Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương, những tháng đầu năm 2022, dòng vốn FDI vào tỉnh này đạt 1,9 tỷ đô la Mỹ, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ. Tính đến nay, toàn tỉnh Bình Dương có 4.000 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn khoảng 39,3 tỷ USD.
Mới đây nhất, hai “ông lớn” đến từ Đan Mạch là Tập đoàn LEGO và Tập đoàn Pandora đã ký kết hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy tại KCN VSIP 3 (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) với tổng số vốn hơn 1,1 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 10 nghìn lao động tại Việt Nam.
Đây là các nhà máy quy mô lớn, sử dụng 100% năng lượng tái tạo (điện mặt trời) được đầu tư xây dựng vào khu công nghiệp ở Bình Dương.
Cụ thể, ngày 12/5 đã diễn ra lễ ký kết đầu tư giữa Tập đoàn Pandora (chuyên về trang sức) với Chủ đầu tư KCN VSIP 3 để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên của tập đoàn này tại Việt Nam. Dự án có vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD.
Nhà máy được xây dựng vào cuối năm 2023, dự kiến đi vào hoạt động từ cuối 2024, giải quyết việc làm cho hơn hơn 6.000 lao động. Đáng lưu ý nhà máy sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo và hướng tới mục tiêu chỉ sử dụng bạc và vàng tái chế, đáp ứng 60 triệu sản phẩm trang sức mỗi năm.
Trước đó, Tập đoàn LEGO (sản xuất đồ chơi) cũng ký kết hợp tác với chủ đầu tư KCN VSIP để xây dựng một nhà máy trung hoà carbon có giá trị 1 tỷ USD. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, dự kiến triển khai vào nửa cuối năm 2022 và hoạt động trong năm 2024, góp phần tạo ra 4.000 việc làm.
Đây là nhà máy thứ 6 của LEGO trên thế giới và thứ 2 ở châu Á.
Ngoài hai tập đoàn trên, Bình Dương cũng thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, chất lượng cao như: Dự án dịch vụ hỗ trợ hợp tác phát triển TP thông minh Bình Dương (500 triệu USD); Dự án kinh doanh bất động sản của Công ty TNHH Gamuda Land Bình Dương (54,8 triệu USD). Đáng chú ý là dự án KCN VSIP III với vốn đầu tư 285 triệu USD (nơi đặt nhà máy của 2 tập đoàn đến từ Đan Mạch).
Không chỉ thu hút thêm nhiều vốn FDI mới, Bình Dương cũng có thêm nhiều dự án điều chỉnh vốn quy mô lớn, điển hình như dự án Công ty TNHH Công nghiệp New Motion (Singapore) với mục tiêu sản xuất sản phẩm màn hình vô tuyến và màn hình hiển thị, đầu tư xây dựng nhà kho, nhà xưởng, văn phòng trong KCN (vốn đầu tư tăng thêm 185 triệu USD); Dự án nhà máy Công ty TNHH công nghiệp Phúc Cần (Đài Loan) nhằm sản xuất và gia công các loại sản phẩm trang trí cho ngành gỗ gia dụng, hàng trang trí nội thất và ngoài trời (vốn tăng thêm 42 triệu USD).
Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - nhận định, kết quả thu hút vốn FDI trên cho thấy nhiều điểm sáng, dự báo sẽ tạo thuận lợi cho việc thu hút dòng vốn FDI vào tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Bình Dương đang tập trung xây dựng thành phố thông minh và khu công nghiệp khoa học công nghệ, trở thành điểm đến lý tưởng để nhà đầu tư đến làm việc và sinh sống.
Để thu hút đầu tư, địa phương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng, mở rộng và phát triển các khu công nghiệp chất lượng cao.
Xuân An