được trả nhuận bút do Sở thiếu kinh phí. Trước thực tế đó, để duy trì hoạt động của trung tâm TTNT, có ý kiến cho rằng nên chăng lồng ghép trung tâm với điểm Bưu điện văn hóa xã đã hoạt động từ lâu tại các địa phương. Nhưng để lồng ghép hai mô hình này cũng rất khó do không có cơ chế…
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của CNTT, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích, tạo điều kiện và đầu tư kinh phí để ứng dụng CNTT vào thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế đã có rất nhiều dự án, chương trình thất bại chỉ sau thời điểm kết thúc không lâu, còn website phục vụ cho dự án cũng nhanh chóng “chết yểu” do thông tin không được cập nhật… Với dự án “Xây dựng trung tâm thông tin nông thôn kết hợp với mạng cấp xã”, rất nhiều ý kiến, trong đó có cả những người nông dân đang lo lắng nó sẽ đứng trước nguy cơ tồn tại èo uột hoặc khó phát triển, gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước. Nên nhớ, kinh phí đầu tư cho các xã từ dự án này không nhỏ. Đây là dự án nằm trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ cải cách hành chính tại Bộ NN&PTNT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2005 với tổng ngân sách 500.000 USD (trong đó 400.000 USD từ Chương trình phát triển Liên hiệp quốc UNDP, 100.000 USD của Chính phủ Việt Nam) và kinh phí cấp cho mỗi trung tâm TTNT vào khoảng 150 triệu đồng.
Đây không chỉ là câu chuyện nan giải với riêng Thanh Hóa, 9 tỉnh còn lại đã triển khai xây dựng trung tâm TTNT cũng đang gặp phải nhiều khó khăn…
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 50 ra ngày 27/4/2009