Những dự án 'đắp chiếu' nằm chờ đường Vành đai 4
Phía đông Vành đai 4, đoạn qua huyện Mê Linh đã hình các thành khu đô thị, dự án, đã giao đất cho doanh nghiệp; phía Tây còn khoảng 1.000ha đang còn là đất nông nghiệp.
Nhiều dự án tại khu vực này vẫn trong cảnh xây dựng dở dang. Những khu nhà đang hoàn thiện rồi để trống nhiều năm, cỏ mọc um tùm.
Có thể kể đến như dự án CEO Homes Hana Garden City với tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng. Dự án triển khai năm 2008, nhưng sau 15 năm nay vẫn là những hạng mục thi công dở dang, nhiều khu vực bỏ hoang. (Xem chi tiết)
Hiện trạng dự án hơn 1.800 tỷ do Tập đoàn Thuận An và liên danh thi công ở Quảng Nam
Tập đoàn Thuận An nằm trong liên danh nhà thầu đang thi công gói thầu thuộc dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14E qua Quảng Nam có tổng vốn đầu tư hơn 1.848 tỷ đồng, đi qua 3 huyện Thăng Bình, Hiệp Đức và Phước Sơn (Quảng Nam).
Dự án do Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.
Giá trúng thầu hơn 507 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 650 ngày. (Xem chi tiết)
Sắp xây trường học trên đất bãi xe 'lậu' ở phường đông dân nhất Hà Nội
UBND TP. Hà Nội vừa có quyết định điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2024 quận Hoàng Mai. Trong đó, có dự án xây dựng trường tiểu học và trường mầm non tại ô đất TH3 và NT3 khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, được bổ sung danh mục Kế hoạch sử dụng đất năm 2024.
Theo quyết định, 2 ô đất này có diện tích quy hoạch là 1,084ha, nằm gần Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Hoàng Mai, cạnh tổ hợp chung cư HH Linh Đà. Khu đất vốn bị biến thành bãi xe "lậu" trong nhiều năm qua. (Xem chi tiết)
Shark Hưng: Tôi sẵn sàng mua chung cư cho thuê, rồi lấy tiền đó thuê villa để ở
Theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CenGroup, những người làm bất động sản đều cảm nhận rất rõ về sự tăng giá đột biến của chung cư ở Hà Nội thời gian qua.
Ông Hưng cho rằng, nếu bỏ khoảng 15-20 tỷ đồng mua căn chung cư, như một dự án ở đường Lê Văn Lương đang bán giá 100 triệu đồng/m2; có thể cho thuê mỗi tháng được 30-40 triệu đồng. Điều này cho thấy, bất động sản chung cư đang tạo ra một dòng tiền rất tốt.
“Tôi sẵn sàng mua chung cư để cho thuê, rồi lấy tiền đó đi thuê một căn villa để ở”, ông Hưng nói. (Xem chi tiết)
Loạt DN bất động sản khó trả nợ trái phiếu, nợ cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2024 có 92 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tổng nợ vay đáo hạn hơn 99.500 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' bất động sản có nợ trái phiếu đáo hạn lên tới nghìn tỷ.
Có thể kể đến như: CTCP Hưng Thịnh Land 1.100 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Hưng Yên 7.200 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Hải Phát hơn 1.340 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova 2.000 tỷ đồng…
Biểu đồ: Hồng Khanh
92 doanh nghiệp bất động sản trên được chia thành 3 nhóm, trong đó có 3 doanh nghiệp rất khó khăn trong việc trả nợ, 18 doanh nghiệp có khả năng gặp khó khăn trả nợ. (Xem chi tiết)
Bộ Xây dựng: Chung cư tăng giá đột biến nhưng giao dịch gần như bằng 0
Theo Bộ Xây dựng, có những dự án chung cư đã đi vào sử dụng từ 5-10 năm, thậm chí nhà tập thể cao tầng cũ cũng được đẩy giá khá cao.
Theo khảo sát của một số tổ chức nghiên cứu, giá bán trung bình một số dự án tại TP. Hà Nội và TP.HCM dao động khoảng 50-70 triệu/m2. Tuy nhiên, ở một số chung cư có giá tăng đột biến gần như không phát sinh giao dịch. (Xem chi tiết)
Cận cảnh dự án ‘trơ xương’ trên đường Lê Văn Lương trong vụ án bị khởi tố
Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" tại dự án Thành An Tower (số 21 Lê Văn Lương, Hà Nội).
Chủ đầu tư ban đầu dự án là Tổng công ty Thành An, sau này chuyển giao hợp tác với CTCP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Ba Đình. Năm 2018, dự án đổi tên thành Manhattan Tower, đơn vị phát triển dự án cũng là cái tên mới - CTCP Landmark Holding, sau này đổi tên thành CTCP Quốc tế Holding (LMH).
Ghi nhận dự án này đã nằm bất động nhiều năm, đến nay vẫn là khối bê tông “trơ xương” sừng sững. (Xem chi tiết)